Cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa

Thứ năm, 31/03/2016 14:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đây là nội dung chính của cuộc họp bàn về những giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 31/3/2016, tại Hà Nội, nhằm kiềm chế và ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh 1

Thứ trưởng Lê Đình Thọ (phải) và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng (trái) chủ trì 
cuộc họp bàn về những giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, ATGT đường thủy nội địa, sáng 31/3/2016. Ảnh Xuân Nguyên

Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, công tác triển khai thực hiện và phối hợp liên ngành giữa Cục, các cơ quan, đơn vị liên quan với các địa phương chuyển biến tích cực; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quy chế phối hợp liên ngành giữa 3 Cục (Cục Cảnh sát giao thông, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam) và các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành; năm 2015, Cục đã phối hợp với Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải 5 tỉnh (Bắc Giang, Quảng Nam, Hải Phòng, Sơn La và Cần Thơ) tổ chức trao tặng hơn 2.300 cặp phao cứu sinh cho học sinh và người dân địa phương. 

Từ năm 2005 - 2015, ba Cục liên ngành đã phối hợp tổ chức 21 đoàn cấp lãnh đạo Cục và 56 đoàn cấp lãnh đạo phòng làm việc với Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông vận tải về công tác triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản dưới luật, công tác quản lý đường thủy nội địa; phối hợp với địa phương kiểm tra đánh giá, chỉ ra những tồn tại, hạn chế những nguy cơ mất an toàn trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa ở từng địa phương và đề xuất, kiến nghị, yêu cầu khắc phục những tồn tại để bảo đảm an toàn giao thông.

Trong thời gian qua, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã tăng cường công tác tuyên truyền, phát động phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, với hơn 1.662.000 bài dự thi; Cục đã phối hợp giải quyết tình trạng mất trật tự, an toàn giao thông đường thủy trên luồng đường thủy nội địa, đặc biệt tại sông Phi Liệt, sông Hàn (năm 2008 - 2009) do các phương tiện vi phạm đến luồng và hành lang luồng đường thủy nội địa, hướng dẫn nhắc nhở hơn 3.600 lượt phương tiện đậu, đỗ đúng quy định để bốc xếp hàng hóa.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Thọ cũng nêu lên những tồn tại, bất cập trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa, đồng thời đưa các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, đó là tập trung vào công tác quản lý nhà nước về các hoạt động vận tải thủy nội địa, an toàn giao thông đường thủy nội địa, cảng và bến cảng nội địa, phương tiện thủy nội địa, thuyền viên và người lái phương tiện thủy nội địa, tăng cường công tác đăng kiểm phương tiện, thanh tra chuyên ngành, cải cách hành chính…

Trong năm 2016, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành; cụ thể, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; tăng cường quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện thủy nội địa tại các cảng, bến thủy nội địa và tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy; cải cách hành chính, thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác quản lý, bảo trì, khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu; thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp, tăng cường công tác hợp tác, hội nhập quốc tế; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức các phòng, ban tham mưu để tăng năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành.

Theo ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc quản lý phương tiện thủy nội địa tương tự như quản lý phương tiện cơ giới đường bộ; chủ phương tiện trong quá trình phương tiện hoạt động phải chịu sự kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của cơ quan Đăng kiểm Việt Nam và chịu trách nhiệm đảm bảo tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo các tiêu chuẩn quy định giữa hai kỳ kiểm tra.

“Cơ quan đăng kiểm thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia. Cơ quan đăng kiểm không được quyền tuần tra kiểm soát, xử lý hành vi phương tiện hết hạn đăng kiểm... Việc kiểm tra xử lý này do lực lượng tuần tra, kiểm soát thực hiện tại bến, cảng do cảng vụ và thanh tra các cấp thực hiện; trên hành trình do lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện. Nếu việc kiểm soát này tốt thì chắc chắn phương tiện thực hiện pháp luật về đăng kiểm sẽ tốt hơn rất nhiều” - ông Trần Kỳ Hình nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, trong 2 năm qua, số người chết do tai nạn giao thông đường thủy có chiều hướng gia tăng, trong năm 2014 tăng 14 người (31,1%),  năm 2015 tăng 12 người (20,3%); đặc biệt thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giữa phương tiện thủy với cầu vượt sông gây thiệt hại lớn về tài sản. Nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện thủy vi phạm các quy định về an toàn đường thủy nội địa, công tác quản lý không đảm bảo, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết.

Ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị việc cần thiết, cấp bách nhất hiện nay đó là cần tăng cường sự quan tâm về kinh phí và thể chế, pháp luật. Ông Hoàng Hồng Giang cảnh báo rằng, nếu đường thủy nội địa không được quan tâm đúng mức thì tai nạn giao thông sẽ khó được kiểm soát, bởi vì siết chặt tải trọng đường bộ, hàng sẽ xuống đường thủy, hàng sẽ xuống phương thức rẻ hơn, tàu sẽ to hơn, người dân, doanh nghiệp phải đóng tàu to hơn để đi cho hiệu quả hơn, khai thác lâu dài hơn.

Ông Hoàng Hồng Giang cũng thừa nhận, trong thời gian qua các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật đến hiện tại số lượng được giao xây dựng đã cơ bản hoàn thành đúng thời hạn nhưng chất lượng chưa phù hợp và đảm bảo yêu cầu theo đúngthực tiễn. Ông Hoàng Hồng Giang đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ các bến bãi không phép đang hoạt động, xử lý nghiêm, triệt để các bến bãi không phép, trái phép (hiện có 24% các bến bãi hàng hóa không phép); đề nghị các địa phương phải có văn bản cam kết bảo đảm an toàn giao thông tại các bến, nhất là tình trạng các bến không phép, nạn khai thác cát trái phép và bến bãi ven sông.

huyện Đà Bắc

Lực lượng cảnh sát tuần tra, kiểm soát trên sông Đà (địa phận huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình). Ảnh Xuân Nguyên

Để kiềm chế và ngăn chặn tai nạn giao thông đường thủy nội địa, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề ghị Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xác định rõ vai trò của đường thủy nội địa, để bố trí kinh phí cho đường thủy nội địa phù hợp, việc bố trí kinh phí cho đường thủy nội địa thời gian qua rất hạn hẹp, rất khó khăn cho hoạt động.

Đặc biệt, trong công tác tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa phải quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa của địa phương; chỉ đạo tổ chức thường xuyên các đợt kiểm tra liên ngành giải quyết những vấn đề gây mất an toàn giao thông đường thủy nội địa ở địa phương.

Nhấn mạnh đến những giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa thời gian tới, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hoàn thiện báo cáo đánh giá tổng thể những kết quả đạt được của đường thủy nội địa trong năm 2015, tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I/2016; trên cơ sở đó xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới phải tập trung triển khai, thực hiện.

Thứ trưởng yêu cầu tập trung rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, rà soát quy hoạch; huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa theo cơ chế xã hội hóa bằng nhiều thành phần kinh tế, trong đó Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải chủ động, phối hợp với Sở Giao thông vận tải các địa phương; phải tăng cường tính kết nối vận tải, giữa các khu kinh tế với các đầu mối giao thông; phân loại các phương tiện phù hợp kết cấu hạ tầng.

Về giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Thứ trưởng nhấn mạnh tháng 4/2016 là tháng cao điểm về tăng cường quản lý nhà nước, kiểm tra, kiểm soát, làm việc với các địa phương để tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đường thủy nội địa, yêu cầu các đơn vị tập trung kiểm soát về kinh doanh vận tải đường thủy, phương tiện đường thủy, hành lang an toàn đường thủy; kiểm soát về phối hợp để thực chức tăng tuần tra, kiểm soát và thanh tra, kiểm tra đối với lĩnh vực đường thủy nội địa.

Thứ trưởng giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện tháng cao điểm; đồng thời dự thảo kế hoạch về những nội dung cần làm việc đối với Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố, lựu chọn một số điểm nóng, có nhiều phương tiện, nhiều tồn tại trong lĩnh vực đường thủy nội địa để Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các cơ quan liên quan làm việc cụ thể với các địa phương.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam rà soát mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; rà soát hệ thống biển báo; có quy chế phối hợp giữa Đường thủy, Hàng hải với Biên phòng; đồng thời yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam rà soát các phương tiện, yêu cầu đăng kiểm các địa phương vào cục rà soát, loại bỏ những phương tiện không bảo đảm an toàn, không phù hợp vận tải đường thủy nội địa.

Xuân Nguyên

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)