Với hơn 80% tổng số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).
Tỷ lệ ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi)
Chiều nay (16/6), Quốc hội biểu quyết thông qua Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Với 397/403 ĐBQH biểu quyết tán thành (chiếm 80.86% tổng số ĐBQH), Quốc hội chính thức thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi).
Không quy định cứng tỷ lệ đầu tư cho đường sắt
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, công nghệ & môi trường Phan Xuân Dũng đề cập đến Điều 5 của Dự án Luật về chính sách phát triển đường sắt.
Theo đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị quy định cụ thể tỷ trọng đầu tư tối thiểu trong tổng vốn đầu tư cho ngành GTVT để phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt. Đề nghị ấn định tỉ lệ này tối thiểu là 35%.
Đánh giá đây là ý kiến rất tâm huyết nhằm tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho lĩnh vực GTVT đường sắt để giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT, tuy nhiên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho rằng nếu quy định cứng về tỷ trọng đầu tư cho lĩnh vực đường sắt trong tổng vốn đầu tư cho ngành GTVT sẽ khó khả thi trong thực tế. Vì việc phân bổ nguồn vốn cho các phương thức vận tải cần phải đảm bảo tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ và đảm bảo tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn, đồng thời quy định như vậy cũng không phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Về ý kiến đề nghị bỏ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp kinh doanh trong hoạt động đường sắt, vì như vậy có thể tạo sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết quan điểm của Uỷ ban TVQH, do đường sắt là một lĩnh vực rất đặc thù, đầu tư rất lớn, việc thu lại nguồn vốn rất chậm. Vì vậy, xin đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung về ưu đãi như Dự thảo Luật để tạo đột phá về các nguồn lực đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tập trung nguồn lực để phát triển đường sắt, trên thực tế rất nhiều nước có chính sách tương tự.
Nhằm bảo đảm tính cạnh tranh bình đẳng theo cơ chế thị trường, tránh độc quyền trong kinh doanh đường sắt, Uỷ ban TVQH cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước; tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Theo đó, kế hoạch đổi mới hoạt động kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt đã được xác định với một lộ trình khoa học, thận trọng nhưng quyết liệt. Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt không thuộc danh mục nhà nước đầu tư vốn; lộ trình thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này thực tế đã và đang triển khai thực hiện.
Chưa chuyển hoàn toàn cơ chế từ phí sang giá
Góp ý vào Dự án Luật đường sắt (sửa đổi), một số ĐBQH đề nghị cần phải hướng tới để đưa ngành Đường sắt theo cơ chế thị trường chính là chuyển cơ chế từ phí sang giá. Đồng tình với quan điểm này, nhưng Uỷ ban TVQH cho rằng việc chuyển từ cơ chế phí sang giá cần phải có thời gian. Hiện nay ở nước ta, kết cấu hạ tầng đường sắt còn rất lạc hậu, chi phí vận hành đường sắt rất cao là nguyên nhân chính làm suy giảm năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt so với các phương thức vận tải khác. Nhà nước đang áp dụng cơ chế phí từ doanh thu vận tải đường sắt khi sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Việc chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá để thu hút đầu tư kinh doanh thông qua các phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt. Bên cạnh đó, vẫn cần áp dụng cơ chế phí như hiện nay để duy trì ổn định hoạt động, tránh có những tác động tiêu cực không cần thiết cho ngành Đường sắt; đồng thời định hướng mở cho các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt theo cơ chế thị trường. Do vậy, Dự thảo Luật đã đưa ra 2 cơ chế phí và giá là phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt hiện nay và cả trong một số năm sắp tới. Khi điều kiện cho phép sẽ chuyển hoàn toàn sang giá.
Về ý kiến ĐBQH cho rằng, không nhất thiết phải thiết kế riêng một Chương về đường sắt tốc độ cao, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải thích thêm: Trong Dự thảo Luật từ Chương I đến Chương VI quy định áp dụng cho tất cả các loại hình đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Chương VIII về đường sắt tốc độ cao quy định những nội dung đặc thù riêng khác với loại hình đường sắt thông thường; vì đường sắt tốc độ cao là loại hình đường sắt tiên tiến, hiện đại, đòi hỏi yêu cầu đối với KCHTĐS phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt.
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường cho biết, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) sau khi tiếp thu chỉnh lý trình Quốc hội thông qua có 87 điều, 10 chương; giảm 8 điều, tăng 1 chương so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai.
Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.