Hội nghị Tổng kết 02 năm thí điểm ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động VTHK theo hợp đồng

Thứ ba, 19/12/2017 22:20
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Chiều 19/12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị Tổng kết 02 năm triển khai thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách(VTHK) theo hợp đồng (Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT).

Dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ. Cùng dự và điều hành Hội nghị có Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc. Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Công an, Tài chính, Tư pháp, Khoa học công nghệ, Kế hoạch đầu tư, Thông tin & Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đà Nẵng, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải…

Thứ trưởng Lê Đình Thọ và các đồng chí điều hành Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định sau 02 năm thí điểm, loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, đem lại những lợi ích trực tiếp và thiết thực cho người dân, được nhân dân ủng hộ. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, cũng có nhiều ý kiến, bất cập được bộc lộ như chưa phân biệt được vận tải xe hợp đồng với vận tải taxi, vấn đề quản lý nhà nước đối với vận tải xe hợp đồng, … Bộ GTVT đã nghiêm túc nhìn nhận, tiếp thu và đánh giá các vấn đề bất cập được nêu. Thứ trưởng đề nghị, tại Hội nghị này, các đại biểu tham dự có ý kiến đề xuất để từ thực tiễn hoạt động của loại hình vận tải xe hợp đồng nêu ra các định hướng trong thời gian tới, để Bộ GTVT tiếp thu, tổng hợp các giải pháp trình Chính phủ.

Báo cáo về kết quả 02 năm thực hiện Quyết định số 24/QĐ-BGTVT, ông Trần Bảo Ngọc – Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại có 04/05 địa phương chính thức tham gia thí điểm gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa và thành phố Hồ Chí Minh (Đà Nẵng chưa triển khai thí điểm); có 10 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng để thực hiện Hợp đồng vận tải điện tử. Ngoài ra, Bộ GTVT đã nhận được đề xuất của 07 Công ty có đề án gửi về Bộ GTVT chưa được chấp thuận do chưa có ý kiến của các địa phương.

Hiện có 866 đơn vị vận tải (doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm. Trong đó trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh là 506 đơn vị vận tải, 03 nhà cung cấp phần mềm, với 21.601 xe tham gia thí điểm; thành phố Hà Nội là  đơn vị vận tải, 07 nhà cung cấp phần mềm, với 354 đơn vị vận tải, với 15.046 xe tham gia thí điểm; tỉnh Quảng Ninh 04 đơn vị vận tải, 02 đơn vị cung cấp phần mềm, với 62 xe; tỉnh Khánh Hòa có 02 nhà cung cấp phần mềm (đồng thời là đơn vị vận tải), với 100 xe tham gia thí điểm.

Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị

Đánh giá về kết quả này, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, trong xu thế đẩy mạnh tiếp cận và làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng vào toàn bộ nền kinh tế thì việc ứng dụng thí điểm đối với xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng là một yếu tố tất yếu, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, việc thực hiện ứng dụng hợp đồng điện tử đảm bảo đúng tính chất về hợp đồng, cụ thể là giá thỏa thuận, khách hàng biết dịch vụ và chí phí chuyển đi trước khi thực hiện hợp đồng và quyết định việc ký hợp đồng sử dụng dịch vụ vận chuyển; quản lý tốt các điều kiện an toàn giao thông và nghĩa vụ thuế, bảo hiểm, các điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định và các hướng dẫn của Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua; khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý hoạt động vận tải taxi và tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử đối với kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng.

Cùng với việc chỉ ra các ưu điểm đối với kết quả đạt được đối với cơ quan quản lý nhà nước; đối với hành khách và người dân; các đơn vị tham gia thí điểm cũng như đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, ông Ngọc cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế của việc thực hiện thí điểm, cụ thể:  Việc chấp hành quy định và hướng dẫn của một số đơn vị thí điểm còn chưa nghiêm; bên cạnh những đơn vị vận tải, đơn vị cung cấp phần mềm để thực hiện thí điểm đã chấp hành tốt các quy định hiện hành và các quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT thì còn có hiện tượng một số hộ minh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành; các phương tiện tham gia thí điểm được xác định là xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử thay cho hợp đồng văn bản, do vậy không chịu sự ảnh hưởng của hệ thống biển báo hạn chế phạm vi hoạt động như xe taxi dẫn đến công tác tổ chức giao thông trong đô thị chưa đạt hiệu quả cao.

Đại diện Sở GTVT Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị

Công tác kiểm tra xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab… của Thanh tra Sở cũng gặp nhiều khó khăn; sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng sử dụng hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi kết hợp với công tác tổ chức phân luồng giao thông còn chưa hợp lý đối với hoạt động taxi đã phát sinh nhiều kiến nghị từ Hiệp hội taxi và phản ứng từ đơn vị kinh doanh vận tải taxi.

Trên cơ sở đề xuất của địa phương, quan điểm đối với các nhóm vấn đề kiến nghị của địa phương thí điểm, Bộ GTVT cũng đưa các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng trong quản lý hoạt động vận tải taxi và tham gia ứng dụng hợp đồng điện tử đối với kinh doanh vận tải khách bằng xe hợp đồng đồng thời cũng có chế tài quản lý chặt chẽ hơn loại hình vận tải này, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp vận tải.

Tại Hội nghị, đại diện Sở GTVT các tỉnh, Thành phố thí điểm Quyết định số 24/QĐ-BGTVT đã cùng chỉ ra ưu - nhược điểm của loại hình vận tải xe hợp đồng tại địa phương, qua đó cũng đề xuất các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa các loại hình vận tải xe hợp đồng. Đại diện các Hiệp hội taxi Việt Nam, các doanh nghiệp vận tải taxi tại Hà Nội, TP HCM và các tỉnh cũng kiến nghị các giải pháp nhằm mong muốn quản lý chặt chẽ hơn loại hình vận tải xe hợp đồng đang được thí điểm. Đại diện các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng cùng đông đảo các phóng viên thông tấn, báo chí đã phát biểu ý kiến, đóng góp thêm nhiều kiến nghị, đề xuất định hướng cho sự phát triển của vận tải xe hợp đồng trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định các cơ quan QLNN cần bắt nhịp nhanh nhạy, quản lý các loại hình vận tải mới một cách phù hợp. Bên cạnh sự chủ động của Bộ GTVT cũng cần có sự phối hợp cùng các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng giải quyết, hoàn thiện các chế tài để quản lý, tạo môi trường vận tải bình đẳng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh đồng thời tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động một cách thuận lợi nhất.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ phát biểu kết luận Hội nghị

Theo Thứ trưởng hoạt động vận tải xe hợp đồng là lĩnh vực hoạt động kinh doanh vận tải liên quan đến tính mạng con người, vì vậy cần tạo môi trường kinh doanh có điều kiện và tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đó để đảm bảo an toàn, tính mạng cho người sử dụng. Hiện nay, ranh giới giữa hai loại hình vận tải xe hợp đồng và vận tải taxi còn chưa rõ ràng, điều kiện đặt ra để quản lý còn chưa phù hợp, cần đưa ra các quy định rõ ràng hơn trong thời gian tới.

Thứ trưởng đề nghị các doanh nghiệp vận tải đã tham gia thí điểm cần đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm nhân rộng các mô hình này, phổ biến cho nhiều người dân được biết, khẳng định đây là hướng đi, là xu thế tất yếu của sự phát triển.

Sơ kết 02 năm thực hiện chương trình thí điểm, bên cạnh những lợi ích, hiệu quả đạt được, cũng còn không ít những bất cập về quản lý đối với các cơ quan QLNN, các bất cập thị trường đối với doanh nghiệp, vấn đề về tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị trên tinh thần cầu thị, kiến tạo môi trường vận tải lành mạnh, hành lang pháp lý đầy đủ…

Thứ trưởng đề nghị các địa phương đã thực hiện chương trình thí điểm cần có báo cáo tổng kết, trong đó có kiến nghị, đề xuất về số lượng xe vận tải hành khách theo hợp đồng gửi về Bộ GTVT trong tháng 12/2017. Thứ trưởng cũng yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục các bất cập trong quản lý, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tăng cường quản lý thanh tra, kiểm tra.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị cần tập trung sửa đổi Nghị định 86, làm rõ điều kiện kinh doanh giữa xe hợp đồng và xe taxi, đồng thời yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ làm rõ chủ thể kinh doanh, chủ thể cung cấp; các vấn đề trêb càng minh bạch, rõ ràng thì càng dễ dàng trong quản lý.

Thời gian tới, Thứ trưởng cũng đề nghị các Hiệp hội Taxi, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cần đổi mới mạnh mẽ, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động, có sự trao đổi, học hỏi lẫn nhau tạo hướng đi mới, phù hợp với xu thế phát triển của thời kỳ mới./.

KC
 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)