Cần đánh giá rõ những tác động, tiềm năng phát triển của cảng Trần Đề

Thứ sáu, 16/11/2018 15:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sáng 16/11, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã chủ trì cuộc họp nghe Báo cáo đầu kỳ điều chỉnh quy hoạch cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng).


Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chủ trì buổi làm việc

Báo cáo với Thứ trưởng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB) Lê Tấn Đạt cho biết, nghiên cứu đánh giá khả năng quy hoạch phát triển cảng biển Sóc Trăng là cảng đặc biệt (loại IA) đóng vai trò cảng biển cửa ngõ quốc tế với bến cảng chính là bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề, đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT, phục vụ làm hàng XNK trực tiếp cho vùng ĐBSCL và trung chuyển than cho trung tâm điện lực khu vực.

“Theo đề án được xây dựng, chỉ tiêu đến năm 2030, khu vực nghiên cứu bến cảng Trần Đề có diện tích dự kiến rộng khoảng 30.000ha từ cửa Trần Đề đến cửa Mỹ Thanh. Trong đó, đường bờ dài 20km, bến cảng Trần Đề được xây dựng nằm ngoài khơi cách bờ khoảng 15-20km tùy vị trí. Độ sâu khoảng -10m để đảm bảo ít bị tác động sa bồi và được kết nối với bờ bằng cầu vượt biển, bến cảng Trần Đề được quy hoạch 12 cầu cảng, công suất 70 - 75 triệu tấn, khu hậu phương cảng ngoài khơi rộng 140ha, khu dịch vụ, hậu cần cảng, logistics, cảng thủy nội địa rộng 4.000ha. Đến năm 2025, quy hoạch cảng Trần Đề sẽ đạt tới công suất 130 - 150 triệu tấn với 25-26 cầu cảng, khu hậu phương cảng ngoài khơi nâng lên tới 1.000ha”, ông Đạt nói và cho biết thêm, qua quá trình phối hợp với cơ quan chức năng khảo sát thực địa, đơn vị tư vấn cũng đề xuất 2 phương án quy hoạch cảng Trần Đề. Phương án 1, bao gồm: xây dựng đê chắn sóng dài 11,6km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 9km (10 bến than, 16 bến tổng hợp, con tai ner). Phương án 2, các hạng mục xây dựng bao gồm: đê chắn sóng, cát dài 13,7km, cầu dẫn vượt biển dài 16km, cầu cảng dài 10,6km. Cả 2 phương án đều dự kiến tổng công suất bến cảng Trần Đề sẽ đạt khoảng 150 triệu tấn, cỡ tàu lớn nhất có thể đón được là 200.000 DWT. Tổng vốn đầu tư sơ bộ cho tất cả các hạng mục khoảng hơn 4,1 tỷ USD được phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn.

Trước nguồn vốn đầu tư lớn, đại diện Cục hàng hải VN, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để hỗ trợ nhà đầu tư một phần cho các hạng mục cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến cảng (cầu vượt biển) và cơ sở hạ tầng hàng hải công cộng (luồng tàu, đê kè chắn sóng,..) theo hình thức đối tác – công tư (PPP). Việc đầu tư bến cảng theo quy hoạch sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Phó Chủ tịch Lê Thành Trí cám ơn sự quan tâm của Bộ GTVT
trong việc phát triển cảng biển Trần Đề

Phó Chủ tịch UBND Lê Thành Trí rất cám ơn sự quan tâm của Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đối với nguyện vọng của nhân dân tỉnh Sóc Trăng, mong rằng Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sớm hoàn thiện báo cáo đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ. “Việc phát triển cảng Trần đề là mong muốn không chỉ của nhân dân tỉnh Sóc Trắng mà còn là của bà con các tỉnh ĐBSCL. Lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sóc Trăng sẽ tạo mọi điều kiện cũng như sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong việc nghiên cứu phát triển cảng biển Trần Đề”, Phó Chủ tịch Lê Thành Trí khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết, Bộ GTVT rất trân trọng nguyện vọng của tỉnh Sóc Trăng và nhân dân ĐBSCL mong muốn có một cảng nước sâu để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

“Tuy nhiên, để nguyện vọng đó có tính khả thi đòi hỏi điều chỉnh quy hoạch phải khách quan, khả thi. Các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vùng, ngành cần phải được cập nhật lại để đánh giá xu hướng, nhu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian tới, từ đó xác định lượng hàng hóa dự báo thông qua khu vực này”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói và yêu cầu Cục Hàng hải VN chỉ đạo tư vấn tiếp thu tất cả ý kiến để hoàn thiện báo cáo đầu kỳ, chuyển sang báo cáo giữa kỳ.

Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan liên quan liên hệ với Bộ Công thương đánh giá lại khả năng, chủ trương sắp tới là chúng ta có thể xây dựng cảng trung chuyển tập trung hay có thể chia nhỏ ra để tạo điều kiện cho các DN.

“Trên cơ sở xác định rõ mô hình, ta mới đánh giá loại hàng ở ĐBSCL là gì? Nguồn hàng ở ĐBSCL khi có cảng Trần Đề sẽ phân bổ như thế nào?. Như vậy mới dự kiến được lượng hàng hóa qua Trần Đề khoảng bao nhiêu? Việc xây dựng như nào? Phân kỳ đầu tư ra sao? Làm được như vậy, cảng Trần Đề sẽ phát huy được kỳ vọng của địa phương, sự đầu tư sẽ không bị lãng phí”, Thứ trưởng nói.

H.N

 

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)