Vận tải hàng không luôn là lĩnh vực đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN cũng như tiểu vùng. Tăng cường hợp tác hàng không để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng là một trong những chủ đề chính của cuộc họp quan chức cao cấp GTVT ASEAN lần thứ 27 tại Đà Nẵng (từ 25/5 đến 29/5).
Vận tải hàng không luôn là lĩnh vực đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế, trong khuôn khổ ASEAN cũng như tiểu vùng. Tăng cường hợp tác hàng không để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng là một trong những chủ đề chính của cuộc họp quan chức cao cấp GTVT ASEAN lần thứ 27 tại Đà Nẵng (từ 25/5 đến 29/5).
2015 sẽ mở cửa hoàn toàn bầu trời ASEAN
ASEAN đang hướng tới thị trường hàng không thống nhất vào năm 2015 và tiếp tục thực hiện các hoạt động hàng không và dịch vụ vận chuyển hàng không nhằm tăng cường hơn nữa an toàn, an ninh và hiệu quả của bầu trời ASEAN.
Để từng bước thực hiện mục tiêu nói trên, tại Hội nghị ATM 12, Nghị định thư sửa đổi Bản ghi nhớ ASEAN năm 2002 về Dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không đã được ký. Nghị định thư này là bước thực hiện cơ bản ban đầu tiến tới tự do hóa hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không. Theo đó, các hãng hàng không được chỉ định của mỗi bên ký kết được phép thực hiện các chuyến bay vận chuyển hàng hóa lên đến 250 tấn mỗi tuần mỗi chiều, không bị giới hạn về tần suất và loại tàu bay từ lãnh thổ của bên ký kết tới lãnh thổ của các bên ký kết khác và ngược lại. Tuy vậy, một số nước như Campuchia, Lào, Myamar và Việt Nam (CLMV) có thể sẽ không có lợi, do năng lực các hãng hàng không vận tải hàng hóa còn hạn chế.
Để đảm bảo kịp thời hạn đề ra trong Lộ trình Hội nhập vận tải Hàng không ASEAN (RIATS), Hiệp định đa biên ASEAN về vận tải Hàng không và Hiệp định đa biên ASEAN về Tự do hoá hoàn toàn dịch vụ vận tải hàng hóa hàng không được các nước (trừ Thái Lan) hoàn tất các thủ tục nội bộ và đã ký tại Hội nghị ATM 14 (Manila, Philippines, 11/2008). Sau khi Thái Lan hoàn thành thủ tục nội bộ để ký thì hai Hiệp định này có thể được coi là các nội dung quan trọng nhất về vận tải hàng không trong ASEAN. Hai Hiệp định này sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện “Thị trường hàng không ASEAN thống nhất” vào năm 2015, đó cũng là nền tảng để ASEAN thông qua các sáng kiến tăng cường các thỏa thuận bầu trời mở, tiếp cận hàng không với các nước đối thoại như Trung Quốc, ấn Độ và EU…
Chính sách “Bầu trời mở” với nội dung chính là nhằm thúc đẩy mở cửa thị trường, tạo môi trường tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp vận chuyển hàng không, giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của nhà nước vào hoạt động kinh doanh theo hướng cạnh tranh tự do. Việc ASEAN thực hiện chính sách tự do hóa vận chuyển hàng không góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương, hợp tác đầu tư, dịch chuyển lao động và du lịch trong ASEAN, tăng cường liên kết hội nhập khu vực và liên kết ASEAN với bên ngoài.
Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò tích cực trong thực hiện chính sách “Bầu trời mở”, trước hết là trong tiểu vùng CLMV và sau nữa là trong khu vực ASEAN. Tuy vậy, khoảng cách về phát triển kinh tế nói chung và sự chênh lệch về trình độ phát triển hàng không nói riêng của các quốc gia thành viên ASEAN là khó khăn lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt khi xây dựng thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Đây cũng là trở ngại của ASEAN trong việc thực hiện chương trình hành động GTVT ASEAN 2005-2010.
Các quốc gia có trình độ phát triển hàng không còn thấp như CLMV chắc chắn gặp khó khăn trong quá trình hội nhập và thực hiện tự do hoá vận tải hàng không. Thu hẹp khoảng cách phát triển đồng thời đảm bảo sự tham gia bền vững của các hàng hàng không của các nước như CLMV là một công việc rất khó khăn mà các nhà làm công tác hoạch định chính sách vận tải hàng không cần giải quyết. Trong khuôn khổ hợp tác hàng không tiểu vùng CLMV, Việt Nam đã chủ động đề xuất và Hiệp định CLMV về vận tải hàng không đã được ký vào năm 2004, tạo thuận lợi vận tải hàng không trong khuôn khổ tiểu vùng CLMV, là tiền đề cho phát triển chính sách tự do hóa bầu trời trong ASEAN.
Việc đàm phán tự do hóa dịch vụ vận tải hàng không được tiến hành trong khuôn khổ Nhóm công tác vận tải Hàng không (ATWG). Tại Hội nghị ATM 12 (Băng Cốc, Thái Lan, 2/2007), các Bộ trưởng đã ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ năm Dịch vụ vận tải hàng không trong Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS), với các cam kết trong các lĩnh vực bao gồm: dịch vụ thuê, cho thuê tàu bay có kèm tổ lái và không kèm tổ lái. Gần đây, ASEAN đã mở rộng tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng tàu bay; bán và tiếp thị vận tải hàng không và dịch vụ đặt giữ chỗ qua máy tính. Trong các vòng đàm phán tới, các nước ASEAN có thể sẽ đưa thêm một số lĩnh vực mới, bao gồm dịch vụ giao nhận hàng hoá bằng đường hàng không, nhằm mở rộng tự do hoá dịch vụ vận tải hàng không ASEAN. Việt Nam đã tích cực tham gia và chủ động đưa ra các bản chào trong đàm phán, với nội dung đảm bảo tính cân đối giữa việc thể hiện sự tích cực trong đàm phán với việc đảm bảo lợi ích của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong nước.
Dịch vụ Hỗ trợ vận tải hàng không, một trong các yếu tố của AFAS với yêu cầu phải được tự do hóa vào năm 2010, hiện đang được đàm phán trong khuôn khổ “Đàm phán lĩnh vực vận tải hàng không ASEAN (ATSN)”. Các nước đã thống nhất rằng khi thực hiện Lộ trình Tự do hoá dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không này, hai hay nhiều nước thành viên ASEAN đã sẵn sàng có thể đàm phán, hoàn thiện và ký thỏa thuận thực hiện theo công thức “ASEAN - X” trên cơ sở song phương, đa phương hay tiểu vùng. Các nước thành viên ASEAN khác có thể tham gia thực hiện khi đã sẵn sàng.
Vụ Quan hệ quốc tế