Kết nối GTVT trong ASEAN:Cần thêm sức mạnh cho vận tải biển
Thứ năm, 28/05/2009 08:16
ASEAN đang tập trung xây dựng Lộ trình tiến tới Vận tải biển cạnh tranh và thống nhất giữa các nước để thúc đẩy và tăng cường dịch vụ vận tải hàng hải nội khối, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chương trình hội nhập giao thông vận tải ASEAN.
ASEAN đang tập trung xây dựng Lộ trình tiến tới Vận tải biển cạnh tranh và thống nhất giữa các nước để thúc đẩy và tăng cường dịch vụ vận tải hàng hải nội khối, đồng thời đẩy mạnh hơn nữa chương trình hội nhập giao thông vận tải ASEAN.
Lộ trình này đã được các Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị ATM 13 (tháng 11/2007, tại Singapore). Lộ trình đưa ra khuôn khổ phát triển một khu vực cảng và vận tải biển ASEAN hội nhập có sức cạnh tranh tốt trên toàn cầu bằng việc phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường pháp lý, hài hòa hóa tiêu chuẩn, xây dựng năng lực của các tổ chức và nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tự do hóa dịch vụ vận tải biển luôn được coi là một yếu tố quan trọng góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Tuy nhiên, việc thực hiện lộ trình đòi hỏi phải có sự bố trí nguồn lực về kinh phí và nhân lực cũng như thời gian. Do điều kiện của mỗi nước ASEAN là khác nhau nên việc thực hiện lộ trình sẽ cần áp dụng theo công thức ASEAN-X. Theo đó, hai hay một số nước ASEAN đủ điều kiện có thể thực hiện trước, các nước còn lại sẽ tham gia thực hiện khi có đủ điều kiện. Trong phạm vi nhóm công tác vận tải biển, các nước hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước đối thoại trong việc thực hiện một số biện pháp trong lộ trình. Trong đó, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đối tác rất tích cực.
Hiện nay, ASEAN đang đàm phán vòng thứ 5 về dịch vụ vận tải biển trong khuôn khổ Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ (AFAS). Các cam kết trong phân ngành này đến nay gồm có dịch vụ vận tải biển quốc tế (hàng hóa và hành khách, không bao gồm vận tải nội địa), dịch vụ bốc xếp hàng hóa tại cảng biển, dịch vụ đại lý vận tải biển...
Tuy vậy, trong thực tế, việc đàm phán dịch vụ vận tải biển tiến triển không được tốt như mong muốn ban đầu, nhiều nước không đưa ra được bản chào tích cực, thậm chí còn rút lại bản chào ban đầu với lý do các cơ quan trong nước chưa thống nhất. Trong khi các cuộc họp về đàm phán dịch vụ (CCS) trong khuôn khổ AFAS được tổ chức quá nhiều, khoảng 4-6 cuộc họp/năm gây lãng phí về tài chính và thời gian.
Một số nước trong đó có Việt Nam đã đề xuất chuyển việc đàm phán dịch vụ vận tải biển trong Nhóm công tác chuyên ngành về vận tải biển ASEAN (thuộc CCS) về Nhóm công tác vận tải biển ASEAN (MTWG) (giống như việc đàm phán dịch vụ vận tải hàng không hiện nay được đưa về Nhóm công tác vận tải hàng không - ATWG) để tiết kiệm thời gian, tài chính và đạt hiệu quả cao hơn, nhưng đề xuất này chưa được thông qua.
Năm 2008, nhóm công tác chuyên ngành về logistics, giao thông vận tải (Logistics and Transport Sectoral Working Group) đã được lập ra trong CCS nhằm đẩy mạnh việc tự do hóa, mở cửa dịch vụ logistics và các phân ngành khác ngoài dịch vụ vận tải biển. Tuy vậy, việc mở rộng thêm các nhóm công tác trong CCS sẽ cần bố trí thêm nhân lực tham gia đàm phán, cần tăng cường vai trò của cơ quan điều phối.
Mới đây nhất vào tháng 4/2009, Hội nghị đặc biệt của ủy ban điều phối dịch vụ ASEAN đã quyết định nhập hai nhóm công tác chuyên ngành về vận tải biển (Maritime Transport Sectoral Working Group) và Nhóm công tác chuyên ngành về logistics và giao thông vận tải thành nhóm công tác mới có tên là Nhóm công tác chuyên ngành về logistics và Dịch vụ GTVT (Logistics and Transport Services Sectoral Working Group - LTSSWG).
Tuy nhiên, những yêu cầu cấp thiết trước mắt vẫn là nâng cao tính hiệu quả của công tác đàm phán để đạt được cam kết theo lộ trình. Vận tải biển ASEAN vẫn cần được tiếp thêm sức mạnh để khai thông những trù trừ lâu nay của các nước thành viên.
Thiên Thu - Nam Anh
GTVT