10 nước thành viên ASEAN đã thống nhất xác lập các tuyến đường xương sống để thông qua đó thúc đẩy vận tải hàng hóa trong khu vực phát triển. Song song với việc mở mới tuyến đường sắt, nâng cấp chất lượng đường bộ, các rào cản về thủ tục xuất nhập cảnh hàng hóa, hải quan cũng đang từng bước được giảm bớt hoặc đơn giản hóa.
10 nước thành viên ASEAN đã thống nhất xác lập các tuyến đường xương sống để thông qua đó thúc đẩy vận tải hàng hóa trong khu vực phát triển. Song song với việc mở mới tuyến đường sắt, nâng cấp chất lượng đường bộ, các rào cản về thủ tục xuất nhập cảnh hàng hóa, hải quan cũng đang từng bước được giảm bớt hoặc đơn giản hóa.
Tạo lập các đường xương sống
Hai dự án lớn phục vụ mục tiêu này là Dự án Đường sắt Singapore - Côn Minh (SKRL) và Dự án Mạng đường bộ ASEAN (AHN). Đối với việc kết nối đường sắt, phần việc quan trọng là xây mới các đoạn chưa có trên tuyến đường sắt SKRL (dự kiến chạy từ Singapore, qua Malaysia, Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và kết thúc tại Côn Minh,Trung Quốc). Khó khăn hiện nay của dự án là tìm nguồn vốn đầu tư. Malaysia, nước điều phối về dự án đang thực hiện các biện pháp thu hút đầu tư vào SKRL thông qua các hội nghị và triển lãm về tuyến đường.
Về vận tải đường bộ, dự án Mạng đường bộ ASEAN (AHN) hướng tới mục tiêu xây dựng/nâng cấp các đoạn dưới cấp III thuộc các tuyến vận tải quá cảnh. Các nước trong khối đã ký văn bản Thỏa thuận cấp Bộ trưởng GTVT về phát triển mạng đường bộ ASEAN tại Hội nghị ATM 5 (tháng 9/ 1999 - Hà Nội).
Đây là bản thỏa thuận có tính chất ghi nhớ, không có tính chất ràng buộc pháp lý chặt chẽ như một Hiệp định, có hiệu lực từ ngày ký và không cần có sự phê chuẩn hoặc phê duyệt của các nước thành viên. Theo đó, các nước thành viên ASEAN thỏa thuận hình dạng của mạng đường bộ ASEAN gồm các tuyến đường bộ được từng nước thành viên chỉ định tham gia. Trên cơ sở đó, phối hợp việc khôi phục và nâng cấp các tuyến đường bộ quốc gia của mình trong mạng đường bộ ASEAN theo đúng các tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế kỹ thuật tối thiểu đã được khuyến nghị.
Với tinh thần đó, mạng lưới giao thông xuyên ASEAN sẽ được hình thành gồm các trục đường chính hoặc các hành lang chủ yếu để lưu chuyển hàng hoá và hành khách nội khối. Các tuyến đường sẽ có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật. Về nguyên tắc, các tuyến đường tham gia mạng đường bộ ASEAN của mỗi nước phải đi qua các thành phố lớn hoặc khu vực có tiềm năng kinh tế đồng thời có thể nối liền với các cảng biển; phải có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đối cao để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng quá cảnh và liên quốc gia; phải có khả năng liên kết và đi qua nhiều nước.
Gỡ bỏ các rào cản
Đến nay, hai Hiệp định đã được ký kết trong ASEAN để tháo gỡ các rào cản, thúc đẩy giao lưu hàng hóa nội khối bao gồm: Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho Hàng hoá Quá cảnh và Hiệp định khung ASEAN về Vận tải Đa phương thức.
Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi Vận tải liên quốc gia hiện đã được các nước thành viên (trừ Myanmar chưa hoàn tất thủ tục nội bộ) ký tại Hội nghị ATM 14 (tháng 11/2008 tại Philippines). Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hoá quá cảnh đã có hiệu lực vào tháng 10/2000 những hiện vẫn chưa thực hiện được.
Do 6 trong số 9 Nghị định thư thực hiện đã được ký, nhưng Nghị định thư số 2 (Chỉ định Trạm cửa khẩu biên giới), Nghị định thư số 6 (Cửa khẩu đường sắt và trạm trung chuyển đường sắt) và Nghị định thư số 7 (Hệ thống Hải quan quá cảnh) vẫn chưa được ký. Nghị định thư 6 đã được các nước thành viên thống nhất tạm hoãn cho đến khi tất cả các đoạn chưa có đường/đường nhánh của Tuyến đường sắt Singapore – Côn Minh được hoàn thành. Đối với Nghị định thư số 2 và 7, STOM đã nhiều lần thúc giục cơ quan ASEAN liên quan là Hội nghị các quan chức Hải quan ASEAN sớm hoàn thành 2 Nghị định thư này để Hiệp định có thể thực hiện được, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.
Về phối hợp trong vận tải đa phương thức, Hiệp định khung ASEAN đã được ký năm 2005 tại Hội nghị ATM 11. Hiệp định sẽ tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá từ “cửa tới cửa” trong ASEAN khi sử dụng các phương thức vận tải khác nhau dưới cùng một chứng từ vận tải duy nhất.
Hiệp định cũng tạo khung chính sách chung cho việc chuyên môn hoá và phù hợp hơn nữa của những nhà giao nhận và người kinh doanh vận tải đa phương thức trong khu vực, tạo điều kiện giảm chi phí. Hiện nay, các hoạt động nhằm thực hiện Hiệp định đang tiếp tục được triển khai.
Mạng đường bộ ASEAN dự kiến được nâng cấp, hoàn thiện vào năm 2020 với chiều dài hơn 38.400 km, bao gồm 23 tuyến đường khác nhau của 10 nước thành viên. Các nước thành viên ASEAN sẽ chỉ định một số tuyến đường là tuyến vận tải quá cảnh.
Thiên Thu - Nam Anh