Rất nhiều thành phố trên thế giới đang biến cáp treo thành câu trả lời cho tình trạng tắc nghẽn giao thông.
Cáp treo kết nối TP Santo Domingo với Medellin tại Colombia
Một tập đoàn của Pháp vừa đề xuất làm cáp treo vượt sông Hồng để vận tải khách cố định. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã xây dựng hệ thống cáp treo đô thị để vận tải khách khá hiệu quả...
Cách mạng giao thông tại các nước đang phát triển
Rất nhiều thành phố ở khu vực châu Phi đến châu Mỹ La-tinh đang biến cáp treo thành câu trả lời cho tình trạng tắc nghẽn giao thông. Lợi ích từ phương thức giao thông đô thị này không chỉ lấy được cảm tình từ người dân địa phương mà còn thu hút sự quan tâm và yêu thích từ khách du lịch.
Báo Guardian (Anh) từng nhận định, cáp treo là cuộc cách mạng giao thông đang nở rộ xuyên suốt những nước đang phát triển. Những người từng tới thăm TP Ankara, La Paz hay Lagos, Mexico City trong vài năm qua đều đã biết về loại hình vận tải này.
Những khoang cáp treo đã được hồi sinh từ phục vụ du lịch ở những nơi có địa hình núi non hiểm trở thành vận tải khách đô thị. Chiến lược gia Steven Dale đang thực hiện dự án cáp treo Gondola cho biết: “10 năm trước, mọi người nghĩ ý tưởng cáp treo rất ngớ ngẩn. Nhưng hiện tại, hầu hết các thành phố đang phát triển đều muốn có và vận hành một hệ thống như vậy”.
Sự ra đời của hệ thống cáp treo đô thị khá đặc biệt. Đó là khi thị trấn Medellin có địa hình hiểm trở, thung lũng dựng đứng, biệt lập với bên ngoài được ông trùm ma túy Colombia Pablo Escobar chọn làm thủ phủ.
Ông ta đã vung tiền xây dựng cơ sở hạ tầng chắc chắn và những pháo đài kiên cố để phục vụ việc vận chuyển và buôn bán ma túy. Khi Escobar bị triệt hạ, giới chức hoạch định tại cơ quan giao thông TP Santo Domingo muốn phá thế ốc đảo, biệt lập của thị trấn này và thế là hệ thống cáp treo được xây dựng, là câu trả lời phù hợp để giải quyết vấn đề.
Cuối cùng, năm 2004, Medellin đã được kết nối với TP Santo Domingo bằng hệ thống cáp treo tạo thuận tiện cho người dân địa phương qua lại. Sau 10 năm, hệ thống cáp treo này bên cạnh vai trò phục vụ đi lại của người dân còn trở thành điểm thu hút khách du lịch số một của thành phố.
Ngay sau thành công của Colombia, nhiều thành phố khác như La Paz của Bolivia học tập và trở thành thành phố lớn đầu tiên trên thế giới dùng cáp treo làm hệ thống vận tải cố định.
Dùng cáp treo trong đô thị để giảm tắc đường
Trong bối cảnh tắc đường đang trở thành “căn bệnh kinh niên” lan khắp thế giới, cáp treo đô thị cũng được các chuyên gia giao thông trên thế giới coi là giải pháp hữu hiệu.
Nhà thiết kế đến từ Công ty Frog Design - Michael McDaniel từng đưa ra ý tưởng cáp treo vận tải đại chúng mang tên “The Wire” nhận định phương thức cáp sẽ rẻ hơn tàu điện ngầm và có thể sử dụng trong khu vực thành phố chật chội đông đúc. Ông ước tính, cáp treo sẽ dễ dàng lắp đặt và tăng khả năng vận tải lên tới 10 nghìn người/giờ, tương đương 100 chuyến xe buýt và 2.000 xe ô tô cá nhân.
Hệ thống cáp treo tại La Paz vừa nhắc tới ở trên là bằng chứng rõ ràng nhất cho nhận định trên. Cáp được xây dựng ở độ cao 300m so với La Paz - thủ đô hành chính cao nhất thế giới, từ đây kết nối các thành phố lân cận và đã được sách Kỷ lục Guinness Thế giới ghi nhận là hệ thống cáp treo đô thị cao nhất và dài nhất thế giới.
Hàng chục năm trước khi phương thức này ra đời, từ La Paz đến El Alto, thành phố lớn thứ hai Bolivia chỉ có 2 đường cao tốc và thường xuyên chịu cảnh tắc nghẽn, ô nhiễm và ồn ào.
Hiện nay, sau khi cáp treo đi vào hoạt động từ tháng 5/2014, 3 tuyến cáp được đặt tên theo màu cờ Bolivia là đỏ, vàng, xanh đã giúp vận tải một lượng lớn hành khách, rút ngắn thời gian hành trình xuống một nửa hoặc 1/3 thời gian.
Cô Mariela Choque, 20 tuổi là một trong hàng chục nghìn người thường xuyên đi từ El Alto đến La Paz mỗi ngày để làm việc tại một quán cafe. Để đến nơi làm việc lúc 7h sáng, cô thường phải dậy sớm trước bình minh, đi qua những con đường núi ngoằn nghèo mất khoảng hơn 1 giờ bằng xe buýt chật chội.
“Ngày nào tôi cũng như nhiều người khác đều vật vã chen lấn lên xe buýt để đi làm”, cô Choque kể. Nhưng nay, cô có thể lên cáp treo, đi vèo tới La Paz trong nửa tiếng, giảm một nửa thời gian so với trước kia.
“Đây là lựa chọn tốt nhất đối với những người sống tại El Alto như chúng tôi. Tôi có thể ngủ thêm một chút, có thêm thời gian để sửa soạn và không vội vàng lao ra cửa đến mức quên cả đồng phục như trước”, cô gái trẻ chia sẻ.
Một số nước phát triển như Anh, Mỹ... cũng đều có hệ thống cáp treo đô thị. Trong đó, hệ thống đầu tiên tại Anh mang tên Emirates Air Line vượt dòng sông Thames nổi tiếng đã đi vào hoạt động từ năm 2012. Phương thức mới cho phép người dân địa phương và khách du lịch từ người đi bộ, người ngồi xe lăn đến người đi xe đạp vượt sông bằng hệ thống cáp treo dài 1,1km trong vòng 10 phút.