Giới chức TP New York (Hoa Kỳ) vừa công bố kế hoạch sẽ hạn chế số lượng phương tiện tham gia dịch vụ gọi xe (taxi công nghệ) nhằm giảm tắc đường.
New York muốn hạn chế số lượng tối đa xe công nghệ
Đây cũng có thể là bước đi đầu tiên trong lộ trình quản lý các loại hình xe tham gia giao thông bằng công nghệ ứng dụng di động đang bùng nổ thời gian gần đây.
Không cấp phép mới, hạn chế số lượng xe
Có thể nói New York là thành phố tích cực nhất nước Mỹ trong vấn đề quản lý dịch vụ gọi xe qua điện thoại bởi nơi đây đang chứng kiến những hệ quả tiêu cực khi buông lỏng dịch vụ mới này.
Trước hết phải kể tới các vụ tự sát của tài xế New York xảy ra liên tiếp trong thời gian qua vì nợ nần khi đầu tư hàng trăm nghìn USD vào mua xe để chạy dịch vụ taxi công nghệ mà không kiếm được lợi nhuận.
Ngoài ra, trước đây, nhiều quan chức Mỹ nói chung và tại New York nói riêng từng hy vọng xe công nghệ sẽ góp phần giảm thiểu tắc đường. Thực tế, lượng xe cá nhân chẳng hề giảm, số phương tiện tham gia loại hình taxi công nghệ tại New York bùng nổ từ 47 nghìn trong năm 2013 lên 103 nghìn phương tiện đến thời điểm này (gần gấp 2 lần).
Chính vì những vấn đề trên, New York phải gấp rút tìm một giải pháp để quản lý hiệu quả xe công nghệ. Mới đây nhất, các thành viên Hội đồng thành phố do người phát ngôn của Hội đồng - ông Corey Johnson dẫn đầu đã công bố một dự luật mới. Trong đó, các nhà làm luật bang đề xuất tạm dừng cấp phép mới đối với tất cả các phương tiện cho thuê trong vòng một năm, loại trừ những xe thân thiện với người khuyết tật để có thời gian nghiên cứu, đánh giá đầy đủ lợi ích và hậu quả của việc cho dịch vụ gọi xe qua ứng dụng điện thoại thoải mái phát triển như hiện nay.
Đồng thời, dự luật cũng sẽ áp mức trần số phương tiện tham gia dịch vụ để giải quyết vấn đề tắc nghẽn giao thông. Nếu được thực hiện, dự luật sẽ là nỗ lực mạnh mẽ đầu tiên của một thành phố lớn tại Mỹ nhằm quản lý xe công nghệ.
“Đây là kế hoạch chúng tôi đang theo đuổi. Tôi tin rằng, đó sẽ là con đường tốt nhất cho tương lai. Mục đích của chúng tôi luôn là bảo vệ tài xế, mang lại công bằng cho ngành taxi và giảm tắc nghẽn”, ông Johnson nói.
"Tất cả đều được thể hiện và phác thảo qua dự luật này”, người phát ngôn cho biết thêm. Dự kiến, đề xuất quản lý sẽ được bỏ phiếu để thông qua vào đầu tháng 8 này.
Uber nói gì?
Về phía các hãng gọi xe qua phần mềm, Uber và Lyft đều thể hiện không hài lòng với đề xuất của thành phố. Người đại diện Uber Danielle Filson cho biết: “Đề xuất hạn chế số xe Uber mà Hội đồng thành phố đưa ra sẽ khiến người dân New York rơi vào bế tắc. Mặt khác, đây không phải là cách giúp cải thiện tình trạng tắc đường hay giúp đỡ những tài xế taxi đang gặp khó khăn”.
“Mức trần số lượng phương tiện taxi công nghệ mà hội đồng đưa ra sẽ làm tổn thương người tham gia giao thông ngoại ô Manhattan - những cư dân vốn phụ thuộc vào Uber vì thiếu taxi và không được tiếp cận dịch vụ giao thông cho nhu cầu đi lại”.
Người đại diện Lyft cho biết: “Đề xuất của thành phố đẩy New York lùi lại thời kỳ người dân đứng góc đường vẫy taxi và hy vọng sẽ có xe taxi đón. Thời gian chờ đợi sẽ tăng đáng kể trong khi thu nhập và cơ hội việc làm của tài xế lại giảm. Tồi tệ hơn, đề xuất này cho thấy, chính quyền ưu tiên tài xế taxi hơn phần đông người dân New York”.
Không chỉ Uber/Lyft, nhiều thành viên trong chính Hội đồng thành phố như ông Donovan Richards, Jr. đại diện quận Queens không tin rằng có nhiều người ủng hộ đề xuất trên của thành phố.
Ông Ben Kallos, đại diện khu Upper East Side (phía đông Thượng Manhattan) cho rằng, thành phố nên hoàn tất nghiên cứu tác động của xe công nghệ trước khi áp dụng mức trần số lượng xe tối đa.