Theo thời gian, hạ tầng đường sắt Mỹ gần đây ít được quan tâm, thiếu vốn, thiếu bảo trì và ngày càng rệu rã.
Mỹ đang tụt hậu sau nhiều nước trong cuộc đua về đường sắt tốc độ cao
Trong một buổi lễ động thổ xây dựng tuyến đường sắt mới Orlando - Miami, đi qua khu vực gần sân bay quốc tế Orlando, ông Patrick Goddard, Chủ tịch Virgin Trains USA tuyên bố: “Dự án này sẽ đánh dấu quá trình lột xác mạnh mẽ của ngành vận tải đường sắt Mỹ”. Nhận định của vị chủ tịch này không hề ngoa bởi dự án có sự tham gia của 67 nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính thông qua trái phiếu trị giá 1,75 tỉ USD.
Hạ tầng tuột dốc vì thiếu vốn
Nhiều thập kỷ qua, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng cải tiến, kết nối các thành phố với các tuyến đường sắt tốc độ cao 200 dặm/h (tương đương 321km/h) hoặc nhanh hơn.
Từ năm 1964, hệ thống tàu tốc độ cao đầu tiên của thế giới được biết đến với cái tên yume no chotokkyu đã cắt giảm thời gian hành trình từ Thủ đô Tokyo đến TP Osaka xuống một nửa và đưa Nhật Bản, lúc đó vẫn đang vực dậy từ Thế chiến thứ II, trở thành nước đi đầu trong công nghệ toàn cầu.
Kể từ đó, khoảng 20 quốc gia đã tham gia vào lĩnh vực đường sắt tốc độ cao như Nga và Uzberkistan. Tác động của những hệ thống này vào khu vực là rất đáng kể: Những thành phố có tàu cao tốc chạy qua đón lượng khách nhiều hơn. Bên cạnh đó, các thành phố cấp 2 được đưa vào quỹ đạo thương mại và văn hóa của những trung tâm chính.
“Tại châu Âu, lục địa này cũng đã lột xác qua các dự án xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc mới”, bà Deike Peters, Trợ lý giáo sư về hoạch định môi trường tại Đại học Soka của California cho biết. “Các nhà ga mới hoặc nâng cấp nếu được thực hiện tốt có thể tạo ra hiệu ứng phục hưng đô thị”, bà nhận định.
Với Mỹ, thực chất họ không phải yếu kém về đường sắt, một thế kỷ trước khi người Nhật biết đến tàu cao tốc, người Mỹ đã dẫn đầu thế giới về hạ tầng đường sắt.
Những năm 60 của thế kỷ 19, Washington đã hoàn thành dự án đường sắt xuyên lục địa, tạo đà cho sự phát triển vượt bậc của California và khu Bờ Tây nước Mỹ. Một vài thập kỷ sau, New York có con tàu đầu tiên trên thế giới vượt qua tốc độ 100 dặm/h; Đỉnh điểm, năm 1916, hệ thống đường sắt của Mỹ đã mở rộng hơn 250.000 dặm.
Theo thời gian, hạ tầng đường sắt Mỹ gần đây ít được quan tâm, thiếu vốn, thiếu bảo trì và ngày càng rệu rã. Hệ thống tàu tốc độ cao duy nhất của nước Mỹ là Acela Express của Amtrak chạy từ Boston đến Washington, mới chỉ đạt tốc độ tối đa 240km/h. Giám đốc điều hành Hiệp hội Tàu cao tốc Midwest, ông Rick Harnick nhận định: “Nước Mỹ đã và đang để hệ thống tàu điện suy yếu hàng thế kỷ”.
Hệ thống đường tàu chở khách ở Virgin, Mỹ
Tư nhân đổ vốn cải thiện hạ tầng
Thời gian gần đây, đã có một số nỗ lực của khu vực tư nhân vào đường sắt. Tại Hành lang Đông Bắc đông dân và bận rộn, công ty có tên Northeast Maglev đang trong giai đoạn đầu thực hiện dự án kết nối Washington với TP New York trong 1 giờ.
Hệ thống khác kết nối Orlando và Miami của Tập đoàn Virgin, dự kiến đạt tốc độ tối đa 125 dặm/h (tương đương 200km/h), bắt đầu vận hành vào năm 2022. Còn từ đầu năm ngoái, những con tàu có tốc độ thấp hơn (khoảng 120km/h) nối Miami với biển West Palm đã bắt đầu vận hành. Hiện nay, công ty này đang huy động thêm vốn cho tuyến tàu cao tốc nối Las Vegas với Los Angeles.
Tại Texas - bang lớn với nhiều thành phố đang phát triển, trải dài trên khoảng cách rất lớn - một công ty có tên Texas Central, do hai tập đoàn Citigroup và Mitsubishi UFL Financial Group hậu thuẫn, đang hứa hẹn không cần trợ cấp và đã cạnh tranh với công ty đường sắt do Nhà nước sở hữu của Pháp (SNCF) để mở hệ thống đường sắt đầu tiên cho bang này.
Trước đó, SNCF đã đề xuất với Cơ quan Đường sắt Liên bang Mỹ kế hoạch xây dựng tuyến “T-Bone” kết nối hầu hết các thành phố lớn trong bang với tốc độ 200km/h.
Một bến tàu điện cao tốc hiện đại ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc
Trong khi đó Texas Central lại phát triển một tuyến đường chỉ có tốc độ cao kết nối 2 thành phố Houston và Dallas, sử dụng tàu cao tốc Shinkansen của Nhật và hợp tác với nhà vận hành của Tây Ban Nha - Renfe.
Tàu cao tốc Texas sẽ chạy ở tốc độ ban đầu là 300km/h, nối hai trong số những thành phố lớn nhất nước Mỹ chỉ trong 90 phút.
Tuy nhiên, dự án tàu cao tốc Texas lại đối mặt với một loạt ý kiến đối lập: Đầu năm nay, các Nghị sĩ đảng Cộng hòa đề xuất 11 dự luật phản đối riêng rẽ nhằm tìm cách khai tử hệ thống này của Texas Central vì những lo ngại liên quan tới quyền sở hữu tài sản.
Tuy nhiên, hầu hết người dân Texas đều muốn có một phương tiện vận tải đại chúng tốc độ cao: Kết quả một cuộc khảo sát do Đại học Texas thực hiện năm 2011 cho thấy, phần lớn những người được hỏi cho biết, họ sẵn sàng chấp nhận đóng thuế để có thể xây tuyến đường sắt chở khách liên thành phố.