Với diện tích đất hẹp, mật độ dân số bình quân cao nhất thế giới, nhưng hệ thống giao thông Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống vận chuyển công cộng (bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi) với phạm vi hoạt động và tính hiệu quả cao nhất thế giới.
Với diện tích đất hẹp, mật độ dân số bình quân cao nhất thế giới, nhưng hệ thống giao thông Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có hệ thống vận chuyển công cộng (bao gồm tàu điện ngầm, xe buýt, xe taxi) với phạm vi hoạt động và tính hiệu quả cao nhất thế giới. Ngay từ năm 1972, Chính phủ Singapore đã quy hoạch chiến lược mạng lưới các trục giao thông để hình thành bộ khung cứng cho hệ thống giao thông trong tương lai sau 40 năm, và được phân kỳ đầu tư từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 15 năm. Sau 10 năm quy hoạch, được xem xét điều chỉnh một lần, năm 2001 quy hoạch này đã được điều chỉnh lần thứ 3.
Bến xe Bus
Hệ thống tàu điện ngầm là hệ thống giao thông xương sống của Singapore, hiện nay có trên 67 trạm phục vụ và đang tiếp tục mở rộng. Khu vực trung tâm thành phố, hệ thống này chạy dưới đường ngầm, phía ngoài khu vực trung tâm được thiết kế nằm tầng trên cao và song song với các trục đường bộ dành cho xe ô-tô.
Hệ thống giao thông đường bộ mặc dù không lớn nhưng được tính toán, phân luồng một cách khoa học và chặt chẽ; phần lớn đều tổ chức giao thông một chiều; các nút giao thông đều được tổ chức các ngã rẽ phụ, nhằm hạn chế lưu lượng xe vào nút hoặc tổ chức giao thông khác mức. Hầu hết các tuyến đường lớn đều có cầu vượt cho người đi bộ và xe thô sơ. Đặc biệt, vỉa hè trên các tuyến giao thông đều có thiết kế lối đi riêng dành cho người đi bộ, cách ly với mặt đường bằng dải cây xanh và hoa để tạo ra cảnh quan, gây cảm giác an toàn và dễ chịu cho người đi bộ; người đi bộ chỉ được phép qua đường tại các vị trí có tín hiệu đèn xanh, đỏ và cầu vượt hoặc hầm chui…
Để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, cân bằng việc đi lại trong đô thị, Chính phủ Singapore đã có các chính sách và giải pháp như: Hạn chế sở hữu cá nhân. Việc sở hữu xe tại Singapore rất đắt đỏ, do phải nộp thêm nhiều chi phí phụ khác. Ngoài chi phí mua xe, tiền bảo hiểm, thuế đường, phí đỗ xe, người mua xe phải đấu giá và nộp một khoản tiền cho Nhà nước để được quyền mua và lưu hành xe. Khoảng hai tháng, chính quyền tổ chức đấu giá một lần với số lượng hạn chế, số xe được nhập vào cân đối với số xe thải ra và một số nhu cầu cấp thiết.
Số tiền đấu giá này được đóng góp vào ngân sách để đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, hoặc cách đầu tư hình thành các trung tâm đô thị mới, các trung tâm vệ tinh và các khu công nghiệp tại nhiều khu vực, nhằm phân tán đều lưu lượng xe cộ giao thông trên các trục đường cũng như trên từng loại phương tiện giao thông. Tăng cường đầu tư hạ tầng và các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe taxi có mặt ở mọi nơi; tổ chức phân luồng giao thông chặt chẽ; hạn chế đi lại khu vực trung tâm vào giờ cao điểm.
Việc đi lại trong khu vực trung tâm hay các đường cao tốc vào các giờ cao điểm đều phải trả thêm phí lưu thông. Hệ thống thu phí được tự động hóa bằng các thiết bị gắn sẵn trên xe và các đường vào. Đây cũng chính là nguồn thu để duy tu và tái đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng. Ngoài ra, chi phí duy tu hằng năm được tính bằng 1% giá trị công trình do ngân sách cấp để duy tu sửa chữa thường xuyên mạng lưới giao thông.
Nguồn: tinkinhte