Tuyến đường sắt Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu được ứng dụng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu, sử dụng tàu không người lái nhanh nhất thế giới.
Tuyến Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu dài 174km là hạ tầng đầu tiên được ứng dụng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu
Tuyến đường sắt cao tốc tự lái đầu tiên của Trung Quốc (dài 174km) nối hai thành phố đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 (Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu) đã đi vào hoạt động hôm 28/9. Với tốc độ nhanh nhất thế giới, tối đa lên tới 350km/h, thời gian di chuyển giữa Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu được rút ngắn từ 3 giờ xuống còn 47 phút.
Niềm tự hào quốc gia
Nối Bắc Kinh và Trương Gia Khẩu, thành phố đồng đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022 nằm ở tỉnh Hà Bắc, miền Bắc Trung Quốc, ngoài việc rút ngắn thời gian đi lại, tuyến đường sắt cũng sẽ là một động lực lớn cho sự phát triển phối hợp của vùng Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc.
Cùng ngày, tuyến đường sắt Chongli, dài 53km, một nhánh của tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu cũng đi vào hoạt động. Quận Chongli là nơi có ngôi làng Olympic mùa đông 2022.
Đáng chú ý, tuyến Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu là dự án xây dựng hạ tầng đầu tiên được ứng dụng hệ thống vệ tinh định vị Bắc Đẩu “made in Trung Quốc”, sử dụng tàu không người lái nhanh nhất thế giới.
Tuyến Bắc Kinh- Trương Gia Khẩu được xây dựng lần đầu tiên cách đây hơn 100 năm (giai đoạn 1905 - 1909). Thời điểm đó, đây là tuyến đường sắt đầu tiên do người Trung Quốc tự thiết kế và thực hiện.
“Và 110 năm sau, hạ tầng này được áp dụng công nghệ đường sắt tốc độ cao, trở thành biểu tượng quan trọng cho sự kết nối giữa Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc”, ông Wang Ping, một người dân tại Trương Gia Khẩu chia sẻ với tờ Global Times.
Không chỉ là niềm tự hào quốc gia, tuyến đường này còn mang ý nghĩa tầm cỡ quốc tế. Chia sẻ về tầm quan trọng của đường sắt Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đánh giá, hạ tầng này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Thế vận hội Mùa đông, từ đó giúp tăng cường chất lượng và tiêu chuẩn của những hoạt động liên quan.
Sự kiện Thế vận hội Mùa đông 2022 sẽ thu hút rất nhiều khách nước ngoài tới Trung Quốc. Nếu hạ tầng đáp ứng tốt nhu cầu, nó sẽ mang đến cơ hội vàng để Trung Quốc khiến thế giới phải trầm trồ trước những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển công nghệ đường sắt quốc gia.
Cơ hội “khoe khéo” công nghệ đường sắt tốc độ cao
Theo giới kỹ sư trong ngành, Bắc Kinh đã hội tụ rất nhiều công nghệ hiện đại bậc nhất, lần đầu tiên có vào tuyến đường sắt này.
Tính năng đầu tiên là một loạt công nghệ như hệ thống điều khiển tự động và hệ thống tự động điều phối, cho phép tàu tự khởi động và vận hành giữa các nhà ga, điều chỉnh thời gian theo lịch trình và dừng chính xác tại các ga.
Ngoài ra, còn có những hệ thống báo động, cảnh báo động đất, giám sát thảm họa thiên nhiên được tích hợp vào hệ thống điều hành thông minh dành cho tàu.
Tiếp đó, với sự hỗ trợ của mô hình kép 4G và thiết bị 5G, tuyến đường sắt này có khả năng kết nối các địa điểm khác nhau liên quan tới Thế vận hội, tự động chuyển đổi tín hiệu, hỗ trợ phát trực tiếp các chương trình thi đấu của Thế vận hội ngay trên tàu.
Trên tờ Global Times, Zhao Jian, giáo sư tại Đại học Giao thông Bắc Kinh nhận định: “Đây cũng sẽ là cơ hội để giới thiệu sự phát triển công nghệ của Trung Quốc với thế giới”.
Ông Luo Duhao, kỹ sư trưởng của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu cũng cho hay: “Với hạ tầng này, Bắc Kinh có thể “khoe khéo” những công nghệ đường sắt thông minh như dịch vụ ứng dụng 5G, điều khiển tự động, vé điện tử và wifi trên tàu…”.
Trong thực tế, Trung Quốc luôn xác định việc xây dựng hạ tầng đường sắt là mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Dự án đường sắt Bắc Kinh - Trương Gia Khẩu là một phần trong kế hoạch xây dựng đường sắt dài và trung hạn mang tầm cỡ quốc gia của Trung Quốc.
Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển và hiện đại nhất thế giới với độ dài hơn 35.000km, tính đến cuối năm 2019.