Từ năm 2007 đến nay, tôi thường xuyên, liên tục sử dụng xe buýt để đi làm, chơi thể thao, đi học và nhiều hoạt động khác. Số hiệu các xe tôi thường đi là 18, 50, 32, 26, 27, 34, 38, 02, 45, 09 của Hà Nội. Việc đi xe buýt 5 năm qua mà không sử dụng phương tiện cá nhân chứng tỏ những mặt tiện lợi của xe buýt mà tôi đã lựa chọn, chấp nhận. Đó là tính an toàn (không sợ va chạm, bảo đảm sức khoẻ nhất là khi mưa, nắng, lúc ùn tắc); tính kinh tế (chỉ có 80.000đ vé tháng xe buýt liên tuyến); và đặc biệt là tính hiệu quả vì xe buýt hiện nay là phương tiện chủ yếu góp phần làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Từ năm 2007 đến nay, tôi thường xuyên, liên tục sử dụng xe buýt để đi làm, chơi thể thao, đi học và nhiều hoạt động khác. Số hiệu các xe tôi thường đi là 18, 50, 32, 26, 27, 34, 38, 02, 45, 09 của Hà Nội. Việc đi xe buýt 5 năm qua mà không sử dụng phương tiện cá nhân chứng tỏ những mặt tiện lợi của xe buýt mà tôi đã lựa chọn, chấp nhận. Đó là tính an toàn (không sợ va chạm, bảo đảm sức khoẻ nhất là khi mưa, nắng, lúc ùn tắc); tính kinh tế (chỉ có 80.000đ vé tháng xe buýt liên tuyến); và đặc biệt là tính hiệu quả vì xe buýt hiện nay là phương tiện chủ yếu góp phần làm giảm ùn tắc giao thông đô thị.
Thực hiện chủ trương của lãnh đạo Bộ GTVT về việc cán bộ, viên chức ngành GTVT tham gia đi xe buýt và vận động người thân đi xe buýt, tôi xin trao đổi một số kinh nghiệm khi đi xe buýt để bạn đọc tham khảo.
Đối với những người mới đi xe buýt, nhất là những lần đi đầu tiên sẽ gặp một số khó khăn, bất tiện, nếu không vượt qua được sẽ bị ấn tượng “sợ” xe buýt mà không dám đi nữa. Vì vậy, người mới đi xe buýt phải chuẩn bị cho mình về mặt tâm lý, thấy được mặt tiện lợi cũng như những điểm hạn chế của xe buýt. Những sự việc, hành vi tuỳ tiện, thiếu văn hoá (bỏ bến, sai lộ trình, lời lẽ thô tục, thậm chí chửi bậy của lái, phụ xe), nạn trộm cắp v.v. sẽ gây khó chịu, bực mình, nên cần biết kiềm chế. Đặc biệt, việc biết cách đi xe buýt, hạn chế tối đa những bất lợi và thích nghi dần để “sống chung” với xe buýt. Điều này sẽ được tích luỹ qua kinh nghiệm đi xe buýt thường xuyên.
Sau đây xin chia sẻ một số kinh nghiệm khi đi xe buýt.
* Những việc chuẩn bị ban đầu:
- Tham khảo trên mạng (ví dụ: hanoibus.com.vn, buyttphcm.com.vn) để biết thông tin chung, xem lộ trình và hướng dẫn đi xe.
- Mua vé tháng: nên mua loại vé xe buýt liên tuyến (để đi được hầu hết các tuyến) tại các quầy bán vé (địa chỉ: tra Google theo từ khóa “bán tem vé tháng”)
- Mua một tấm Bản đồ văn hoá - du lịch và các tuyến xe buýt để tham khảo (địa chỉ: tại quầy bán vé).
- Dự kiến các phương án đón xe đi về: lựa chọn tuyến đường, số hiệu xe buýt, các điểm lên, xuống, chuyển xe (tăng bo).
- Dự kiến tổng thời gian đi từ nhà đến cơ quan (thông thường thời gian đi xe buýt lâu hơn đi xe máy từ 2-3 lần).
* Trang phục, đồ đạc cá nhân:
- Trang phục nên giản tiện, thoải mái. Đi xe buýt không sợ lạnh kể cả mùa đông (trừ trường hợp có xe để điều hoà quá lạnh lúc vắng khách).
- Nên đi giày thấp gót, độ bền cao (đi giày cao gót: dễ ngã; đi dép: sẽ đau hơn khi bị dẫm vào chân).
- Đồ đạc mang theo phải hết sức nhỏ gọn, cơ động (không nên xách túi, cặp, không mang ô cán dài).
- Cất cẩn thận: ví tiền, giấy tờ, điện thoại di động, đồng hồ, trang sức (không mang theo nếu thực sự không cần thiết).
* Động tác khi đi xe:
- Chọn số hiệu xe: Đôi khi bị nhầm vì cùng số hiệu nhưng lại có tuyến buýt nhanh (được phép không dừng ở một số bến); hoặc cùng số hiệu nhưng không rõ xe đi hay về (ví dụ xe 22, 33 tại bến xe Kim Mã); hoặc đúng số hiệu nhưng lại là xe tăng cường cho tuyến khác. Vì vậy, ngoài việc chọn số hiệu xe cần để ý các tấm biển nhỏ thông báo cho hành khách đặt trước người lái xe.
- Hết sức nhanh nhẹn khi lên xuống xe, nếu chậm chân rất dễ bị kẹt cửa (khá đau và nguy hiểm vì có thể ngã).
- Tạo thói quen bước lên bậc xe hoặc bước xuống đất: đều bước chân phải xuống trước (nếu bước chân trái mà xe chuyển động sẽ ngã).
- Tìm vị trí đứng/ngồi thích hợp. Phải thường xuyên bám chắc vào móc treo hoặc cột chống, tay vịn.
- Tuyệt đối không hút thuốc, sức nước hoa, nhai kẹo cao su; hạn chế nói chuyện, kể cả dùng điện thoại.
- Nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên theo quy định (kể cả đối tượng không phải ưu tiên như phụ nữ thì đàn ông cũng nên nhường ghế).
- Biết điều chỉnh cửa gió, tốc độ gió của đường gió điều hoà (có xe không có núm điều chỉnh).
- Trước khi xuống xe nhớ phải bật đèn hiệu và ra cửa sau (nếu xe không có đèn hiệu, nên đứng trước ở bậc cửa để lái xe biết có người xuống sẽ mở cửa; có trường hợp lái xe tưởng không có ai xuống hoặc quên nên không mở).
- Quy định “lên xe cửa trước, xuống xe cửa sau” nhưng thực tế lại có thể “không phải vậy”:
+ Lái xe có thể chỉ mở một cửa (cho cả lên và xuống), khi đó phải nhường cho khách xuống trước rồi mới lên; có khi cho xuống cả 2 cửa.
+ Nếu xe quá đông, khó xuống ở cửa sau thì phải nói với lái xe thì họ mới cho xuống cửa trước.
- Cần để ý trường hợp lái xe chạy sai tuyến và bỏ bến để kịp xuống xe, và điều chỉnh hành trình.
- Cảnh giác đề phòng kẻ gian trộm cắp trên xe buýt, đặc biệt là khi lên xuống xe tại các bến trung chuyển (Bến trung chuyển Cầu Giấy và Long Biên quá nổi tiếng vì vấn nạn này).
- Ghi số điện thoại đường dây nóng của cơ quan công an và của công ty xe khách (có dán ở trên xe) để kịp thời báo tin khi cần thiết.
* Một số lưu ý khác:
- Nên mua tem vé tháng sớm, thường vào 20-25 hàng tháng sẽ không bị chờ đợi xếp hàng mua vé.
- Trường hợp chưa kịp mua vé tháng, hoặc quên không mang vé tháng thì phải mua vé lượt khi lên xe.
- Vào buổi sáng, cố gắng thu xếp thời gian đi sớm (tránh vào giờ cao điểm) sẽ đỡ bị ùn tắc giao thông và trên xe cũng bớt đông hơn. Còn vào buổi chiều, rất khó lựa chọn, vì từ 16h30 đến 18h30 trên xe rất đông và thường xuyên ùn tắc giao thông.
- Biết kiềm chế khi đi xe bởi vì có nhiều điều ngang tai chướng mắt trên xe.
- Chủ động và biết cách khi đi xe sẽ tránh để lái, phụ xe nhắc nhở (họ thường xẵng giọng, quát tháo, rất khó chịu).
- Hành khách không thuộc đường cần mạnh dạn hỏi lái, phụ xe để được hướng dẫn.
Trên đây là những kinh nghiệm khi đi xe buýt, xin chia sẻ cùng các bạn, quá trình đi xe buýt thường xuyên sẽ còn có nhiều kinh nghiệm và cả những “tiểu xảo” khác cho bản thân.
Nguyễn Quốc Tùng
Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ