Thông tin từ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện nay mạng lưới xe buýt Hà Nội có 84 tuyến, trong đó có 65 tuyến trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 7 tuyến kế cận. Tổng sản lượng vận chuyển đạt trên 1,1 triệu lượt khách/ngày, tăng tới 41 lần so với năm 2000. Số phương tiện và hạ tầng phục vụ hoạt động vận chuyển bằng xe buýt cũng đã được nâng cấp và cải thiện đáng kể. Đặc biệt, lực lượng giám sát đã được tăng cường về quân số và bắt đầu từ năm 2012, thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên 100% phương tiện đưa vào khai thác, sử dụng.
Thông tin từ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, hiện nay mạng lưới xe buýt Hà Nội có 84 tuyến, trong đó có 65 tuyến trợ giá, 12 tuyến không trợ giá và 7 tuyến kế cận. Tổng sản lượng vận chuyển đạt trên 1,1 triệu lượt khách/ngày, tăng tới 41 lần so với năm 2000. Số phương tiện và hạ tầng phục vụ hoạt động vận chuyển bằng xe buýt cũng đã được nâng cấp và cải thiện đáng kể. Đặc biệt, lực lượng giám sát đã được tăng cường về quân số và bắt đầu từ năm 2012, thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên 100% phương tiện đưa vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lý do khiến người dân chưa muốn sử dụng loại phương tiện công cộng này thường xuyên vì chất lượng dịch vụ xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu của đông đảo hành khách; diễn biến phức tạp của giao thông đô thị vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến dịch vụ xe buýt (6 tháng đầu năm, có 12.022 lượt xe không thực hiện được (chiếm 0,6% kế hoạch) và 691 lượt xe quay đầu do tắc đường).
Bên cạnh đó, TP Hà Nội còn thiếu: các cơ chế cho việc hỗ trợ mua sắm phương tiện tiên tiến, thân thiện với môi trường, các chính sách tạo nguồn tài chính cho vận tải công cộng hoạt động ổn định, chất lượng tốt…
Trong số những bất cập đã được thẳng thắn chỉ ra ấy, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải nhấn mạnh, tình trạng chiếm dụng hạ tầng xe buýt, chiếm dụng lòng đường, vỉa hè còn khá phổ biến gây khó khăn cho xe buýt ra vào điểm đón khách, nguy hiểm cho hành khách lên xuống xe, tiềm tàng nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Tại các quận nội thành hiện có trên 70 vị trí thường xuyên bị chiếm dụng bởi hàng rong, xe máy, ô tô, xe rác…
Được hỏi tại sao không phát triển thêm các nhà chờ xe buýt, tạo thuận lợi cho hành khách, vẫn quan chức này than thở: “Đâu chỉ chiếm dụng hạ tầng của buýt (như chúng tôi đã thống kê)! Khác với người dân ngoại thành hồ hởi khi thấy có điểm chờ xe buýt được lắp dựng gần nhà, nhiều người dân nội thành còn “đẩy đuổi” cho kỳ được bất cứ thứ gì ở trước nhà, trước cửa hàng kinh doanh của họ, mặc dù nó được xây dựng trên diện tích chung”.
Chợt nhớ, kiểu suy nghĩ ích kỷ này cũng đã từng khiến nhiều người tìm cách “giết” cây xanh cổ thụ, cản trở việc lắp dựng cầu bộ hành… Hoạt động xe buýt rõ ràng cần tiếp tục được chấn chỉnh, hoàn thiện và khớp nối với các hình thức vận tải công cộng khác (như tàu điện đô thị) mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, giảm ùn tắc giao thông. Nhưng người dân cũng cần đồng thuận và ủng hộ thì buýt mới càng ngày càng tiện lợi, sạch đẹp, bảo đảm mỹ quan đô thị. Hà Nội đã vậy, các đô thị lớn khác cũng không ngoại lệ.
Theo báo SGGP