Quảng Nam: Kéo dài tuyến xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng

Thứ ba, 27/11/2012 08:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hai Sở GTVT Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương khảo sát để kéo dài tuyến xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng. Chủ trương này khiến nhiều xã viên của Hợp tác xã GTVT Đại Lộc băn khoăn, lo lắng vì sợ mất cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, các ngành chức năng và của huyện Đại Lộc đều khẳng định đây là chủ trương hợp lý nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Hai Sở GTVT Quảng Nam và TP. Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương khảo sát để kéo dài tuyến xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng. Chủ trương này khiến nhiều xã viên của Hợp tác xã GTVT Đại Lộc băn khoăn, lo lắng vì sợ mất cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, các ngành chức năng và của huyện Đại Lộc đều khẳng định đây là chủ trương hợp lý nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

Sở GTVT Quảng Nam và TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị vận tải hành khách (VTHK) công cộng bằng xe buýt đang khai thác tuyến hai chiều Đại Lộc - Đà Nẵng phối hợp với Phòng Quản lý vận tải và công nghiệp của hai sở nghiên cứu khảo sát, đề xuất kéo dài lộ trình khai thác trên tuyến từ bến xe Đại Lộc đến cầu Hà Nha (thuộc địa phận thôn Vĩnh Phước, xã Đại Đồng), báo cáo trước ngày 30.11 năm nay. Ngoài ra, Sở GTVT Quảng Nam cũng có chủ trương cho một doanh nghiệp khảo sát, đề xuất mở tuyến xe buýt hai chiều Đại Chánh - Đà Nẵng. Theo ông Trần Văn Muộn - Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã GTVT Đại Lộc, trước chủ trương mới này, Ban chủ nhiệm (BCN) Hợp tác xã GTVT Đại Lộc đã triệu tập cuộc họp với các xã viên đang tham gia VTHK trên tuyến cố định Hà Tân (xã Đại Lãnh) - Đà Nẵng và Đại Chánh - Đà Nẵng để thông báo tình hình. Nhiều xã viên lo lắng trước sự cạnh tranh khốc liệt của phương tiện VTHK công cộng. Bởi, việc nối dài tuyến xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng lên đến cầu chui Hà Nha (khoảng 12 km) chỉ còn cách bến xe Hà Tân khoảng 6km, trùng với tuyến xe buýt Đại Chánh - Đà Nẵng.
Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ vận tải và kinh doanh tổng hợp Duy Xuyên - ông Nguyễn Ta cho biết, trước đây, đơn vị có nhiều xã viên tham gia trên tuyến xe khách cố định Kiểm Lâm (xã Duy Hòa) - Đà Nẵng. Theo thời gian, phương tiện của họ xuống cấp, phong cách phục vụ yếu kém, chạy không đúng giờ khiến nhiều khách hàng tẩy chay. Bà con nhận thức rõ hoạt động kinh doanh của mình ngày càng èo uột, không thể đáp ứng được xu thế chung. Vì vậy, khi ngành chức năng có chủ trương mở tuyến xe buýt hai chiều Mỹ Sơn (hiện chuyển lên Phú Đa, xã Duy Thu) - Đà Nẵng, các xã viên đã tích góp đầu tư mua sắm mới 5 phương tiện xe buýt tham gia tại đầu tuyến Quảng Nam (3 xe còn lại của Công ty cổ phần GTVT Quảng Nam). Đến nay, đời sống của xã viên hoạt động VTHK công cộng đang dần đi vào ổn định.

Ông Muộn cho rằng, trong những tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề có đầu tuyến ở Quảng Nam, xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng hoạt động kém hiệu quả hơn. Chính vì thế, Sở GTVT cần phải thẩm định lại tính khả thi nếu đưa vào khai thác thêm tuyến xe buýt (không trợ giá) Đại Chánh - Đà Nẵng. Và dù mở mới hay nối tuyến, ngành chức năng cũng cần thông qua chính quyền địa phương để làm việc với hợp tác xã với lộ trình hẳn hoi cho bà con xã viên tính toán chuyển đổi ngành nghề. “Bây giờ phương tiện của xã viên hoạt động ế ẩm, vừa bị xe hợp đồng núp bóng xe cố định cạnh tranh, vừa bị xe buýt “lấn át” thì chỉ còn cách bán xe. Hợp tác xã mà không có xã viên thì bị giải thể là điều đương nhiên” ông Muộn bày tỏ.

Trước câu hỏi, liệu có hay không tình trạng xã viên làm ăn theo kiểu chụp giật, tùy thích muốn chạy nhanh hay chậm, thậm chí còn bỏ phiên nếu nhận được hợp đồng từ bên ngoài, ông Muộn khẳng định, BCN chưa nhận được bất kỳ sự phản ảnh nào từ phía người dân và Ban Quản lý của cả hai bến xe (do Phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc quản lý). Nhưng qua trao đổi, một cán bộ của Phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc cho biết, hai tuyến kể trên đều có quy định phải chạy đúng giờ, nhưng chủ phương tiện không tuân thủ. Trước đây, đầu tuyến Phú Thuận (nay chuyển đến Đại Chánh) - Đà Nẵng mỗi ngày có 18 phiên đi, hiện giảm còn 5 phiên; tuyến Hà Tân - Đà Nẵng có 9 phiên giảm còn 3 phiên. Phần lớn xe của xã viên Hợp tác xã GTVT Đại Lộc đang hoạt động VTHK đã qua 10 năm khai thác. Gặp thời điểm có nhiều hợp đồng bên ngoài, chuyện bỏ phiên, bỏ chuyến xảy ra thường xuyên. Sở dĩ thực trạng trên kéo dài do Ban Quản lý không có quyền phạt, vả lại nếu cắt phiên thì xe đâu phục vụ nhân dân đi lại.

UBND huyện Đại Lộc đã đồng ý chủ trương của Sở GTVT về việc mở tuyến xe buýt hai chiều Đại Chánh - Đà Nẵng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhân dân, hạn chế phương tiện cá nhân, góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Theo ông Phan Hành, Phó Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đại Lộc, UBND huyện cũng kiến nghị Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh phát triển tuyến xe buýt hai chiều Hà Tân - Đà Nẵng. Tuy nhiên, địa phương không đồng ý kéo dài lộ trình tuyến xe buýt Đại Lộc - Đà Nẵng đang khai thác. Hiện tại, đoạn đường từ cầu chui Hà Nha đến Hà Tân thuộc tuyến ĐT609 rất xấu. Do đó, huyện thống nhất đề xuất tạm thời tuyến xe buýt Hà Tân - Đà Nẵng hoạt động có lộ trình từ chân cầu chui Hà Nha (đầu tuyến Quảng Nam). Sau khi hoàn thành việc nâng cấp mặt đường, sẽ dời đầu tuyến lên bến xe Hà Tân. Ông Phan Hành nhấn mạnh: “Đây cũng là cách nhằm chấn chỉnh những bất cập trong VTHK tồn tại nhiều năm nay tại hai tuyến cố định đúng giờ nói trên. Khi nào UBND tỉnh thống nhất chủ trương mà Sở GTVT tham mưu, chúng tôi sẽ thông báo cho hợp tác xã nắm bắt, phổ biến đến xã viên mình. Huyện sẽ ưu tiên cho xã viên nào có điều kiện đầu tư xe buýt nhằm tham gia khai thác tuyến VTHK công cộng mở mới”.

Theo báo Quảng Nam

Kiều Anh (Theo báo Quảng Nami)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)