Tháng 10 /2018, Hà Nội triển khai thí điểm vé điện tử trên tuyến buýt nhanh (BRT) 01 để tiến tới liên thông trên toàn hệ thống xe buýt có trợ giá, kết nối các tuyến đường sắt đô thị theo lộ trình.
Tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa
Vé điện tử thông minh được trang bị nhiều ứng dụng
Liên danh Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Tập đoàn Viettel, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường đang đẩy tiến độ để có thể sớm đưa vào thí điểm thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT 01 (Kim Mã - Yên Nghĩa) tiến tới triển khai trên toàn hệ thống vận tải hành khách công cộng của Thủ đô.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, dự án thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt nhanh và mở rộng cho các tuyến buýt trợ giá trên địa bàn TP Hà Nội đang được Sở GTVT Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội khẩn trương hoàn thiện. Dự kiến, ngày 1/10 tới sẽ triển khai thí điểm vé điện tử trên tuyến buýt nhanh BRT.
Trong văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện các đơn vị đã cấp mới, đổi thẻ cho khách và đang tổ chức đào tạo vận hành hệ thống. Dự kiến, ngay trong tháng 9, đơn vị sẽ hướng dẫn hành khách tại nhà chờ, sử dụng hệ thống loa phát trên xe buýt. Đến nay, công tác chuẩn bị thí điểm về cơ bản đã đảm bảo về nhân sự, thiết bị, phần mềm, cơ sở hạ tầng, công nghệ.
“Việc triển khai thí điểm cung cấp và ứng dụng hệ thống thiết bị thẻ vé điện tử cho tuyến buýt nhanh sẽ thay thế cho loại hình vé giấy thủ công, tốn chi phí in ấn và thời gian chờ đợi mua bán vé như hiện tại”, ông Hải nói và cho biết thêm: Trên cơ sở kết quả thí điểm, Hà Nội sẽ hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, giải pháp công nghệ để triển kh ai và liên thông cho toàn loại hình vận tải khách công cộng trên địa bàn TP Hà Nội như: Xe buýt, buýt nhanh, đường sắt đô thị.
Cũng theo ông Hải, trước mắt sẽ triển khai thí điểm hệ thống vé điện tử trên tuyến BRT 01. Cụ thể, trên tuyến sẽ được trang bị thiết bị bán vé điện tử, thay thế toàn bộ vé tháng tuyến BRT 01 bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa sang vé tháng điện tử (khoảng 2.500 thẻ); lắp đặt hệ thống cổng kiểm soát khách ra vào tại các nhà chờ BRT; trang bị hệ thống thiết bị, phần mềm quản lý hệ thống vé điện tử tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, các điểm giao dịch của Liên danh Viettel - Transerco”, ông Hải cho biết.
Tổng mức đầu tư dự kiến để triển khai cho tuyến buýt nhanh BRT là 22,5 tỷ đồng. Trước mắt, để đảm bảo thí điểm thành công, nhanh chóng đưa dịch vụ vào thực tế, Tập đoàn Viettel sẽ ứng trước kinh phí để triển khai và báo cáo thành phố phương án khi triển khai lập dự án mở rộng cho xe buýt trợ giá toàn thành phố.
“Vé điện tử thông minh được tích hợp linh hoạt nhiều ứng dụng. Trên cùng một thẻ sẽ mặc định rất nhiều đối tượng phục vụ như khách phổ thông, khách ưu tiên (theo đối tượng, theo ngày, theo tháng, theo giờ), chính sách về giá vé cũng được điều chỉnh dễ dàng. Tiến tới trong tương lai, ngoài việc phục vụ cho di chuyển trên các phương tiện công cộng của Thủ đô, thẻ vé điện tử này sẽ được dùng làm phương thức để gửi xe, mua bán lẻ tiện lợi”, ông Nguyễn Hoàng Hải nói.
Đáng lưu ý, theo ông Hải, dù trang bị vé điện tử nhưng giá vé xe buýt nhanh BRT sẽ không thay đổi. “Tuy nhiên, sau liên thông với vé của toàn hệ thống xe buýt cũng như các tuyến đường sắt đô thị sau này, sẽ thay đổi từ vé đồng hạng sang vé trừ dần”, ông Hải thông tin.
Minh bạch, dễ quản lý
Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc Hà Nội triển khai thẻ vé điện tử trên các phương tiện công cộng là cần thiết để thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng. “Việc sử dụng thẻ giúp cho hành khách, phụ xe đỡ mất thời gian chờ đợi mua vé, nhất là khi hệ thống thẻ vé này được liên thông với các phương tiện giao thông công cộng khác”, TS. Thủy nói và cho biết, áp dụng thẻ điện tử thì chất lượng phục vụ, giờ giấc, hạ tầng xe buýt cũng cần phải thay đổi.
Khẳng định thẻ vé điện tử là một loại hình dịch vụ tiên tiến, ông Nguyễn Hoàng Hải tiết lộ, đây là loại thẻ thông minh. Khi hành khách lên phương tiện sẽ tự động kiểm soát, trừ tiền, xác định được giá tiền của từng chuyến đi, bền vững văn minh hơn. Trước đây, hành khách lên xe thì phải xé vé, chìa thẻ... giờ lên xuống chỉ cần quẹt thẻ vào đầu đọc như vậy quy trình quản lý sẽ mạch lạc, minh bạch hơn.
“Nếu áp dụng thành công, loại hình này sẽ giúp các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp quản lý doanh thu chính xác, đồng thời quản lý tốt nhu cầu và quy luật đi lại của người dân qua chuỗi thông tin báo về hệ thống, từ đó cơ quan Nhà nước có thể điều chỉnh kế hoạch phục vụ hành khách dễ dàng và thuận tiện nhất”, ông Hải nói thêm.
Về tiến độ thực hiện thí điểm, Sở GTVT Hà Nội cho biết, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị đang phối hợp với liên danh đang hoàn thiện các hạng mục về thiết kế kỹ thuật, phần mềm hệ thống. Cùng đó, đơn vị này cũng hoàn thiện các quy trình quản lý, vận hành như: Quy trình cấp phát, nghiệm thu phôi thẻ điện tử; Quy trình phát hành thẻ điện tử, quản lý tem điện tử và doanh thu bán tem điện tử; Quy trình quản lý vé lượt điện tử và doanh thu bán vé lượt điện tử. Về hạ tầng trên tuyến, liên danh đã lắp đặt hoàn thiện các hạng mục thiết bị về công tác soát vé, camera, cáp truyền dẫn tại 23/23 nhà chờ BRT.
Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã phối hợp với các chuyên gia dự án JICA tiến hành chạy thử hệ thống tại số 1 Kim Mã. Tại buổi họp các chuyên gia đánh giá kiến trúc, công nghệ của hệ thống vé điện tử tuyến BRT 01 phù hợp với hệ thống liên thông và đảm bảo các yêu cầu theo quyết định của UBND TP Hà Nội và phù hợp với tiêu chuẩn hệ thống vé liên thông của dự án JICA đang xây dựng.