Thực hiện Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, đến nay, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ các chủ phương tiện tham gia mua phí tại các địa phương trong tỉnh thấp, có xu hướng giảm.
Theo quy định và hướng dẫn của các cơ quan chức năng, việc thu phí sử dụng đường bộ được phân cấp cho UBND cấp xã, phường, thị trấn thực hiện. Để việc thu phí đạt kết quả cao, cùng với thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chỉ đạo các bộ phận chức năng thực hiện tốt việc rà soát, phân loại xe mô tô để làm cơ sở cho việc thu chính xác.
Ông Bùi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), cho biết: Năm 2013 cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã tích cực tham gia và thu được trên 131 triệu đồng, nhưng đến hết năm 2014 số thu tụt giảm xuống chỉ còn gần 14 triệu đồng. Còn theo ông Lục Văn Tượng, Trưởng Công an xã Sơn Hà (Quan Sơn), năm 2013 toàn xã có 250 xe mô tô mua phí với tổng số tiền trên 25 triệu đồng, nhưng đến hết năm 2014 chỉ còn 50 chủ phương tiện tham gia, với tổng số tiền thu được trên 4,7 triệu đồng. Tương tự, tại phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn), năm 2013 qua rà soát có trên 2.000 hộ có xe mô tô và đã thu được trên 188 triệu đồng, nhưng năm 2014 chỉ thu được trên 55 triệu đồng...
Tìm hiểu về việc thu phí tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai thu phí đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc theo Quyết định số 2582/2013/QĐ-UBND ngày 26/7/2013 của UBND tỉnh về việc quy định mức thu, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh, nhưng trên thực tế việc nộp phí đạt rất thấp so với kế hoạch và giảm dần.
Theo báo cáo của Quỹ bảo trì đường bộ Thanh Hóa, năm 2013 toàn tỉnh thu được gần 18,7 tỷ đồng, năm 2014 thu được trên 21,5 tỷ đồng (đạt 45% kế hoạch) và năm 2015 dự kiến kế hoạch giao gần 27,5 tỷ đồng, nhưng 5 tháng đầu năm mới thu được gần 2,4 tỷ đồng (đạt khoảng gần 8,6% kế hoạch).
Thanh Hóa là địa phương có hệ thống giao thông tương đối lớn, trong đó trên 1.200km đường tỉnh, trên 7.600km đường huyện, xã, do vậy nguồn kinh phí cần cho bảo trì sửa chữa đường bộ hàng năm là rất lớn. Thực hiện Nghị định số 18 của Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua mức thu đối với xe mô tô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 là 60.000 đồng/năm và trên 100 cm3 là 120.000 đồng/năm và đã được UBND tỉnh ban hành quyết định triển khai thực hiện từ năm 2013. Mặc dù nguồn phí thu được chưa nhiều, nhưng ít nhiều cũng đã góp phần bổ sung thêm nguồn kinh phí trong việc duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông bị xuống cấp, hư hỏng trên địa bàn tỉnh. Lợi ích của việc thu phí khá rõ ràng, qua đó có thêm nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng miền trong tỉnh.