Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có Văn bản số 4491 /TCĐBVN-QLBTĐB giao nhiệm vụ cho các đơn vị triển khai kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2016.
Theo đó Tổng cục ĐBVN giao các Cục Quản lý đường bộ I, II, III, IV, Cục Quản lý đường bộ cao tốc, các Sở Giao thông vận tải nhận ủy thác quản lý quốc lộ và các Ban Quản lý dự án thuộc Tổng cục ĐBVN (gọi chung là các Chủ đầu tư) vận dụng quy định của các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế với thời gian ngắn nhất, kịp thời khởi công toàn bộ các dự án bảo trì ngay từ những ngày đầu tiên đi làm của năm 2016.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch trên, Tổng cục ĐBVN đã đề ra Một số giải pháp định hướng như các Chủ đầu tư khẩn trương tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn để khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư.
Về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 59/2015/NĐ-CP, cho phép các Chủ đầu tư dự án sửa chữa ≥ 15 tỷ được kết hợp việc lập nhiệm vụ, phương án khảo sát và thực hiện khảo sát trong các bước lập dự án (thiết kế cơ sở) và bước thiết kế bản vẽ thi công. Trường hợp cần TKBVTC sau khi đã hoàn thành việc lập dự án (nhưng chưa có quyết định phê duyệt dự án), Chủ đầu tư đề xuất để Tổng cục ĐBVN xem xét chấp thuận.
Đối với công tác lựa chọn nhà thầu các chủ đầu tư được áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP với các thủ tục và thời gian ngắn nhất. Đối với các dự án lớn, tính chất phức tạp, Chủ đầu tư nghiên cứu báo cáo Tổng cục để tách các nội dung sửa chữa thành các gói thầu với quy mô hợp lý để tổ chức triển khai thi công sớm, hoàn thành dứt điểm từng đoạn tuyến nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng vốn và khả năng đảm bảo an toàn giao thông.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có các vướng mắc hoặc cần điều chỉnh chủ trương, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ năm 2016 Chủ đầu tư báo cáo để Lãnh đạo Tổng cục ĐBVN có ý kiến chỉ đạo.