Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các biện pháp xử lý tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động trên địa bàn. Thậm chí, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai đã tạm đình chỉ công tác Chánh Thanh tra của Sở vì để xe quá khổ, quá tải hoành hành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các loại hoạt động của xe này vẫn còn diễn biến phức tạp…
Trong hai ngày 2 và 3/3, phóng viên Báo Gia Lai đã có chuyến thực tế trên Quốc lộ 19, đặc biệt là “điểm nóng” tại nhà máy đường và nhà máy mì thị xã An Khê.
Đoàn xe mía xếp hàng bên ngoài Nhà máy Đường An Khê. Ảnh: L.A
Qua quan sát của P.V, vào ban ngày, những chiếc xe chở mía, mì khi lưu thông trên Quốc lộ 19 và các tuyến Tỉnh lộ 662, 669 dù có dấu hiệu quá tải trọng nhưng không còn tình trạng chất hàng cao ngất ngưởng như thời gian trước. Tuy nhiên, bắt đầu từ 21 giờ, trên tuyến Quốc lộ 19, đoạn ngã ba dẫn vào Nhà máy Đường An Khê xuất hiện 3 xe ô tô BKS 81C-085.75, 81C-023.35 và 81C-089.66 chất đầy mía và có dấu hiệu quá tải tiến vào nhà máy. Theo những chuyến xe trên vào đến tận khu vực trước cổng nhà máy, chúng tôi nhận thấy lúc này có hàng chục, thậm chí hàng trăm xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải nối đuôi nhau nằm chờ để nhập mía. Qua tìm hiểu từ những người dân sống ở đây, được biết số xe này đã nằm chờ trước đó từ 1 đến 2 ngày. Tiếp đó, chúng tôi đến ngã ba Đồng Găng, thị xã An Khê. Khoảng 22 giờ 30 phút, những chuyến xe chở mì lưu thông về Nhà máy chế biến mì An Khê cũng bắt đầu nhiều hơn. Theo sau hai xe chở mì tươi BKS 81C-024.38 và 81C-057.18, qua quan sát hai xe này đã cơi nới thùng và chất đầy mì tươi, có dấu hiệu vượt trọng tải. Tiến vào sâu hơn, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các xe chở mì có trọng tải từ 3,5 tấn đến 8 tấn, nhìn bằng mắt thường cũng có thể nhận thấy hầu hết các xe đều có dấu hiệu vượt tải trọng. Tại khu vực phía trước nhà máy mì, lúc này cũng có hơn 40 xe chở mì tươi có dấu hiệu vi phạm đang nối đuôi để chờ đến lượt nhập mì cho nhà máy.
Sau khi trực tiếp ghi nhận ở nhà máy đường và nhà máy mì An Khê, theo Quốc lộ 19, chúng tôi đến khu vực trạm cân số 5 (xã Song An). Vào thời điểm này dù có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, nhưng các xe chở mì khô, mía lưu thông theo hướng về tỉnh Bình Định đều không bị cân trọng tải. Qua trao đổi với ông Nguyễn Hữu Cường-Thanh tra Sở Giao thông vận tải Gia Lai, trưởng ca trực đêm 2/3, ông cho biết: Việc không thể cân tải trọng các xe lưu thông qua đây là vì cân lưu động đã được gửi ra Hà Nội để kiểm tra định kỳ, còn cân xách tay bị trục trặc nên đã gửi lên Sở Giao thông vận tải từ 14 giờ, ngày 2-3. Chính vì vậy, lực lượng chức năng ở đây chỉ dừng xe để kiểm tra các lỗi kỹ thuật mà thôi. Phải đến hết ngày 3/3, việc cân trọng tải tại trạm cân mới hoạt động trở lại…
Trước hiện tượng những xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải vẫn lọt qua các trạm kiểm soát để vào nhà máy đường và nhà máy mì An Khê, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Gia Lai và được ông cho biết: “Sau khi triển khai quyết liệt các biện pháp, có thể thấy tình trạng xe chở quá khổ, quá tải đã có những chuyển biến tích cực, các xe không còn chất hàng cao ngất ngưởng, cơi nới thùng xe như thời gian trước. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo quyết liệt lực lượng Thanh tra giao thông khi tuần tra kiểm soát trên các tuyến quốc lộ phải kiên quyết xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, cũng có thể vẫn còn tình trạng các xe mía, mì chở quá tải trọng đi theo các tuyến tỉnh lộ, đường dân sinh từ các huyện lân cận để vào nhà máy. Vừa qua, Sở Giao thông vận tải Gia Lai cũng đã có văn bản gửi đến các nhà máy để cùng phối hợp xử lý tình trạng xe chở quá khổ, quá tải. Nếu trong thời gian tới, các nhà máy thiếu hợp tác, chúng tôi sẽ có ý kiến lên lãnh đạo tỉnh và Bộ Công thương để có biện pháp xử lý…”.