Khơi thông các tuyến đường ĐH tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam)

Thứ tư, 09/03/2016 11:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ thực trạng bề mặt nhiều tuyến đường huyện (ĐH) là đường đất, bị hư hỏng nặng, thị xã Điện Bàn đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư khơi thông các “điểm nghẽn” kết nối giữa giao thông nông thôn (GTNT) với tỉnh lộ (ĐT).

Nỗ lực đầu tư

Điện Bàn có 13 tuyến ĐH với chiều dài khoảng 61,6km. Trước đây,  các tuyến ĐH kết nối giữa GTNT với hệ thống ĐT trên địa bàn chủ yếu là đường đất, hoặc cấp phối. Lưu thông thường xuyên bị ách tắc do cảnh “nắng bụi, mưa lầy”, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại và sản xuất của nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Bàn luôn đau đáu trước thực trạng trên. Lãnh đạo địa phương trăn trở, suy nghĩ tìm cách khai thông “điểm nghẽn”. “Những năm 1997 - 1998, Điện Bàn thực hiện chương trình “nhựa hóa đường quê”, theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Khoảng thời gian này, chúng tôi tiến hành thâm nhập nhựa, đổ bê tông xi măng bề mặt một số tuyến ĐH trọng yếu” - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đô thị Điện Bàn ông Đặng Hiệp Lực nhớ lại.

Bề mặt tuyến ĐH10.ĐB đã được đầu tư kiên cố, thoáng rộng hơn.

Trải qua nhiều năm khai thác, cộng thêm sự tàn phá của thiên tai khiến nhiều tuyến ĐH hư hỏng nặng. Ngoài việc huy động các nguồn lực tiếp tục làm mới một số tuyến ĐH khác, đồng thời thị xã cũng nỗ lực sửa chữa những đoạn bị xuống cấp trầm trọng. Năm 2015, đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH trên địa bàn tỉnh chính thức được triển khai. Điện Bàn được phân bổ 900m, kinh phí 2,9 tỷ đồng (tỉnh 60%) và đã tập trung kiên cố hóa tuyến ĐH1.ĐB, đoạn nối liền ĐT609 ra tới Nghĩa trang liệt sĩ xã Điện Thọ có bề rộng 5,5m. Ông Đặng Hiệp Lực cũng cho hay, năm nay, tỉnh tiếp tục phân bổ để thực hiện 3,3km. Với nguồn lực trên, thị xã sẽ tiếp tục triển khai kiên cố đoạn nối tiếp dài 2,2km của tuyến ĐH1.ĐB, đồng thời đổ bê tông xi măng đoạn dài 1,1km của tuyến ĐH13.ĐB qua địa bàn xã Điện Minh. Công việc khảo sát, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu đang được tiến hành khẩn trương, dự kiến sẽ tổ chức thi công vào đầu tháng 4.

Huy động nguồn lực

Nhờ kinh phí cấp trên hỗ trợ, gần đây, địa phương đã triển khai hoàn thành tuyến ĐH9.ĐB, sắp đưa vào sử dụng ĐH8.ĐB, còn tuyến ĐH7.ĐB cũng đang chuẩn bị đầu tư. Đây là 3 tuyến đường huyết mạch nằm trong chiến lược nối liền vùng đông (giáp ĐT607) với quốc lộ 1. Tuyến ĐH6.ĐB cũng vừa được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng kinh phí gần 47,5 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 33 tỷ đồng, ngân sách thị xã cân đối phần còn lại. Riêng tháng 9.2015, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu công trình sửa chữa mặt đường ĐH10.ĐB, đoạn km4+500-km8+00, qua địa phận xã Điện Quang. Giữa tháng 11, nhà thầu triển khai thi công dự án. Được Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (đại diện chủ đầu tư) phân công điều hành trên công trường, kỹ sư Nguyễn Đình Phong cho hay, công trình có tổng mức đầu tư hơn 5,1 tỷ đồng, trích từ Quỹ bảo trì đường bộ năm 2015. Dự án khi hoàn thành sẽ kết nối thông suốt với tuyến ĐT610B, hệ thống GTNT, giao thông nội đồng trên địa bàn Điện Quang nói riêng, vùng Gò Nổi nói chung.

Để tuyến ĐH10.ĐB thi công đúng thời hạn, ngoài sự quản lý, đôn đốc của lãnh đạo Sở GTVT, ban quản lý dự án cùng ngành chức năng, tiến độ giải phóng mặt bằng đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, xã Điện Quang vận động người dân bị ảnh hưởng tự nguyện hiến đất, thu dọn cây cối, hoa màu… bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Ông Thiều Trí ở thôn Bến Đền Đông chấp thuận chuyển tường rào vào sâu bên trong, cách vị trí cũ 2m. Nhà thầu sẽ hỗ trợ di dời và xây mới lại vật kiến trúc cho gia đình ông. Ông Thiều Trí cũng như nhiều hộ dân khác mong muốn tuyến ĐH10.ĐB được nới rộng và xây dựng kiên cố để thay thế nền đường vốn  chỉ rộng có 3m, mặt đường hư hỏng nhiều đoạn. Qua quan sát, chúng tôi thấy công trình kiên cố hóa tuyến ĐH10.ĐB đã được nhà thầu là Công ty TNHH Kỳ Trung thi công đến giai đoạn hoàn thiện. Theo kỹ sư Nguyễn Văn Tú - chỉ huy công trường, nhà thầu đang lắp đặt cọc tiêu, biển báo và một vài hạng mục phụ trợ khác, phấn đấu đưa toàn bộ đoạn tuyến vào sử dụng giữa tháng 3 năm nay. Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhà thầu tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn - thiết kế và xây dựng A.D.C đã cử người thường xuyên túc trực tại hiện trường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để công trình đảm bảo chất lượng, tiến độ và mỹ thuật; thực hiện đúng cam kết với chủ đầu tư và sự kỳ vọng của địa phương.

hoavt

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)