Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị lập “đường dây nóng” để tiếp nhận phản ánh sự xuống cấp tại đường địa phương.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, yêu cầu về điều kiện khai thác hạ tầng đường bộ của
xã hội ngày càng cao nên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý, khai thác, bảo trì đường bộ tại các địa phương.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi các Sở GTVT về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường địa phương. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong thời gian qua, các Sở GTVT và Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có sự phối hợp khá tốt trong công tác này trên cả đường Trung ương và các tuyến đường địa phương. Đặc biệt là đợt tổng rà soát cầu treo dân sinh và chương trình xây dựng 186 cầu treo dân sinh tại các tỉnh Trung du, Miền núi phía Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên, công tác lập Đề án dự án xây dựng cầu dân sinh trên 50 tỉnh, thành phố có đồng bào các dân tộc ít người sinh sống.
Tuy nhiên, các quy định của Nhà nước đối với lĩnh vực này ngày càng chặt chẽ, yêu cầu điều kiện khai thác hạ tầng đường bộ của xã hội ngày càng cao. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn trong quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại các địa phương.
Do vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT hàng năm thống kê, tổng hợp và báo cáo tình hình phát triển đường giao thông địa phương.
Đối với cầu, đề nghị các Sở GTVT khẩn trương công bố tải trọng và khổ giới hạn hệ thống công trình cầu, đường, bến phà, cầu phao do địa phương quản lý theo quy định; Tiếp tục rà soát các cầu, đặc biệt là cầu treo dân sinh để có kế hoạch sửa chữa các hư hỏng nhằm đảm bảo ATGT cho nhân dân, trường hợp vượt quá thẩm quyền thì báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo; Căn cứ vào quy định của cấp có thẩm quyền về cấp đường thủy nội địa, khổ giới hạn thông thuyền đường thủy các Sở GTVT tổ chức rà soát các cầu thuộc phạm vi quản lý bắc qua các luồng đường thủy do Trung ương và địa phương quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền để có kế hoạch nâng khổ giới hạn mở rộng khổ cầu khi chưa đảm bảo; xây dựng bổ sung trụ chống va xô đối với các cầu cần thiết thực hiện. Đồng thời hướng dẫn UBND cấp huyện thực hiện các nội dung trên đối với hệ thống đường do cấp huyện, cấp xã quản lý.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở GTVT phối hợp cùng với lực lượng Công an, CSGT các cấp, các Cơ quan quản lý đường bộ thực hiện quản lý, bảo vệ, xử lý kịp thời vi phạm hành lang an toàn và kết cấu hạ tầng giao thông của tất cả các tuyến đường trên địa bàn (bao gồm cả quốc lộ) theo quy định của Luật GTĐB.
Ngoài ra, Tổng cục cũng đề nghị các Sở GTVT lập và công bố “đường dây nóng” về lĩnh vực quản lý, bảo trì, vận tải và ATGT để tiếp nhận phản ánh của cử tri, nhân dân về các hiện tượng hư hỏng, xuống cấp tại đường địa phương.