Việc bảo trì đường bộ từ chỗ lạc hậu, thủ công, chủ yếu là chắp vá đã có bước chuyển mạnh mẽ sau khi thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ.
Để thắng thầu quản lý bảo trì đường bộ, các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại
Chất lượng mỗi tuyến đường đã có sự thay đổi, êm thuận hơn, Nhà nước, người dân và doanh nghiệp (DN) cùng có lợi.
Từ cơ chế “xin - cho” kìm hãm doanh nghiệp…
Từ năm 2013 trở về trước, chưa kể chi phí ca máy, phương tiện, thiết bị, khoản chi phí bảo dưỡng, duy tu đường bộ thường xuyên chi trả cho nhân công đường bộ chiếm trên 60%. Thực tế này biến việc duy tu đường bộ trở thành công trường thủ công. Công tác sửa chữa, duy tu định kỳ rất đặc thù song lại quản lý như đối với xây dựng cơ bản, thủ tục mất rất nhiều thời gian nên không khuyến khích việc ngăn chặn hư hỏng kịp thời, khối lượng phát sinh lớn. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, kiểm soát khối lượng rất khó do không có tiêu chí chất lượng, không có chế tài xử phạt. Điều này khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ luôn trong tình trạng xuống cấp, điều kiện làm việc và đời sống công nhân đường bộ khó khăn.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng Vụ Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, mô hình trước khi thực hiện Đề án đổi mới công tác bảo trì đường bộ, một bộ phận lớn các DN làm công tác bảo trì thuộc các khu quản lý đường bộ, có quan hệ cấp trên cấp dưới. Ngay bản thân các khu quản lý đường bộ có khi hàng tháng mới đi kiểm tra tuyến được một lần vì từ trung tâm lên đến tuyến xa hàng trăm cây số, hoặc khi có vụ việc mới đi kiểm tra. DN quản lý đường bộ khi đó cũng “lưỡng tính”, vừa làm công tác quản lý Nhà nước vừa làm nhà thầu thi công nên các chức năng, nhiệm vụ không được tách bạch. Thậm chí, có DN còn đi lập biên bản vi phạm hành lang đường bộ, tham gia sâu vào quá trình xem xét nguyên nhân TNGT...
Cùng đó, việc bảo trì đường bộ được thực hiện theo hình thức đặt hàng. Hình thức này bên cạnh mặt tốt như thủ tục nhanh gọn, phù hợp với giai đoạn các nhà thầu không có tính cạnh tranh, còn tạo ra thị trường mở cho các DN ngoài tham gia, không khuyến khích DN nâng cao trình độ quản lý, đổi mới công nghệ, đầu tư vốn. Hình thức này không còn thích hợp với nền kinh tế thị trường.
Chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường
Để thay đổi thực trạng này, Đề án đổi mới toàn diện quản lý bảo trì đường bộ ra đời. Từ đề án, vấn đề tổ chức phương thức quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý cơ sở hạ tầng, công tác lập kế hoạch bảo trì, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại... đã được đổi mới triệt để. Nổi bật trong những kết quả sau khi thực hiện đề án này là việc đấu thầu quản lý bảo trì đường bộ.
Theo đó, khi thực hiện đề án, các DN bảo trì đường bộ được chuyển về các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông (CIENCO). Vì thế, ngành đường bộ lúc này không còn DN trực thuộc. Như vậy, dịch vụ công về bảo dưỡng duy tu đường bộ được tách bạch. Lúc này, Nhà nước trong vai người đặt hàng và tổ chức đấu thầu rộng rãi còn DN trở thành nhà cung cấp dịch vụ. Để thắng thầu, DN buộc phải có thiết bị, công nghệ bảo trì hiện đại để dự thầu, cạnh tranh với các DN khác. DN có giá bỏ thầu thấp, có phương án kỹ thuật tốt, có nguồn nhân lực mạnh tham gia sẽ thắng thầu.
Theo ông Lê Hồng Điệp, đề án làm đúng tinh thần là xã hội hóa những lĩnh vực mà Nhà nước không cần làm, tạo điều kiện cho DN đổi mới, nâng cao năng lực, đầu tư trang thiết bị, con người để nâng cao hiệu quả, trình độ. Từ những đổi mới mang tính căn bản, công tác đấu thầu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ VN, tổng số trên 1.480 tỷ đồng vốn bảo dưỡng thường xuyên vừa được đấu thầu để thực hiện trong 3 năm, từ 2015 - 2017, đã tiết kiệm được trên 82 tỷ đồng. Ngoài ý nghĩa về mặt kinh tế, thông qua hình thức đấu thầu bảo dưỡng thường xuyên cũng tạo sự công bằng, minh bạch cho tất cả các DN. Theo đó, các DN sẽ có một sân chơi bình đẳng và đơn vị có năng lực thực sự sẽ có cơ hội trúng thầu thay vì cơ chế xin - cho như trước. Bên cạnh đó, bản thân DN cũng có cơ hội tái cơ cấu lại năng lực, thay vì trước đây DN không phải cố gắng đầu tư nhưng vẫn được đặt hàng giao nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường.
Tiền thân là Công ty TNHH MTV, đến nay Công ty Cổ phần Đường bộ 226 đã cổ phần hóa 100%. Ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tịch HĐQT công ty chia sẻ: “Kể từ khi công ty được cổ phần hóa, chúng tôi đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, hiệu quả hơn. Nhờ đó, đời sống của người lao động được cải thiện. Sau khi hoạt động theo mô hình mới, do có cơ chế và cách thức tổ chức quản lý thi công phù hợp nên người lao động đã tâm huyết, tận tụy hơn với nghề. Thực tế, trong công tác bảo dưỡng đường bộ, công việc nào cũng có đặc thù, vất vả riêng nên ngoài việc đầu tư trang thiết bị hiện đại thì người làm công tác bảo trì phải tâm huyết thì mới có sản phẩm tốt được”.
Cũng là DN đã cổ phần 100%, ông Lại Huy Xuân, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông 238 cho biết, sau khi cổ phần hoá, bộ máy tổ chức của công ty đã được kiện toàn theo hướng tinh gọn. Các Hạt quản lý sẽ phải quản lý nhiều đường hơn, từ 80 - 90 km thay vì 40 km như trước kia. Cùng với đó là khoán mục tiêu chất lượng tới từng công nhân, những việc lớn đã được cơ giới hóa bằng việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại như máy quét, rửa đường, máy xúc, máy đào rãnh... nên đã thay đổi rõ rệt về hiệu quả công việc.