Đắk Lắk: Thiếu vốn duy tu, bảo dưỡng, nhiều công trình giao thông xuống cấp

Thứ ba, 17/05/2016 08:02
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hàng loạt tuyến đường bị xuống cấp trầm trọng, trong khi kinh phí phân bổ hằng năm cho công tác duy tu, bảo dưỡng lại rất ít ỏi, không đáp ứng nhu cầu.

Hệ thống giao thông đường bộ của Đắk Lắk có tổng chiều dài  gần 10.400 km. Trong đó, Quốc lộ 6 tuyến, hơn 600 km; Tỉnh lộ 12 tuyến, 351 km; đường đô thị, 751 km; đường huyện 71 tuyến, hơn  1.400 km; đường xã 760 tuyến, dài trên 3.220 km và đường thôn buôn gần 4.100 km. Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện đã bị xuống cấp trầm trọng, gây khó khăn cho người dân trong việc đi lại, giao thương và ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của họ. Đơn cử như Tỉnh lộ 1 có chiều dài 72 km, nối TP. Buôn Ma Thuột - Ea Súp, trong đó có 5 km đã bàn giao cho thành phố để đầu tư mở rộng, nâng cấp, còn lại 67 km mặt đường được bê tông nhựa từ những năm 1998 – 2000, một số đoạn bị hư hỏng nặng, nhất là đoạn từ Km53 - Km67. Đây là tuyến đường huyết mạch nối trung tâm thành phố với các xã vùng biên giới, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế - quốc phòng, song do xuống cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên tuyến.

Tương tự, Tỉnh lộ 9 dài 27 km, nối thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) và xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) là tuyến đường được cải tạo, nâng cấp từ những năm 2001 - 2003 và 2003 - 2005, mặt đường hẹp, 2 bên đường lại không có hệ thống thoát nước khiến mỗi lần mùa mưa đến nhiều đoạn biến thành ao, gây nhiều bức xúc cho người dân. Sở GTVT cho biết, theo quy định về công tác bảo trì thì Tỉnh lộ 9 đã hết hạn và cần được nâng cấp, cải tạo, nhưng do khó khăn về vốn nên chưa được đầu tư kịp thời. Trước tình hình đó, năm 2014, tỉnh đã có chủ trương cho phép đầu tư mở mới tuyến đường này (tại văn bản số 2694/UBND-CN), theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình UBND tỉnh về dự kiến kế hoạch đầu tư làm mới công trình theo hình thức trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, với tổng mức vốn khoảng 250 tỷ đồng, nhưng do chưa có vốn nên dự án chưa được triển khai.

Sau 1 cơn mưa, tỉnh lộ 9 ngập tràn nước.

Sau 1 cơn mưa, tỉnh lộ 9 ngập tràn nước

Cũng như các tỉnh lộ, một số tuyến đường liên huyện, xã, đường xã trong tỉnh cũng bị xuống cấp trầm trọng. Đơn cử như đường liên huyện Ea H’leo – Ea Súp, dài hơn 46 km, kết nối các xã Ea Ral, Cư Mốt, Ea Wy (huyện Ea H’leo) đến các xã Ea Lê, Ea Rốc, Cư Kbang (huyện Ea Súp) chỉ có khoảng 13 km (đoạn từ Km0 - Km9+400 và Km43+100 - Km46) mặt đường được bê tông nhựa nóng 2 lớp bảo đảm cho các phuơng tiện giao thông lưu thông an toàn, hơn 30 km còn lại nền đuờng bị hư hỏng nặng, rãnh dọc bị lấp… hằng ngày phải “gánh” lượng xe tải lưu thông trên tuyến rất nhiều nên đường ngày càng xuống cấp.

Vốn nhỏ, nhu cầu lớn

Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, số kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm phân bổ cho các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh rất thấp, không đáp ứng nhu cầu sửa chữa. Cụ thể, 5 năm (2011 - 2015), Đắk Lắk được phân bổ khoảng 200 tỷ đồng để bảo trì các tuyến quốc lộ, hơn 100 tỷ đồng cho 12 tuyến tỉnh lộ. Như vậy, kinh phí bảo trì các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh 5 năm chỉ đáp ứng khoảng 24%, tỉnh lộ 27% nhu cầu vốn. Riêng năm 2016, UBND tỉnh đã phân khai 44,4 tỷ đồng từ nguồn thu phí mô tô và Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương cho công tác duy tu bảo dưỡng các tuyến đường và một số công tác khác. Trong đó, gần 4,5 tỷ đồng thực hiện: quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; bồi dưỡng nghiệp vụ duy tu sửa chữa cầu treo dân sinh cho cán bộ cấp huyện; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các điểm đấu nối vào các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; chi cho hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53…, còn lại chưa đến 40 tỷ đồng dùng cho sửa chữa định kỳ gần 300 km đường, chủ yếu các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến liên huyện; so với nhu cầu nâng cấp, sửa chữa chẳng thấm vào đâu, đặc biệt là đối với các tuyến bị hư hỏng nặng như Tỉnh lộ 9, Tỉnh lộ 1, đường Liên huyện Ea H’leo – Ea Súp.

Sở GTVT cho biết, trong khi chờ vốn để triển khai dự án Tỉnh lộ 9, với kinh phí 2,4 tỷ đồng từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ được tỉnh phân bổ, sở sẽ triển khai thi công sửa chữa tuyến này trong quý II – 2016 để người dân đi lại thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài cũng phải chờ vốn làm mới. Còn đối với đường liên huyện Ea H’leo - Ea Súp, kinh phí phân bổ cho công tác sửa chữa định kỳ năm 2016 cho gần 16 km (đoạn từ km9+400 – km25) là 600 triệu đồng cũng chỉ đủ để sửa chữa cục bộ nền, mặt đường…

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Công Du, Trưởng Phòng giao thông (Sở GTVT) cho biết, hằng năm, nhu cầu vốn sửa chữa các tuyến đường xuống cấp trên địa bàn tỉnh rất lớn, nhưng do nguồn vốn Trung ương và địa phương còn hạn chế nên chỉ đáp ứng được một phần để bảo đảm giao thông trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ hư hỏng ít; không đủ để chống xuống cấp một số tuyến trọng yếu bị hư hỏng nặng như Quốc lộ 29 và các tuyến tỉnh lộ: 1, 3, 9, 12, đặc biệt là đường huyện, xã hầu hết đều không có vốn để quản lý, bảo trì hằng năm sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác.

bichtt

Nguồn: Báo Đắk Lắk

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)