Những năm qua, được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương và huy động được nhiều nguồn lực khác nhau nên hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được đầu tư tương đối đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng thì công tác quản lý bảo trì có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo các tuyến đường được thông thoáng, êm thuận và an toàn.
Thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng, bền vững, thân thiện với môi trường, giảm chỉ tiêu sử dụng nhiên liệu năng lượng và có chi phí hợp lý, những năm qua Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh đã áp dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu trong công tác bảo trì các công trình cầu, đường bộ, trong đó có vật liệu Carboncor Asphalt.
Để đánh giá toàn diện trên các góc độ kinh tế, kỹ thuật, môi trường và giúp các cán bộ trong ngành giao thông vận tải của tỉnh có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về vật liệu Carboncor Asphalt, Phòng Quản lý giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh) nghiên cứu đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu, ứng dụng vật liệu các Carboncor Asphalt để bảo trì đường đường bộ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh”.
Quá trình thi công thử nghiệm, thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu về cường độ mặt đường sau khi đưa vào sử dụng; phân tích đánh giá ưu điểm, nhược điểm và kiến nghị phạm vi áp dụng của vật liệu Carboncor Asphalt.
Đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ của tỉnh Hà Tĩnh đánh giá đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và áp dụng có hiệu quả cao trong công tác quản lý bảo trì đường bộ đạt hiệu quả cao; được cấp giấy chứng nhận tại Văn bản số 134/GXN-SKHCN ngày 7/3/2016 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh.
Đây là kết quả bước đầu trong công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới Phòng Quản lý giao thông với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục nghiên cứu để đổi mới toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì, góp phần phát huy cao nhất hiệu quả nguồn vốn bảo trì đường bộ.