Trong 6 tháng cuối năm Cục sẽ tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, công tác hành lang và an toàn giao thông.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo tại Hội nghị.
Sáng 14/7, Cục QLĐB I tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Văn Sơn cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2016 ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, Cục QLĐB I đã tập trung thực hiện một số nhiệm vụ nổi bật đó là tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác kiểm soát tải trọng xe; tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình sửa chữa định kỳ trong kế hoạch năm 2016 đảm bảo thi công xong trước ngày 30/6/2016 theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN; chỉ đạo siết chặt quản lý chất lượng công tác bảo trì đường bộ; xây dựng Kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2017; tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan của địa phương trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến, đoạn tuyến được giao quản lý, các tuyến do các Sở GTVT quản lý ủy thác và các đoạn tuyến do các nhà đầu tư đang quản lý khai thác theo hợp đồng BOT. Tập thể các cơ quan, đơn vị trong toàn Cục đã kịp thời bắt nhịp với sự đổi mới chỉ đạo điều hành trong công tác quản lý và bảo trì đường bộ của Tổng cục ĐBVN trong thời gian xây dựng và thực hiện kế hoạch đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực công tác.
Năm 2016, Cục QLĐB I được Tổng cục ĐBVN giao trực tiếp quản lý 17 tuyến quốc lộ với tổng kinh phí QL,BDTX được giao là 107,79 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN về việc phê duyệt giá sản phẩm công ích công tác quản lý, BDTX hệ thống quốc lộ đấu thầu 3 năm 2015-2017; trong đó “Tổng cục ĐBVN ủy quyền cho các Cục QLĐB phê duyệt dự toán đối với phần dự toán tạm duyệt năm 2016, 2017 trong các Hợp đồng BDTX đấu thầu 3 năm 2015-2017. Đến hết Quý II/2016 Cục đã phê duyệt xong hồ sơ giá dự toán năm 2016 của các gói thầu, đảm bảo đủ điều kiện nghiệm thu thanh toán cho các nhà thầu theo quy định.
Về công tác Sửa chữa định kỳ, năm 2016, Cục được giao chủ đầu tư tổng số 123 công trình với Tổng giá trị được phê duyệt 598,74 tỷ đồng, đến thời điểm báo cáo đã tổ chức thi công xong được 102 công trình các loại với giá trị khối lượng công trình hoàn thành là 466,49 tỷ đồng đạt tỷ lệ 77,9 % giá trị được phê duyệt. Đặc biệt đối với các công trình trong kế hoạch sửa chữa định kỳ năm 2016 được Bộ GTVT phê tính đến thời điểm báo cáo Cục đã chỉ đạo thi công hoàn thành 67/72 công trình với giá trị khối lượng công trình hoàn thành đạt 267,54/323,08 tỷ đồng được phê duyệt đạt tỷ lệ 83% kế hoạch được duyệt. Cục đã lập xong kế hoạch sửa chữa định kỳ năm 2017 trình Tổng cục ĐBVN, Bộ GTVT phê duyệt.
Cục đã xử lý được 16 điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT; đã điều chỉnh, bổ sung, thay thế 428/15.315 biển báo hiện có; sơn lại 43.362/622.310m2 sơn kẻ đường; sửa chữa, thay thế 10.612/433.220md hộ lan tôn sóng; sửa chữa tổng số 49,4km đường với diệm tích trên 736 nghìn m2; xây mới 19.323md rãnh dọc các loại.
Xác định công tác phòng chống lụt bão, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm và xuyên suốt, vì vậy ngay từ đầu năm Cục đã chỉ đạo các đơn vị trực tiếp quản lý đường, các Chi cục Quản lý đường bộ thực hiện tốt công tác chuẩn bị trước mùa mưa bão như kiểm tra tình trạng cầu đường, xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Ngay từ đầu mùa mưa bão năm 2016, Cục đã xử lý đất sụt tràn mặt đường 63.000m3 đất đá; làm xói lở nền, lề đường, rãnh dọc trên 2.400m3; sạt ta luy, nền đường phải khắc phục bằng 343 rọ đá.
Tình hình tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ thuộc địa bàn Cục quản lý đã giảm rõ rệt, thể hiện qua số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương giảm đều theo từng năm. Cụ thể TNGT trong 6 tháng đầu năm 2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 trên cả 3 tiêu chí, trong đó số vụ TNGT 314 vụ, giảm 36 vụ (giảm 11,5%); số người chết 68 người, giảm 9 người (giảm 13,2%), số người bị thương 168 người, giảm 9 người (giảm 5,4%). Một trong những nguyên nhân góp phần giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí nêu trên là do hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ được cải thiện đáng kể, nhiều tuyến quốc lộ do Cục quản lý được Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN cho xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông, sửa chữa mặt đường đảm bảo êm thuận, hệ thống báo hiệu trên các tuyến quốc lộ được bổ sung, điều chỉnh kịp thời phù hợp với thực tế. Song song với việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa hệ thống quốc lộ là sự quan tâm, phối hợp của các cơ quan, chính quyền địa phương các cấp trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, phối hợp kiểm tra, rà soát, thống nhất xử lý các bất cập về tổ chức giao thông ở một số tuyến quốc lộ.
Về tình hình vi phạm hành lang An toàn đường bộ, trong 6 tháng đầu năm, trên các tuyến quốc lộ Cục quản lý đã xảy ra 341 vụ vi phạm HLĐB, trong đó đã được xử lý 279 vụ, chưa được xử lý lũy kế đến thời điểm báo cáo là 94 vụ. Hình thức vi phạm chủ yếu là các vi phạm liên quan đến san lấp mặt bằng, đấu nối đường ngang trái phép, xây dựng công trình trong hành lang đường bộ. Đối với các tuyến quốc lộ ủy thác cho các Sở GTVT quản lý, trong 6 tháng đầu năm tổng số vụ vi phạm HLĐB là 128 vụ, trong đó đã được xử lý 83 vụ, chưa được xử lý lũy kế đến thời điểm báo cáo 39 vụ.
Ông Trần Văn Sơn, Cục trưởng Cục QLĐB I báo cáo tại Hội nghị.
Cục đã tổ chức các đội Thanh tra tổ chức kiểm tra xử lý chủ yếu trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận đều là các địa bàn nóng về tình trạng xe quá tải, sự hoạt động của xe quá tải có tổ chức, chủ doanh nghiệp và chủ phương tiện có xe vi phạm chưa thực hiện tốt các quy định, chống đối bằng nhiều hình thức; tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục ĐBVN, sự giúp đỡ của các cơ quan hữu quan của trung ương và địa phương, sự vào cuộc của các cơ quan báo đài, sự ủng hộ của nhân dân và sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ của các tổ KSTTX của Cục đã thực hiện xử lý nghiêm các xe vi phạm tải trọng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận làm giảm rõ rệt tình trạng xe quá tải tại các địa phương trên.
Trong 6 tháng đầu năm 2016 các lực lượng chức năng của Cục đã kiểm tra và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính 1.098 quyết định về các hành vi vi phạm hành lang an toàn đường bộ, vi phạm về thi công trên đường bộ, vi phạm tải trọng phương tiện và tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe tải tự đổ. Tổng số tiền xử phạt là 13,122 tỷ đồng (trong đó xử phạt hành vi vi phạm hành lang đường bộ và thi công trên đường bộ là 292 trường hợp với số tiền xử phạt 1,923 tỷ; vi phạm về phương tiện giao thông là 806 trường hợp với số tiền xử phạt 11,199 tỷ đồng); Đối tượng vi phạm đã nộp kho bạc 5,1 tỷ đồng.
Cục đã tổ chức thẩm tra phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành được 91 công trình do các Sở GTVT làm chủ đầu tư theo ủy quyền của Tổng cục ĐBVN. Đối với các công trình do Cục làm chủ đầu tư đến thời điểm báo cáo đã được Tổng cục ĐBVN phê duyệt quyết toán 40 công trình hoàn thành, đang trình phê duyệt 41 công trình, đang kiểm toán 43 công trình; Đã kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống tài sản là các nhà Hạt QLĐB, trụ sở văn phòng Chi cục QLĐB trên các tuyến Quốc lộ để báo cáo Tổng cục ĐBVN có phương án xử lý; đã tổ chức tiếp nhận và thanh lý một số tài sản theo chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN; tiếp tục cập nhập giá trị các dự án giao thông mới tiếp nhận bàn giao vào hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản hạ tầng đường bộ.
Công tác quản lý vận tải và phương tiện người lái cũng đạt kết quả cao, trong 6 tháng đầu năm Cục đã xuất cho 25 Sở giao thông vận tải phía Bắc 875.000 Phôi GPLX, đến thời điểm 30/6 trong kho không còn tồn phôi.
Về thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đường địa phương, đường Ủy thác, đường BOT, Cục quyết liệt chỉ đạo các Chi cục Quản lý đường bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và có các biện pháp cảnh báo, nhắc nhở kịp thời đối với những bất cập về tổ chức giao thông, những vị trí hư hỏng cầu đường tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ ủy thác. Cục đã thực hiện đầy đủ các thống kê báo cáo hàng tháng của các Sở GTVT nhận ủy thác quốc lộ về số liệu vi phạm hành lang an toàn đường bộ, số liệu kiểm soát tải trọng xe và các báo cáo đột xuất khác.
Đối với các tuyến đường đầu tư xây dựng theo hình thức BOT, Cục thực hiện việc cấp giấy phép hoặc thỏa thuận thi công, thanh tra kiểm tra việc tuân thủ giấy phép, công tác đảm bảo giao thông và an toàn giao thông đối với các Dự án BOT; thường xuyên đôn đốc các nhà đầu tư BOT báo cáo thông tin về cầu, đường các tuyến quốc lộ BOT đang khai thác và thu phí để tổng hợp báo cáo Tổng cục ĐBVN; triển khai kiểm tra việc tuân thủ qui định về quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, về ATGT một số đoạn tuyến BOT, cử lực lượng công chức Thanh tra của Cục tham gia phân luồng điều tiết giao thông và làm việc với nhà đầu tư BOT yêu cầu mở trạm thu phí khi sự cố ách tắc giao thông xảy ra tại các trạm thu phí trên tuyến QL.1 đoạn Hà Nội-Lạng Sơn; Pháp Vân- Cầu Giẽ.
Tính đến ngày 30/6/2016 đã cơ bản hoàn thành trên 80% giá trị khối lượng các dự án sửa chữa định kỳ năm 2016, tuy chưa hoàn thành 100% như chỉ đạo của Tổng cục ĐBVN nhưng các công trình chậm tiến độ tính đến 30/6 (5 công trình) đều do các lý do khách quan phát sinh từ thực tế triển khai như vướng mặt bằng thi công, phải tổ chức đấu thầu lại do năng lực nhà thầu đấu lần đầu không đáp ứng các quy định.
Ngoài ra, các công tác Thanh tra chuyên ngành, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, công tác Tổ chức- Hành chính, công tác Tài chính… cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các đại biểu tham gia Hội nghị.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2016, trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm; trong 6 tháng cuối năm toàn Cục sẽ tập trung quyết liệt thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, công tác hành lang và an toàn giao thông; công tác tài chính, kiểm soát tải trọng xe; Thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đường địa phương, đường Ủy thác, đường BOT.
Cụ thể, tập trung công tác hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các Chi cục QLĐB và các Nhà thầu thực hiện nghiêm túc công tác QL, BDTX đường bộ theo nội dung Hợp đồng đấu thầu (đặt hàng) với Cục QLĐB I, đặc biệt công tác thống kê, bổ sung, cập nhật số liệu và tình trạng kỹ thuật cầu đường (đặc biệt là các cầu). Tổ chức đấu thầu công tác QL, BDTX QL.10 đoạn km6+500-Km141+760 theo kế hoạch đấu thầu được Tổng cục ĐBVN phê duyệt.
Chỉ đạo các đơn vị liên quan quyết liệt thi công hoàn thành các công trình SCĐK đã được Tổng cục ĐBVN phê duyệt trong KH2016, triển khai lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công xong các công trình mới cho phép đầu tư ngay trong năm 2016; tổ chức triển khai kế hoạch SCĐB năm 2017 với mục tiêu phải trình phê duyệt hoặc phê duyệt xong toàn bộ các công trình trong năm 2016, tổ chức lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công ngay trong năm 2016 tối thiểu 30% các công trình trong KH2017.
Chỉ đạo các Chi cục QLĐB, các nhà thầu QL, BDTX, các đơn vị liên quan nêu cao tinh thần sẵn sàng ứng phó, đảm bảo giao thông trên các tuyến QL trực tiếp quản lý; sẵn sàng lực lượng, phương tiện, thiết bị, vật tư để kịp thời phối hợp với các địa phương trong công tác PCLB, ĐBGT trên các tuyến đường do địa phương quản lý.
Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ giai đoạn 2014-2020 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Tổng cục ĐBVN. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lực lượng tích cực kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ.
Tiếp tục thực hiện chủ trương chung của Bộ giao thông vận tải ‘‘giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải’’Cục tập trung chỉ đạo kịp thời các bất cập về tổ chức giao thông; phát hiện và xử lý ngay những vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đảm bảo cầu đường êm thuận, biển báo rõ ràng phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.
Quản lý tốt các nguồn vốn được giao, giải ngân kịp thời đối với các công trình đã được nghiệm thu hoàn thành; tiếp tục trình Tổng cục ĐBVN thẩm tra phê duyệt quyết toán các công trình hoàn thành do Cục làm chủ đầu tư; thực hiện thẩm tra phê duyệt quyết toán các công trình hoàn thành do các Sở GTVT làm chủ đầu tư theo ủy quyền của Tổng cục ĐBVN.
Thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bảo trì đường bộ của các dự án BOT, thanh tra công tác quản lý, bảo trì đường bộ các quốc lộ ủy thác cho Sở GTVT theo kế hoạch thanh kiểm tra được Tổng cục ĐBVN phê duyệt.
Ông Trần Văn Sơn cho biết: Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và liên tục của ngành đường bộ nói chung và Cục QLĐBI nói riêng, vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2016 Cục tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các Chi cục Quản lý đường bộ tăng cường giám sát công tác kiểm tra tải trọng xe của các địa phương; phối hợp với các địa phương thu thập thông tin về công tác kiểm tra tải trọng xe; tiếp tục duy trì các đội kiểm tra tải trọng xe lưu động của Cục để tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất trên các tuyến quốc lộ Cục được giao trực tiếp quản lý theo chương trình kế hoạch đã được phê duyệt và theo sự chỉ đạo đột xuất của Bộ GTVT, Tổng cục ĐBVN, phấn đấu góp phần hoàn thành mục tiêu không còn xe quá tải.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Xuân Cường ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Cục đã đạt đực trong thời gian qua.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Tổng cục trưởng yêu cầu Cục phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước trong tất cả lĩnh vực. Trong đó, cần làm tốt việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bởi đây là một trong những lĩnh vực còn nhiều bất cập và là nhiệm vụ chưa hoàn thành của Cục. Phó Tổng cục trưởng yêu cầu lãnh đạo Cục phải xem xét lại những văn bản góp ý kiến trong thời gian qua mà Cục chưa chủ động tích cực trong đóng góp ý kiến giải quyết các vấn đề, nhiều văn bản đóng góp ý kiến còn chậm giải quyết gây bức xúc trong dư luận.
Về quốc lộ ủy thác, BOT, BT, do hệ thống quốc lộ mà Cục quản lý trải rộng trên nhiều địa bàn lại gần thủ đô nên Phó Tổng cục trưởng yêu cầu Cục phải có phương pháp làm việc khoa học nếu không sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
"Một khi đã tổ chức đã tổ chức thanh tra, kiểm tra phải chỉ ra sai phạm vậy thì vấn đề đặt ra là trình độ của những người quản lý phải thế nào để địa phương họ tâm phục khẩu phục và khi phát hiện sai phạm phải có văn bản nhắc nhở, xử lý để hoàn thành nhiệm vụ đây là cả một vấn đề nên đề nghị các đồng chí phải hoàn thiện mình hơn nữa để làm tốt công tác thanh tra kiểm tra", ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, một điểm liên quan đến quản lý nhà nước nữa cũng rất nóng đó là vấn đề cấp giấy phép, đối với doanh nghiệp nếu làm không nhanh doanh nghiệp sẽ có ý kiến mà hiện nay Chính phủ đang cố gắng làm hài lòng người dân nên vấn đề này không thể chậm trễ, mặt khác việc cấp phép công trình thiết yếu, đấu nối cũng đòi hỏi phải nhanh, để đáp ứng được yêu cầu Cục phải phải phân công người có tinh thần trách nhiệm cao phụ trách.
Công tác quản lý bảo trì là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với vai trò là chủ đầu tư, Cục phải quản tâm đến chất lượng công trình, chất lượng hồ sơ, chất lượng tiến độ… trong đó chất lượng hồ sơ rất quan trọng nếu hồ sơ không tốt sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Mặt khác, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông thì công tác sửa chữa thường xuyên, bảo trì đường bộ, phải được kiểm tra thường xuyên phát hiện các hư hỏng để kịp thời sửa chữa.
Công tác kiểm soát tải trọng xe là việc vô cùng khó khăn, phức tạp, trong thời gian tới Cục cần tiếp tục kiên trì và phối hợp chặt chẽ với truyền thông để tạo sức ép lớn từ dư luận nhằm đạt được hiệu quả cao nhất.
Quản lý hành lang đường bộ là vấn đề hết sức phức tạp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN yêu cầu lãnh đạo cục trực tiếp xuống tận địa phương có điểm nóng về vi phạm để trực tiếp xử lý. Ngoài ra, trong 6 tháng cuối phải thống kê hết các vị trí đấu nối trái phép và xử lý từng bước, nhất là các vị trí đấu nối của cây xăng liên quan đến các doanh nghiệp nên chắc chắn sẽ dễ dàng xử lý, yêu cầu Cục quyết liệt xử lý các vi phạm trong 6 tháng cuối năm.
Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN yêu cầu Cục cần phải phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các Chi cục QLĐB, giao Chi cục quản lý, giám sát các dự án, Cục tiến hành hậu kiểm nhằm phát huy vai trò của các Chi cục trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ.