Sau gần 4 năm hoạt động (từ 2013 đến 2016), nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) TW cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn cả nước đã phát huy hiệu quả.
Tại Bến Tre, nguồn kinh phí do Quỹ BTĐB TW cấp ngày càng được tăng lên đáng kể, đến nay đã nhận hơn 254 tỷ đồng từ Quỹ BTĐB TW, qua đó giúp các địa phương sửa chữa, nâng cấp hàng trăm km đường từ quốc lộ đến lộ giao thông nông thôn.
Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ của Bến Tre ngoài hai tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 126,5km, hệ thống đường địa phương của tỉnh có 5.400km, bao gồm đường đô thị, đường tỉnh, đường huyện, đường xã và đường giao thông nông thôn. Trong đó, Sở Giao thông vận tải trực tiếp quản lý và bảo trì hệ thống quốc lộ ủy thác, hệ thống đường tỉnh và 135,4km đường huyện trọng yếu.
Từ nguồn quỹ thu phí xe hai bánh, năm 2015, đường vào trung tâm xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm được mở rộng lên 4m giúp người dân đi lại, giao thương dễ dàng hơn.
Nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo trì qua các giai đoạn cụ thể như sau: 65% Quỹ BTĐB TW cho quốc lộ ủy thác (tỉnh nào có khả năng quản lý quốc lộ thì được Bộ Giao thông vận tải ủy thác), đối với Bến Tre là 28,5 tỷ đồng năm 2013, năm 2014 và 2015 tăng lên 37,4 tỷ đồng và năm 2016 là 33,7 tỷ đồng; 35% Quỹ cấp cho đường địa phương, liên tiếp trong 3 năm tỉnh nhận hơn 19 tỷ đồng/năm, đến năm 2016 nguồn quỹ được cấp tăng vọt lên 35,6 tỷ đồng; với phí xe hai bánh, năm 2013 tỉnh có 12,6 tỷ đồng, năm 2014 sụt giảm còn 7,3 tỷ đồng, đến năm 2015 là 3,4 tỷ đồng, năm 2016 thu phí xe hai bánh được Chính phủ bãi bỏ.
Đối với hệ thống quốc lộ ủy thác, thời gian qua, ngành giao thông vận tải Bến Tre đã thảm lại mặt đường bằng bê-tông nhựa 5.830m2, láng nhựa hơn 240km mặt đường từ nguồn quỹ. Trong đó, đặc biệt là tuyến quốc lộ 57 đã sửa chữa đoạn từ cầu Ván đến cuối tuyến (thuộc xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú) dài 11,6km từ đường đá dăm thành mặt đường láng nhựa, đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng, chiều rộng mặt đường khai thác 7,5m với kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến. Đồng thời, bổ sung, cải tạo hệ thống thoát nước, thay thế hơn 1 ngàn cọc tiêu và hàng trăm mét dài hộ lan mềm.
Từ kinh phí 35% Quỹ BTĐB TW hỗ trợ tỉnh, trong 4 năm, tổng kinh phí tỉnh đã nhận được là hơn 72,7 tỷ đồng được sử dụng thực hiện 11 công trình. Chủ yếu là sửa chữa, tăng cường kết cấu mặt đường hệ thống đường tỉnh đạt 22,4km, sửa chữa hệ thống đường huyện đạt hơn 8km. Trong đó, địa bàn huyện Giồng Trôm có 5 công trình được hưởng nhờ từ nguồn quỹ này để hoàn chỉnh hệ thống giao thông. Cụ thể: gia cố lề, thảm lại nhựa nóng trên đường tỉnh 885, đường tỉnh 887, sửa chữa tiếp một đoạn đường tỉnh 885, đồng thời năm 2016 đang tiếp tục thực hiện sửa chữa đường tỉnh 885 đoạn từ Đồng Gò đến Lương Quới, sửa chữa ĐH.30 thuộc huyện Giồng Trôm, dự kiến đến tháng 12 sẽ hoàn thành.
Từ năm 2015, tuyến đường tỉnh 885 từ cầu Chẹt Sậy đến Đồng Gò đã trở nên thông thoáng hơn rất nhiều so với trước. Mặt đường được nâng cấp, mở rộng từ 6m lên 9m. Cô Trương Thị Muội, chủ một tiệm uốn tóc tọa lạc trên tuyến đường 885, đoạn qua chợ xã Mỹ Thạnh phấn khởi nói: “Con đường này xe chạy rầm rập suốt ngày đêm, giờ được mở rộng, thông thoáng nên ít xảy ra tai nạn, đường sá thuận tiện công việc buôn bán của người dân có phần khấm khá hơn”. “Các công trình đã đem lại nhiều lợi ích cho sự đi lại của người dân và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Giồng Trôm, nhất là trục đường chính đường tỉnh 885 qua địa bàn huyện ngày càng được hoàn chỉnh”, ông Phạm Tấn Lễ - Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm bày tỏ.
Bên cạnh đó, Quỹ BTĐB Bến Tre còn phân chia cho các huyện và TP. Bến Tre từ nguồn thu phí xe 2 - 3 bánh trong giai đoạn 2013 - 2015 để duy tu bảo dưỡng đường xã và xây dựng giao thông nông thôn là 13,7 tỷ đồng. Ghi nhận tại xã Châu Hòa, từ nguồn quỹ được chuyển về xã đã hoàn thành nâng cấp mặt đường từ 3m lên 4m cho trục đường chính dẫn vào trung tâm xã (từ xã Lương Quới đến chợ Châu Phú) dài 2,8km với số tiền 2,7 tỷ đồng. Bà Hà Thị Tiền - Phó chủ tịch UBND xã Châu Hòa cho biết: Việc nâng cấp, mở rộng hai bên tuyến đường giúp cho xe có tải trọng lớn có thể về đến xã dễ dàng, vận chuyển hàng hóa, việc đi lại của người dân trở nên thuận tiện hơn. Đồng thời góp phần cho Châu Hòa hoàn thành 85% tiêu chí giao thông trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, Châu Hòa đã đạt 14/19 tiêu chí, đang cố gắng đến năm 2017 được công nhận xã nông thôn mới.
Nhờ nguồn vốn hơn 63 tỷ đồng mỗi năm từ Quỹ BTĐB, Bến Tre đã thực hiện trùng tu, đại tu nhiều công trình “đến tuổi”, phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với ý nghĩa đó, Quỹ BTĐB Bến Tre cũng kiến nghị Quỹ BTĐB Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh nhà, góp phần cho địa phương có nguồn kinh phí thực hiện công tác BTĐB. Thu phí đường bộ đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ phương tiện tham gia giao thông. Qua đó, đóng góp vào nguồn quỹ nhằm thực hiện BTĐB, duy trì độ bền, đảm bảo an toàn giao thông nhiều tuyến đường sau thời gian dài sử dụng.