Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay được nghỉ đến 4 ngày, tranh thủ cơ hội trên các loại xe tải, xe ben vận chuyển vật liệu san lấp, xây dựng như: Đất, đá, cát... nối đuôi nhau chạy từ tuyến Quốc lộ (QL) 14B (huyện Đại Lộc, Quảng Nam) về địa bàn TP Đà Nẵng, làm rơi vãi vật liệu gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người và phương tiện khác tham gia giao thông. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các xe tải, xe ben không cơi nới thùng xe thì cũng “có ngọn”, nhưng không thấy bóng dáng lực lượng chức năng nào tuần tra, kiểm soát...
Xe vận tải “có ngọn” tranh nhau chạy trên các tuyến QL 14B
Theo quan sát của chúng tôi, trong các ngày 30/4 và mùng 1/5 này, trên những tuyến đường nội thị của Đà Nẵng, lượng xe vận chuyển đất, đá, cát ít hơn; nhưng tuyến đường QL 14B về xuôi về huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) diễn ra tấp nập so với ngày thường.
Các xe tải dán những logo quen thuộc dễ bắt gặp trên đường như: Thế Quyền, TCP, ĐH, TĐ, BN, Hoàng Ân, Mạnh Trang, TĐ, BN, Nguyên An Hòa, Túc, Thành Đạt, Đạt Phú, Văn Thể… Ngoài việc chủ phương tiện vận tải tranh thủ tăng lưu lượng xe đột biến, hầu như các xe đều tăng tải trong, nếu xe không cơi nới thùng thì cũng “có ngọn”.
Xe vận tải “có ngọn” tranh nhau chạy trên các tuyến QL 14B
Nhiều hộ dân sống dọc tuyến đường QL 14B địa bàn xã Hòa Khương (Hòa Vang) phản ánh, xe vận chuyển cát, đất đá chạy liên tục từ nhiều tháng nay, có những xe bốc đất, đá hộc cao hơn thùng xe, lắm khi xe đang chạy một số viên đá hộc lắc lư rồi bất ngờ bắn tung xuống đường gây nguy hiểm cho người đi đường. Thời gian xe tải hoạt động bắt đầu chạy từ 4 giờ sáng đến sau 22 giờ đêm, nhưng không có đơn vị nào tưới đường, thành ra các hộ dân sống ven đường đều hứng bụi bặm triền miên.
Thấy chúng tôi ghi hình, một tài xế xe tải tưởng là lực lượng chức năng đi kiểm tra đột xuất nên dựng lại tấm logo phía trước ca bin bị ngã, hàm ý cho chúng tôi biết là xe này đã “đăng ký” rồi. Rất nhiều xe ben, xe tải trọng có kích cỡ thùng lớn đều vượt tải trọng cho phép dù các ngành chức năng của TP đã áp dụng biện pháp cắt thùng cơi nới trước khi thực hiện đăng kiểm xe.
Một đơn vị vận chuyển đất, cát từ huyện Đại Lộc về Đà Nẵng thực lòng tâm sự: “Làm nghề xe vận chuyển vật liệu san lấp rất vất vả, bản thân tôi chỉ có 6 chiếc xe tải còn lại 4 xe là của người khác gửi vào nhờ gắn lo go của doanh nghiệp tôi để tiện hoạt động. Mỗi tháng, một đầu xe phải “làm luật” từ 1 - 2 triệu đồng, nếu không chở vượt tải thì có mà “ăn cám” hoặc phải bù lỗ tiền xăng dầu hay dừng hoạt động. Ấy vậy mà, nhiều lúc cũng bị lực lượng chức năng thổi phạt vi phạm hành chính vì vượt tải trọng, làm rơi vãi vật liệu xuống đường...
Xe ben 92C - 01799 chở đất quá tải trọng.
Nhiều khi đang lưu thông, các bác tài phát hiện có cảnh sát giao thông đặt chốt kiểm tra, thế là họ thông tin cho nhau và cùng tấp vào các quán ăn, cây xăng, đường bê tông “tạm trú”, đến khi rút chốt chặn mới đánh xe ra đường lộ tung hoành...
Xe vượt tải trọng tải lớn nối đuôi nhau ‘tạm trú” trong đường bê tông nhằm trốn tránh lực lượng kiểm tra
Được biết, trong mỗi giấy phép khai thác mỏ đất, cát được cấp đều quy định: “Chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển cát, đất, đá từ 6h giờ đến 18 giờ hàng ngày (tháng 1 - 9 hằng năm); từ tháng 10 - 12 mỗi năm, khai thác, vận chuyển từ 6h đến 17h hàng ngày”. Song, thực tế xe tải, xe ben chạy từ 4h sáng và đến hơn 22h đêm mỗi ngày.
Mới đây nhất, Sở Giao thông vận tải TP Đà Nẵng có văn bản đề nghị tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp vận tải và tài xế xe tải lưu thông từ đoạn Km18+200 đến Km22+000 (đường Trường Sơn). Trong đó, yêu cầu phổ biến việc hạn chế tốc độ tối đa 40km/h đối với xe tải đến các doanh nghiệp vận tải và các bác tài trên địa bàn quận, nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Nhiều xe tải gắn lo go “Thế Quyền” chở vượt tải trọng
Theo chúng tôi, lực lượng lực chức năng cần thường xuyên tuần tra, kiểm soát các phương tiện và đặc biệt là lắp đặt trạm cân tải trọng xe trên địa bàn xã Hòa Khương hoặc Hòa Nhơn. Có như vậy, mới giải quyết rốt ráo tình trạng xe quá tải đổ về TP Đà Nẵng.