Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai việc cân kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn phức tạp.
Lực lượng liên ngành Yên Bái kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 37
Với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, công tác kiểm soát xe quá tải trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng phương tiện chở quá tải, quá khổ đã giảm hẳn. Mặc dù vậy, mỗi khi “vắng bóng” lực lượng chức năng, xe quá tải lại có chiều hướng tăng lên.
Điều này cho thấy, ý thức của một bộ phận lái xe, chủ xe còn chưa cao, chưa nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng, “cuộc chiến” kiểm soát xe quá tải còn gian nan…
Yên Bái là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai việc cân kiểm tra tải trọng xe trên các tuyến đường. Từ đó đến nay, các giải pháp về kiểm soát tải trọng liên tục được triển khai. Ngoài tuyên truyền, ký cam kết với chủ xe, doanh nghiệp, các lực lượng chức năng trên địa bàn còn duy trì trạm cân tải trọng lưu động trên một số tuyến quốc lộ. Nhờ đó, tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải đã giảm; ý thức, nhận thức chấp hành quy định tải trọng của một bộ phận lái xe, chủ xe và doanh nghiệp được nâng lên.
Theo báo cáo của Trạm cân tải trọng số 4, từ ngày 10/3 đến 22/5/2017, Trạm đã kiểm tra 1.098 phương tiện, phát hiện 5 xe vi phạm, trong đó vi phạm về tải trọng thiết kế 3 xe và 2 vi phạm khác.
Theo đánh giá của ngành chức năng, tại những khu vực đặt trạm cân, các lái xe, chủ xe chấp hành rất nghiêm chỉnh quy định về tải trọng. Điều này lý giải vì sao trong hơn 2 tháng đặt trạm cân tại quốc lộ 32C, 37 thì tỷ lệ xe vi phạm rất ít.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, thời gian gần đây, các vi phạm về tải trọng xe có biểu hiện tái diễn phức tạp, nhất là các tuyến đường tỉnh, đường giao thông nông thôn và các tuyến đường gần khu vực công trường xây dựng, kho hàng hóa, mỏ vật liệu… gây bức xúc trong nhân dân, dư luận.
Trước diễn biến phức tạp của xe quá tải, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai nhiều giải pháp xử lý xe quá tải. Theo đó, ngoài việc duy trì Trạm cân tải trọng tại quốc lộ 32C, UBND tỉnh triển khai cấp 7 cân tải trọng xách tay cho ban ATGT các địa phương để triển khai công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng ở các địa phương đã tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về tải trọng.
Nhờ đó, hoạt động kiểm tra, kiểm soát tải trọng lưu động được triển khai liên tục, khép kín trên nhiều tuyến đường. Mặc dù vậy, quá trình kiểm tra, kiểm soát tải trọng lưu động cũng bộc lộ nhiều khó khăn do lái xe, chủ xe tìm mọi cách không hợp tác, kéo dài thời gian.
Tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi theo Tổ kiểm tra tải trọng lưu động của lực lượng thanh tra giao thông vận tải trên quốc lộ 2D (trước là đường Hoàng Thi). Sau ít phút, Tổ kiểm tra bắt gặp một xe tải 2 cầu biển kiểm soát (BKS) 21C-02920 đang ì ạch leo dốc. Tiếng máy, tiếng động cơ gằn lên liên tục.
Bằng biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ Tổ tuần tra ra hiệu lệnh cho phương tiện dừng và tiến hành các biện pháp kiểm tra. Theo quan sát, ngay khi dừng xe, lái xe liên tục gọi điện cho “người thân”.
Sau khi kiểm tra các giấy tờ liên quan, Tổ kiểm tra yêu cầu cho xe di chuyển về khu vực bằng phẳng để cân kiểm tra tải trọng. Mặc dù vậy, lái xe tìm mọi cách né trách, cầu cứu bằng cách gọi điện hoặc nổ máy nhưng không cho xe di chuyển.
Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm làm công tác về tải trọng, các cán bộ Tổ kiểm tra dần thuyết phục lái xe thực hiện việc cân kiểm tra tải trọng. Kết quả cân cho thấy, tổng tải trọng cả xe và hàng tại thời điểm cân lên tới 24.640 kg, trong khi tổng trọng lượng cho phép chỉ có 15.975 kg, trong đó, trọng lượng hàng cho phép 6.900 kg, vượt 8.665 kg, tương đương quá tải 125%.
Khi được hỏi về vấn đề chạy quá tải, lái xe Trần Quang Hải cho biết: “Bọn tôi chỉ là người làm thuê thôi. Chủ hàng bảo bao nhiêu thì chở từng đấy”. Theo ông Trần Hồng Kiên, cán bộ Thanh tra giao thông cho biết: “Như đối tượng này là còn hợp tác rồi đấy. Chứ nhiều trường hợp còn không mở cửa ngồi lì trên xe hoặc tắt máy bỏ đi không làm việc”.
Thực tế cho thấy, để qua mặt lực lượng chức năng, cánh lái xe hay lựa chọn những giờ nghỉ trưa, chiều hoặc tối để di chuyển. Do vậy, việc phát hiện những xe vi phạm gặp rất nhiều khó khăn và mất thời gian.
Tuy nhiên, để xử lý các xe vi phạm còn mất nhiều thời gian hơn. Nguyên nhân là do lái xe không chấp hành hiệu lệnh, chậm xuất trình giấy tờ, mỗi khi dừng xe đều tìm cách thoái thác, khóa cửa xe bỏ đi hoặc kéo dài thời gian để gọi trợ giúp cho “người thân”.
Trước những khó khăn này, để hạn chế và đi đến chấm dứt xe quá tải, các ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tải trọng tới lái xe, chủ xe, doanh nghiệp vận tải; tăng cường tuần tra, xử lý các vi phạm về tải trọng, cơi nới thành, thùng một cách liên tục, thường xuyên, nhất là vào khung giờ trưa, chiều và tối…