Dư luận gần đây đặc biệt quan tâm và lo ngại vốn bảo trì đường bộ chậm do phải đi đường vòng.
“Một đồng bảo trì bằng ba đồng làm mới”, đó là thực tế rất đáng lưu tâm.
Điều này xuất phát từ việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 60/2017 thay thế Thông tư liên bộ 230 hướng dẫn quản lý, sử dụng, thanh toán và quyết toán kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2017. Lâu nay, ai cũng hiểu, tiền của Quỹ Bảo trì thường được dùng vào những việc cấp bách, sửa chữa đường hư hỏng do xuống cấp, bão lụt, thiên tai, nên việc hòa quỹ vào ngân sách và giao theo kế hoạch theo dự toán sẽ gây không ít khó khăn cho công tác này.
Thời gian qua, chất lượng đường sá tại Việt Nam được nâng lên đáng kể, nhất là từ sau khi có Quỹ Bảo trì đường bộ. Hoạt động của quỹ được thông tin rộng rãi, bảo đảm công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của xã hội và người dân. Thực tế chứng minh, bảo trì đường bộ là việc cấp bách. Bão lũ, thiên tai có thể xảy đến bất ngờ, gây hỏng đường, sụt lún, cần được sửa chữa ngay thay vì phải chờ ngân sách cấp vốn, thủ tục rườm rà. Không ít người đặt câu hỏi, để luồng tiền quỹ đi lòng vòng có thực sự cần thiết không khi đặc thù của công tác bảo trì đường bộ là cần kịp thời, cấp bách?
Lúc cần tiền để bảo trì, khắc phục hư hỏng đường mà mất 5-6 tháng mới chi thì vô cùng khó khăn. Bài học nhãn tiền chính là việc nộp tiền xử phạt vi phạm giao thông vào ngân sách như hiện nay đang gây khó khăn cho công tác bảo đảm ATGT vì không giải quyết được những vấn đề cấp bách và động viên kịp thời những người trực tiếp tham gia công tác đảm bảo ATGT. Tất nhiên, không hoà quỹ vào ngân sách không có nghĩa là mặc sức chi, buông lỏng quản lý. Nguyên tắc chặt chẽ, công khai, minh bạch, tránh thất thoát tiền quỹ đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu thành lập.
Do vậy, tới đây, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hình thức quản lý vốn bảo trì để vừa minh bạch công tác thu chi vừa tạo được hiệu quả và đảm bảo tính kịp thời trong việc phân bổ vốn bảo trì, sửa chữa đường bộ. “Một đồng bảo trì bằng ba đồng làm mới”, đó là thực tế rất đáng lưu tâm. Nếu đường hỏng mà chậm chi để hỏng thêm, sẽ gây lãng phí lớn.