Trước tình trạng các phương tiện chở hàng quá tải có dấu hiệu tái diễn làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh Yên Bái đã có những chỉ đạo cụ thể, giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để xử lý.
Lực lượng liên ngành thực hiện cân kiểm tra tải trọng phương tiện
Theo lịch hẹn, 20 giờ, chúng tôi cùng tổ công tác của đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh di chuyển từ đường Nguyễn Tất Thành, qua thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình sau đó ngược Quốc lộ 2D về đầu cầu Văn Phú để "săn” xe quá tải. Trời bắt đầu mưa rả rích khiến hoạt động tuần tra, phát hiện các xe vi phạm gặp nhiều khó khăn. Lợi dụng tình hình này, nhiều xe tải chở hàng đi ngược chiều lao đi vun vút trong màn đêm bất chấp hiệu lệnh dừng xe của lực lượng chức năng.
Ông Đỗ Văn Nam - Phó Chánh Thanh tra giao thông vận tải, Sở GTVT Yên Bái cho biết: "Để qua mặt lực lượng chức năng, cánh lái xe hay lựa chọn những giờ nghỉ trưa, chiều hoặc tối để di chuyển. Nắm bắt được chiêu trò này nên tổ công tác thường xuyên tổ chức tuần tra vào buổi tối. Đêm đó, tổ công tác phân công làm 2 mũi thực hiện tuần tra lưu động, sau đó sẽ cắm chốt tại ngã tư đầu cầu Văn Phú”.
Sau gần 20 phút di chuyển, trời bắt đầu mưa nặng hạt, không khí trong xe mỗi lúc một nóng lên khi điện đàm của tổ công tác vang lên liên tục để thông báo tình hình giữa 2 mũi tuần tra. Khi cách điểm tập kết chừng 5 km, mũi tuần tra do ông Trần Xuân Quyết - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh chỉ huy đã phát hiện và dừng được 3 xe có dấu hiệu vi phạm về tải trọng. Ngay lập tức, chúng tôi tăng tốc di chuyển đến khu vực phát hiện xe vi phạm để thực hiện hỗ trợ cho việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Tại hiện trường, những chiếc xe tải cỡ lớn nằm án ngữ bên đường, các lái xe đã rời khỏi ca-bin, bỏ đi nơi khác hoặc ngồi trong xe gọi điện thoại "xin hỗ trợ từ người thân”.
Bằng thái độ cương quyết, mềm mỏng, sau khi kiểm tra những giấy tờ liên quan, tổ công tác yêu cầu các xe thực hiện kiểm tra tải trọng. Mặc dù vậy, lái xe tìm mọi cách né tránh, cầu cứu bằng cách gọi điện hoặc nổ máy nhưng không cho xe di chuyển. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác về tải trọng, các cán bộ tổ công tác dần thuyết phục lái xe thực hiện việc cân kiểm tra tải trọng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, xe đầu kéo biển kiểm soát (BKS) 20C-101.11 kéo theo rơ moóc BKS 20R-004.71 chở hàng vượt quá tải trọng của đường từ 20-50%; xe ô tô tải BKS 21C-026.98 chở hàng vượt quá tải trọng cho phép từ 100-150%; xe ô tô tải BKS 29C-731.51 chở hàng quá tải trọng cho phép 40%.
Qua ghi nhận, từ lúc dừng xe đến khi lập biên bản xong, lực lượng liên ngành phải mất gần 5 tiếng đồng hồ mới xử lý xong những phương tiện vi phạm này. Đến gần 24 giờ, trời mưa mỗi lúc một to, ông Trần Xuân Quyết ra lệnh cho tổ công tác tạm nghỉ, tiếp tục triển khai tuần tra vào hôm sau. Trên đường về nghỉ, ông Trần Xuân Quyết cho biết: "Tuần tra vào buổi đêm dù gặp nhiều khó khăn nhưng rất hiệu quả, số phương tiện bị phát hiện và xử lý nhiều hơn so với những khung thời gian khác. Có những hôm, tổ phát hiện gần 20 xe vi phạm, khi xử lý xong thì cũng là lúc trời sáng”.
Được biết, cùng với tuần tra trên các tuyến đường, lực lượng liên ngành còn thường xuyên có mặt tại hiện trường nơi bốc xếp hàng hóa, bến, bãi, mỏ vật liệu và các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thực hiện tuyên truyền về điều kiện kinh doanh vận tải, kiểm tra kích thước giới hạn thùng chở hàng và việc thực hiện cam kết không xếp hàng hóa lên phương tiện vận tải đường bộ vượt quá tải trọng cho phép.
Kết quả, trong gần 2 tháng triển khai, lực lượng liên ngành đã kiểm tra 88 phương tiện, qua đó phát hiện 64 phương tiện vi phạm. Tổ công tác đã yêu cầu các trường hợp vi phạm gỡ bỏ tại chỗ phần cơi nới thùng xe, hạ tải chuyển tải sang xe khác và lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt 64 trường hợp với số tiền 341 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trạm cân tải trọng lưu động được duy trì 24/24 giờ trên các tuyến đường trọng điểm; đồng thời, các địa phương cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tải trọng phương tiện. Nhờ đó, trong 9 tháng năm 2017, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 458 trường hợp vi phạm về tải trọng, ước xử phạt hành chính với số tiền trên 1,76 tỷ đồng.
Qua đánh giá của ngành chức năng, với việc triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền đến xử lý nghiêm vi phạm, tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải đã giảm; ý thức, nhận thức chấp hành quy định tải trọng của một bộ phận lái xe, chủ xe và doanh nghiệp nâng lên.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập do ý thức chấp hành pháp luật ATGT của nhiều lái xe chưa cao, không hợp tác khi bị kiểm tra; các huyện, thị xã không có nơi tạm giữ phương tiện vi phạm lớn như xe 3 trục bánh trở lên nên có nhiều lỗi vi phạm chưa xử lý kiên quyết và triệt để; phần lớn các xe vi phạm tải trọng ở các tỉnh lân cận nên công tác xử lý vi phạm mất nhiều thời gian; các chủ mỏ vật liệu nơi có bốc xếp hàng hóa tuy đã ký cam kết nhưng nhiều khi vì cạnh tranh, vì lợi nhuận nên vẫn bốc xếp hàng vượt quá quy định cho phương tiện.
Trước tình hình trên, để kiểm soát xe quá tải, thời gian tới, các lực lượng chức năng của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về tải trọng tới lái xe, chủ xe, doanh nghiệp vận tải. Các địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ kho hàng, khu mỏ vật liệu, mỏ quặng trên địa bàn huyện; phối hợp với cơ quan chuyên môn phát hiện xử lý các xe chở quá tải, làm hư hỏng đường giao thông. Các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp, tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý xe chở quá tải, xe cơi nới thành thùng trên địa bàn tỉnh…