Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại, các loại vật liệu mới trong công tác bảo trì đường bộ, thời gian qua, từ nguồn vốn được giao, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời khắc phục những hư hỏng, xuống cấp của nhiều tuyến đường giao thông từ đô thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Cải tạo, nâng cấp kịp thời các tuyến đường huyện Tam Đảo
phục vụ phát triển du lịch nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn
từ Quỹ Bảo trì đường bộ. Ảnh: Chu Kiều
Sau hơn 5 năm (2013-2018) đi vào hoạt động, Quỹ BTĐB tỉnh Vĩnh Phúc đã giao chi thực hiện nhiệm vụ bảo trì hệ thống đường tỉnh với tổng kinh phí trên 318 tỷ đồng nhằm bảo trì cho công tác sửa chữa gần 400km công trình bảo dưỡng thường xuyên, trên 198 km các công trình sửa chữa định kỳ tuyến đường tỉnh; giao chi hơn 68 tỷ đồng nhằm bảo trì cho công tác sửa chữa trên 461 km các công trình bảo dưỡng thường xuyên và trên 117 km các công trình sửa chữa định kỳ tuyến đường huyện; xử lý các cầu yếu và các điểm đen, mất ATGT trên địa bàn như: Sửa chữa mặt đường và xây rãnh thoát nước đoạn Km 18- Km27+200 DT.301; KM16- Km19 và Km22; Km7- Km12+500 Đt.307; Km1+600- Km2+600; Km0-Km10 ĐT309; sửa chữa đường nội thị thị trấn Yên Lạc; sửa chữa nền, mặt đường, rãnh thoát nước và hệ thống ATGT đoạn Km 26+00-Km27+700 ĐT.305; duy tu, sửa chữa đường nối từ đường Quang Trung đến đường Nguyễn Khoái, phường Hội Hợp; đường nối từ Mai Hắc Đế đến đường Nguyễn Duy Thì xã Định Trung và ngõ 2 đường Chu Văn An, phường Liên Bảo (TP Vĩnh Yên)…
Xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong bảo trì đường bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát huy hiệu quả công tác bảo trì đường bộ trên địa bàn tỉnh, khắc phục những “điểm đen” mất ATGT, việc lựa chọn phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện trên địa bàn được ứng dụng vào thi công như: Sử dụng vật liệu Carbon core trong bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường góp phần giảm chi phí, thi công nhanh và đơn giản; ứng dụng nhũ tương nhựa đường axit được đánh giá phù hợp với thời tiết ẩm ướt; áp dụng thử nghiệm sơn nhiệt dẻo hiệu năng cao có khả năng phản quang ngay cả khi mặt đường ướt; sử dụng các trang thiết bị an toàn giao thông hiện đại theo công nghệ và vật liệu của Nhật Bản …Từ đó, nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu những khâu trung gian, cơ giới hóa, hiện đại hóa công tác bảo trì đường bộ và tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn.
Có thể nói, công tác bảo trì đường bộ những năm gần đây cơ bản đáp ứng theo yêu cầu kỹ thuật, tập trung giải quyết các hư hỏng, bức xúc trên toàn hệ thống đường bộ trong tỉnh. Từ đó, nâng cao chất lượng và độ tin cậy của hệ thống giao thông đường bộ, cải thiện khả năng lưu thông trong khu vực dân cư và khu vực phát triển, giảm bớt ách tắc và tai nạn giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn. Hiện nay, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, những đợt nắng nóng hay mưa bão xảy ra liên tục và kéo dài gây thiệt hại lớn cho các công trình giao thông đường bộ hàng năm.
Bên cạnh đó, số lượng phương tiện, lưu lượng lưu thông tăng mạnh đồng nghĩa với gánh nặng cho cầu đường sẽ hư hỏng lớn hơn, kinh phí đầu tưcao hơn. Chính vì thế, đòi hỏi nguồn vốn của Quỹ Bảo trì luôn sẵn sàng, kịp thời ứng phó với mọi diễn biến bất thường xảy ra. Ngoài việc sửa chữa định kỳ, quỹ BTĐB cũng thực hiện tốt các nhiệm vụ đột xuất như: Xử lý điểm đen, khắc phục hậu quả do lụt bão luôn được đảm bảo, chủ động và kịp thời. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, tai nạn giao thông giảm sâu cả 3 tiêu chí.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song Quỹ BTĐB tỉnh Vĩnh Phúc vẫn gặp một số khó khăn do từ năm 2016 tạm dừng thu phí xe máy nên nguồn thu của Quỹ từ nguồn thu phí sử dụng đường bộ với xe mô tô không có, dẫn đến thiếu hụt kinh phí dùng để bảo trì các tuyến đường cấp huyện. Nguồn vốn 35% từ Quỹ trung ương cấp thường bị chậm so với kế hoạch bảo trì hàng năm nên công tác bảo trì đường bộ gặp khó khăn tại các địa phương.
Trong thời gian tới, Quỹ BTĐB tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, vật liệu mới trong bảo trì, bảo dưỡng đường bộ nhằm giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng. Tích cực kêu gọi nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác cho lĩnh vực bảo trì đường bộ. Quản lý hiệu quả và chặt chẽ nguồn vốn của quỹ, tăng cường công tác tuyên truyền và công khai minh bạch các hoạt động của quỹ để tăng tính giám sát cộng đồng. Phối hợp với Quỹ Bảo trì Trung ương từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo trì đường bộ…