Ngành giao thông Yên Bái chủ động phương án khôi phục giao thông do mưa lũ

Thứ ba, 28/05/2019 07:54
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, những năm qua, cơ sở hạ tầng giao thông luôn bị thiệt hại nặng nề, gây khó khăn cho việc khắc phục hậu quả, tìm kiếm cứu nạn và ổn định đời sống nhân dân. Điều này đòi hỏi ngành giao thông vận tải (GTVT) Yên Bái phải luôn chủ động phương án, máy móc để đảm bảo giao thông trong các tình huống thiên tai và nhanh chóng khắc phục tình trạng cản lũ của các công trình giao thông.

Ngành GTVT huy động máy móc hót gạt bùn đất
tuyến đường lên xã Sùng Đô, Nậm Mười, huyện Văn Chấn

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 đợt mưa bão, trong đó, 11 trận mưa kèm theo dông lốc, 2 trận mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 nên từ đêm ngày 19/7 đến 21/7/2018, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to trên diện rộng, gây ngập úng, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét làm thiệt hại rất nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. 

Trong đó, huyện Văn Chấn là địa phương chịu thiệt hại lớn về người, nhà cửa, hoa màu, công trình giao thông, thủy lợi... nhất là tuyến đường đi trung tâm xã An Lương (7,5km), đường từ xã Sơn Lương đi trung tâm xã Nậm Mười (15km) và đường từ ngã 3 Nậm Mười - Sùng Đô đi trung tâm xã Sùng Đô bị hư hỏng nặng nề, người dân đi lại khó khăn, nguy hiểm... 

Tuy nhiên, do thực hiện tốt việc chuẩn bị trước mùa mưa lũ nên khi thiên tai xảy ra, ngành GTVT đã hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. 

Theo ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở GTVT, đối với các tuyến đường do ngành quản lý, Sở đã chỉ đạo các đơn vị hót sụt taluy dương, kè rọ thép ổn định nền đường những vị trí sụt taluy âm; đồng thời, chỉ đạo tư vấn lập hồ sơ hoàn công để trình duyệt theo quy định và báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin phương án xử lý đối với những trường hợp theo quy định, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn. 

Đối với các tuyến đường huyện, đường xã, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án khắc phục, chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương thi công ngày đêm, đảm bảo thông tuyến trong thời gian nhanh nhất, giúp ổn định đời sống người dân, giúp cho công tác viện trợ cho người dân được thuận tiện.

Hiện tại, mạng lưới giao thông của tỉnh có chiều dài 8.329,35 km, trong đó, cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 80,5km, 5 tuyến quốc lộ bao  gồm Quốc lộ 32, 32C, 37, 70, 2D dài 400,6km, đường tỉnh dài 487,31km, đường huyện dài 1.423km, đường xã, thôn, bản dài 5.596 km; đường đô thị dài 279,94 km; đường chuyên dùng 62km. 

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt, do đặc trưng các con suối trong tỉnh có độ dốc lớn, nhiều cây trôi, vật cản, khi có mưa lớn dễ gây nên hiện tượng lũ ống, lũ quét nên Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết năm 2019, tăng cường kiểm tra, tuần đường nhằm phát hiện kịp thời các hư hỏng cầu, đường, các điểm xung yếu có nguy cơ bị ách tắc giao thông để sẵn sàng ứng cứu, khôi phục đảm bảo giao thông thông suốt an toàn; dự đoán những vị trí có khả năng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng vật tư, nhân công, máy móc, bố trí tại những vị trí phù hợp để có thể sử dụng hiệu quả, khắc phục hậu quả bão, lũ trong thời gian sớm nhất. 

Cụ thể, tại khu vực thành phố Yên Bái, bố trí 400 rọ thép, 60 m dầm thép địa phương, 1.800 lít xăng dầu, 1.800 m3 cấp phối, 1.000 m3 đá hộc, 12 ô tô, 7 máy xúc; khu vực cầu Tô Mậu, đường tỉnh 170 bố trí 1.000 rọ thép, 8 ô tô, máy xúc; khu vực đèo Khau Phạ Km260 - Km280, Quốc lộ 32 bố trí 500 lít xăng, dầu, 200 rọ thép, 400m3 đá hộc, 2 ô tô, 2 máy xúc, 1 máy ủi; tuyến Tỉnh lộ 174 (đường Văn Chấn - Trạm Tấu) bố trí 1.000 lít xăng, dầu, 1.000 rọ thép, 2.000m3 đá hộc, 4 ô tô, 1 máy xúc, 1 máy ủi. 

Cùng đó, Sở GTVT tỉnh đã lập phương án phối hợp với các tỉnh lân cận, ngành chức năng tổ chức phân luồng giao thông khi xảy ra ách tắc; đồng thời, tổ chức trực 24/24h, cập nhật tình hình mưa bão, báo cáo kịp thời để có phương án xử lý.

Cùng với sự chủ động của ngành GTVT, các địa phương cần thông tin sớm, phối hợp với các ngành giao thông khi có tình huống bão lũ xảy ra; thường xuyên khơi thông, nạo vét lòng cầu, cống, khu vực thượng, hạ lưu các công trình thoát nước; nghiên cứu, thiết kế tính toán thủy văn, thủy lực công trình với các hệ số tính toán phù hợp với địa hình vùng núi cao, độ dốc lớn...
 

kieuanh

Nguồn: Báo Yên Bái

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)