Hưng Yên: Đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông nông thôn

Thứ tư, 15/08/2012 08:30
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Từ điểm xuất phát trên 80% đường giao thông nông thôn (năm 2000) là đường đất, đến nay 70% các tuyến đường xã quản lý, đường thôn, liên xóm và trên 10% đường ra đồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được cứng hóa, trong đó phần lớn là trải bê tông.

Từ điểm xuất phát trên 80% đường giao thông nông thôn (năm 2000) là đường đất, đến nay 70% các tuyến đường xã quản lý, đường thôn, liên xóm và trên 10% đường ra đồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được cứng hóa, trong đó phần lớn là trải bê tông. Hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) phát triển nhanh về số lượng và thay đổi căn bản về chất lượng góp phần quan trọng khai thông huyết mạch kinh tế, làm nên diện mạo mới và nâng cao đời sống nhân dân cho khu vực nông thôn.

Toàn tỉnh có hơn 5.000 km đường GTNT. Đầu những năm 2000, chỉ có gần 20% đường GTNT trên địa bàn tỉnh được cứng hóa. Yêu cầu đầu tư xây dựng phát triển GTNT là một nhu cầu cấp thiết của tỉnh. Xác định phát triển GTNT là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong việc đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình kế hoạch cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương về đẩy mạnh phát triển GTNT. Nổi bật là Đề án phát triển GTNT tỉnh Hưng Yên đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008, trong đó quy định rõ tỷ lệ hỗ trợ giữa ngân sách nhà nước tỉnh và nhân dân đóng góp để đầu tư cho phát triển GTNT.

Cụ thể là ngân sách nhà nước tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng đường xã quản lý, 30% kinh phí xây dựng đường thôn, đường ra đồng và 100% kinh phí xây lắp cùng chi phí khác cho xây cầu. Cơ chế hỗ trợ này là nền tảng quan trọng cho việc thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm, dân làm là chính Nhà nước hỗ trợ” trong phong trào xây dựng đường GTNT trên địa bàn tỉnh. Thực tế là trước khi Đề án phát triển GTNT tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt hàng năm, tỉnh đều dành một phần nguồn vốn ngân sách và khai thác các nguồn vốn khác như: ODA, vay tín dụng của nhà nước… để hỗ trợ đầu tư đường GTNT. Bình quân mỗi năm, tổng vốn đầu tư cho GTNT trên địa bàn tỉnh khoảng 120-140 tỷ đồng. Trong các năm từ 2009-2011, tỉnh đã dành 99,8 tỷ đồng đầu tư hỗ trợ cho các dự án phát triển GTNT. Với số tiền này đã xây dựng được hơn 105 km đường GTNT gồm: 81,5km đường xã quản lý, 28,7 km đường thôn, xóm và 5 cầu GTNT.

Tỷ lệ đóng góp kinh phí hợp lý giữa ngân sách nhà nước tỉnh, địa phương và sự tham gia đóng góp của nhân dân đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phong trào xây dựng đường GTNT của các địa phương phát triển rộng khắp và đạt nhiều kết quả to lớn.

Căn cứ cơ chế hỗ trợ, các xã, thị trấn đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và quản lý đường GTNT hàng năm. Đồng thời phong trào xây dựng đường GTNT đã được nhân dân các địa phương nhiệt tình hưởng ứng với nhiều mô hình, cách làm đường giao thông nông thôn đa dạng phong phú và thu được kết quả khá, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển KT-XH và đi lại của nhân dân.

Theo số liệu tổng hợp mới nhất của tỉnh, những năm qua các huyện, xã trong tỉnh đã dành hơn 561 tỷ đồng và nhân dân đóng góp hơn 355 tỷ đồng đầu tư làm đường GTNT (bằng 69,3% tổng kinh phí xây dựng GTNT của tỉnh). Nguồn kinh phí quan trọng này cùng với vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp được hơn 1.856 km đường GTNT trên địa bàn tỉnh, xây dựng 116 chiếc cầu, 2.335 chiếc cống các loại.

Với chủ trương của tỉnh gắn xây dựng GTNT trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mạng lưới đường GTNT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ. Dự kiến trong khoảng 8 năm tới tổng nguồn vốn đầu tư cho GTNT ước 2,1 nghìn tỷ đồng. Hơn 689 km đường ngõ xóm, hơn 806 đường trục chính nội đồng sẽ được nâng cấp, mở rộng để đạt chuẩn. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, việc phát triển GTNT cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân cùng chủ động, tích cực tham gia. Việc xây dựng GTNT trước hết là vì lợi ích của chính bản thân từng gia đình, người dân ở nông thôn nên phải tạo thành phong trào, nhân dân hưởng ứng nhiệt tình phát triển GTNT, tránh trông chờ vào nguồn vốn cấp trên và nguồn kinh phí tạo ra từ quỹ đất./.

Theo báo Hưng Yên

Kim Cúc (Theo báo Hưng Yên)

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)