Là xã mới thoát ra khỏi xã đặc biệt khó khăn vài ba năm nay nên xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của địa phương trong việc tranh thủ các nguồn vốn Nhà nước đầu tư như: vốn 135, chương trình làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, do đó hệ thống giao thông ở các khu dân cư cơ bản được bê tông hóa. Hiện nay, xã Đông cũng đang tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông làm nền tảng xây dựng nông thôn mới.
Là xã mới thoát ra khỏi xã đặc biệt khó khăn vài ba năm nay nên xã Đông huyện Kbang (Gia Lai) còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nhạy bén của địa phương trong việc tranh thủ các nguồn vốn Nhà nước đầu tư như: vốn 135, chương trình làm đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, do đó hệ thống giao thông ở các khu dân cư cơ bản được bê tông hóa. Hiện nay, xã Đông cũng đang tiếp tục đầu tư cho hạ tầng giao thông làm nền tảng xây dựng nông thôn mới.
Tờ Mật là làng văn hóa kiểu mẫu. Đề án xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã được làng tiếp thu và tổ chức thực hiện. Làng tổ chức tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của bà con trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới giúp bà con thông suốt những việc mình phải làm như: chỉnh trang nhà cửa, đảm bảo môi trường vệ sinh, tham gia hiến đất, góp công, góp tiền… cùng với Nhà nước.
Làng có 4 tuyến đường chính được bê tông hóa bằng nguồn vốn 135 và chương trình giao thông nông thôn; trong đó có 1 tuyến đường làm trong năm 2012 này với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với mức đóng góp của mỗi hộ là 200 ngàn đồng. Hiện còn 5 tuyến đường nhánh trong làng chưa đảm bảo chiều rộng, quanh co, đang được vận động nhân dân hiến đất mở rộng và nắn chỉnh lại. Không chỉ đường làng mà đường vào khu sản xuất cũng được làng vận động nhân dân hiến đất để làm. Ông Đinh Dơl, làng Tờ Mật phấn khởi cho biết: Làng cũng đã vận động bà con chuẩn bị tiền bạc để làm đường vào khu sản xuất và đường làng cho nghiêm chỉnh. Để có đường chở mía, chở mì, nếu mình không hiến đất, cản trở thì làm sao xe đi lại được.
Để tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới, xã Đông xác định đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông là nền tảng, kể cả giao thông khu dân cư cũng như đường vào khu sản xuất. Tính đến nay, xã đã có hàng chục tuyến đường liên và nội thôn, làng được bê tông hóa với chiều dài trên 10 km. Trong đó, vốn huy động nhân dân đóng góp gần 1 tỷ đồng. Điển hình như năm 2011, xã vận động nhân dân thôn 3 tham gia đóng góp cùng Nhà nước làm cống qua suối hố Mồng vào khu sản xuất của thôn; kêu gọi Công ty cổ phần Khoáng sản Gia Lai (đang khai thác-chế biến quặng sắt trên địa bàn xã), hỗ trợ 150 triệu đồng để sửa chữa cầu treo qua sông Ba…
Ông Trần Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND xã cho biết: Về cơ sở hạ tầng, xuất phát từ những năm trước xã thực hiện chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hàng năm, UBND xã vận động nhân dân đóng góp, từ đó xã đã xây dựng được đường bê tông xi măng trong nội bộ khu dân cư, đến nay hơn 90% đường khu dân cư đã hoàn thành, chỉ còn một số đường nhánh nhỏ.
Năm 2012, xã Đông được đầu tư trên 1,1 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó đầu tư cho xây dựng cơ bản 600 triệu đồng, còn lại là hỗ trợ sản xuất, trong đó có hợp phần đầu tư xây dựng đường nội làng Brốc và khoan 2 giếng nước cho 2 làng Muôn và Rõ. Xã đã tổ chức lấy ý kiến và nhân dân thống nhất về mức đóng góp (thấp nhất là 600 ngàn đồng) một hộ. Đồng thời trên cơ sở quy hoạch giao thông khu dân cư, những tuyến đường chưa đủ chiều rộng, ngoằn ngoèo, xã vận động nhân dân tham gia hiến đất để làm, chú trọng nâng cấp và làm mới giao thông vào các khu sản xuất.
Với việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để làm khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và nhất là sự tham gia ủng hộ, đóng góp tích cực của người dân, tin chắc công cuộc xây dựng nông thôn mới ở xã Đông sẽ đạt nhiều kết quả, triển khai thực hiện đúng kế hoạch đề ra.
Theo báo Gia Lai