Nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2012, mô hình bảo trì và quản lý đường giao thông nông thôn (GTNT) dựa vào cộng đồng được triển khai theo Kế hoạch 771 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây là một mô hình mới trong công tác xã hội hoá việc góp phần xây dựng và bảo vệ, phát huy giá trị của cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Nằm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2012, mô hình bảo trì và quản lý đường giao thông nông thôn (GTNT) dựa vào cộng đồng được triển khai theo Kế hoạch 771 của UBND tỉnh Quảng Ninh. Đây là một mô hình mới trong công tác xã hội hoá việc góp phần xây dựng và bảo vệ, phát huy giá trị của cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.
Dự án thực hiện mô hình bảo trì giao thông nông thôn được triển khai thí điểm tại 8 thôn ở 4 xã: Bình Khê, Việt Dân (huyện Đông Triều) và Quảng Minh, Quảng Long (huyện Hải Hà) từ tháng 5/2012. Các bước thực hiện được triển khai gồm công tác vận động, tuyên truyền; tập huấn về quản lý cộng đồng, tập huấn về kỹ thuật và lập kế hoạch bảo trì GTNT, về tổ chức thực hiện kế hoạch bảo trì, về quản lý tài chính và triển khai thực hiện việc bảo trì GTNT.
Đến nay đã có 340 người dân tham gia tập huấn nâng cao năng lực, hiểu được khái niệm và bản chất của quản lý cộng đồng (QLCĐ), điều kiện để thúc đẩy QLCĐ và việc áp dụng QLCĐ vào quản lý và bảo trì đường giao thông nông thôn, quy trình quản lý cộng đồng thực hiện bảo trì GTNT. Bên cạnh tập huấn cho người dân, đội ngũ cán bộ xã, thôn cũng được tập huấn để nắm được phương pháp phát triển lấy cộng đồng làm trung tâm mà cụ thể là liên hệ trường hợp cộng đồng quản lý bảo trì GTNT từ đó có các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy các nhóm cộng đồng được thành lập trong dự án hoạt động hiệu quả và mở rộng mô hình sang các thôn xóm khác trên địa bàn.
Sau thời gian tập huấn nâng cao năng lực, tất cả 8 nhóm cộng đồng (8 thôn) đều đã xây dựng xong bản kế hoạch bảo trì GTNT cho nhóm mình theo khung đã được hướng dẫn bởi nhóm tư vấn và cán bộ phụ trách giao thông địa phương. Nội dung chính của kế hoạch này bao gồm hai phần chính, phần một là thống kê hiện trạng đường của thôn: Vẽ sơ đồ mạng lưới đường thôn, thống kê đường: Tên đường, chiều dài, loại mặt đường, bề rộng đường, số cống và cầu trên từng tuyến đường; thống kê các phương tiện ô tô sử dụng nhiều trên các tuyến đường của thôn: Tên chủ phương tiện, mô tả phương tiện, mục đích sử dụng, tần suất sử dụng, địa chỉ chủ phương tiện. Mục đích là để tuyên truyền, vận động đóng góp cho quỹ bảo trì của thôn để đảm bảo công bằng, đánh giá hiện trạng đường hàng năm, từ đó xác định nhu cầu bảo trì: đoạn hư hỏng cần sửa ngay; đoạn hư hỏng có thể theo dõi, sửa chữa dần dần; phân loại nguyên nhân hư hỏng do đầu tư hay do hư hỏng. Phần hai là kế hoạch quản lý và bảo trì đường hàng năm gồm: liệt kê chi tiết các hạng mục công việc quản lý, bảo trì và thời gian thực hiện, ước tính chi phí (các hạng mục thường kỳ; các hạng mục sửa chữa, tổng hợp kinh phí cho từng hạng mục và các nguồn lực sẽ huy động, kế hoạch quản lý và duy trì quỹ bảo trì).
Hiện nay đã có 5/8 thôn đã tổ chức triển khai thực hiện bảo trì 8 tuyến đường nội thôn và đường nội đồng, độ dài trung bình từ 0,5 - 2 km/tuyến, kinh phí chi cho mỗi tuyến từ 15 - 50 triệu đồng huy động từ nhân dân trong thôn và từ các chủ phương tiện vận tải cùng với hàng trăm công lao động tại chỗ.
Từ mô hình trên cho thấy bảo trì GTNT là một vấn đề mới, nhất là công tác bảo trì được tổ chức do cộng đồng nhân dân tự thực hiện. Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định người dân là chủ thể chính tham gia xây dựng và thụ hưởng chương trình, do đó, thí điểm dự án bảo trì GTNT tại Quảng Ninh là cần thiết và phù hợp, thực tiễn triển khai đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. Về tính pháp lý, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 4155/2011/QĐ-UBND ngày 26/12/2011 về việc ban hành quy định về quản lý, bảo trì hệ thống đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, do đó việc triển khai thí điểm công tác quản lý, bảo trì đường thôn, xóm là mở rộng và lồng ghép quyết định trên của UBND tỉnh Quảng Ninh, từng bước hoàn thiện tính pháp lý về công tác quản lý giao thông trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai thí điểm dự án bảo trì GTNT phù hợp với phương châm huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh và quan trọng hơn là khẳng định quyền và trách nhiệm của người dân và cộng đồng dân cư tại thôn, xã đó với vai trò chủ thể trong quản lý, khai thác sử dụng công trình hạ tầng của xã, thôn mình. Do đó, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh cần tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm và tiếp tục triển khai từng bước trên diện rộng từ đánh giá phương thức làm đường giao thông đến xây dựng kênh mương, nhà văn hoá,.. để huy động nguồn lực từ chính người dân - người trực tiếp thụ hưởng góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo Quảng Ninh