Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò rất quan trọng. Xác định “nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3263 ngày 28/8/2012 về hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn cho 19 địa phương. Đây là chủ trương đúng, kịp thời phát huy được nội lực trong nhân dân.
Trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí hạ tầng giao thông nông thôn đóng vai trò rất quan trọng. Xác định “nhà nước và nhân dân cùng làm”, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3263 ngày 28/8/2012 về hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn cho 19 địa phương. Đây là chủ trương đúng, kịp thời phát huy được nội lực trong nhân dân.
Xã Nghĩa Đồng (Tân Kỳ) là địa phương đi đầu trong phong trào bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Chỉ trong vòng 1 tháng 20 ngày, địa phương đã làm xong gần 10km đường bê tông rộng từ 3-4 m, dày 18-20 cm trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 2.000 tấn xi măng trị giá gần 3 tỷ đồng, nhân dân hiến hơn 1.500 m2 đất, 4.000 ngày công và đóng góp 1,5 tỷ đồng để mua cát, sỏi. Theo ông Ngô Xuân Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng: “Tính cả số km vừa mới làm từ chương trình hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh thì trong 3 năm qua, xã đã làm được 16 km đường nhựa và bê tông, phóng tuyến và làm mới được 7 km đường cấp phối, 20 km kênh mương được bê tông hóa.” Theo ông Nghĩa, sở dĩ Nghĩa Đồng có thể làm tốt phong trào bê tông hóa đường giao thông là do chính quyền địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, phát huy vai trò giám sát đầu tư cộng đồng tại địa phương, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết đều thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Mọi công trình phải đảm bảo “hiệu quả, tiết kiệm” làm đến đâu chắc đến đó, không để thất thoát, lãng phí, gây mất niềm tin trong nhân dân.
Đảng ủy, chính quyền xã chủ trương chọn mô hình điểm làm trước để nhân dân thấy đồng tiền, công sức mình bỏ ra đem lại hiệu quả thiết thực, sau đó mới nhân rộng ra thành phong trào thi đua khắp 15 xóm toàn xã. Tuyến đường qua xóm nào thì cán bộ, nhân dân xóm đó cùng thành lập các tổ, nhóm liên gia bàn bạc cách triển khai, phương pháp thi công phù hợp với điều kiện cụ thể và trong quá trình triển khai đều có ban giám sát do xóm trưởng hoặc bí thư chi bộ điều hành. Ngoài xi măng hỗ trợ của nhà nước, tiền nhân dân đóng góp mua cát sỏi, xã cũng trích một phần kinh phí từ nguồn quỹ giao thông nông thôn do dân đóng góp hàng năm khoảng 600 triệu đồng để hỗ trợ trong quá trình giải phóng mặt bằng (ví dụ trường hợp những hộ phải tháo dỡ bờ rào có giá trị cao, khối lượng lớn…).
Ngoài Nghĩa Đồng, địa phương còn lại của huyện Tân Kỳ nằm trong chương trình hỗ trợ xi măng bê tông hóa đường giao thông nông thôn là xã Tân An. Tuy quy hoạch tổng thể không được thuận lợi như Nghĩa Đồng nhưng hiện nay Tân An cũng đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng, lu nền và đang chuẩn bị thi công bê tống hóa 10 km đường trên địa bàn từ 200 tấn xi măng hỗ trợ của nhà nước và nguồn kinh phí do nhân dân đóng góp. Ông Nguyễn Hữu Nghị- Phó phòng Nông nghiệp huyện Tân Kỳ cho hay: “Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp ngày công, tiền của để làm đường luôn được huyện và các địa phương chú trọng. Bởi một khi nhận được sự đồng tình từ người dân, quá trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn sẽ trở nên dễ dàng hơn…”.
Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng Tương Dương lại rất chủ động trong cứng hoá các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến tất cả các bản, cũng như các tuyến đường giao thông liên bản trên địa bàn. Trước khi có quyết định hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh, huyện đã chủ động vay trước 11.000 tấn xi măng để làm đường. Mặc dù gặp khó khăn do nguồn cát sỏi không có sẵn nhưng hiện nay, 4 xã được hỗ trợ xi măng là Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, Thạch Giám đã làm được 7km đường. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, Tương Dương đã phát huy được sức dân trong xây dựng đường giao thông nông thôn. Điển hình như ở bản Bãi Sở (xã Tam Quang), người dân đã tự nguyện đóng góp mỗi khẩu 700 nghìn đồng để làm đường….
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, 9 tháng đầu năm 2012, bằng nhiều nguồn vốn lồng ghép, toàn tỉnh xây dựng, tu sửa, nâng cấp được 292.874,4 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 5.762.429,3 tỷ đồng. Về xây dựng đường bê tông xi măng theo Quyết định số 3263-QĐ/UBND của UBND tỉnh, đến nay các huyện đã tổ chức thực hiện được 28,967 km/380 km, đạt 7,6% kế hoạch, trong đó Tân Kỳ 10km, Kỳ Sơn 0,5 km, Tương Dương 7 km, Con Cuông 11,48 km, Hưng Nguyên 1,0km). Ông Nguyễn Hồ Lâm - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách nông thôn mới cho hay: Trong đợt 1, tỉnh đã duyệt cấp 76.000 tấn xi măng trị giá 205 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương làm 380 km đường giao thông nông thôn.
Tuy nhiên, cái khó hiện nay là ở nhiều địa phương, ngân sách huyện, ngân sách xã còn hạn hẹp, nguồn cát, sỏi không có sẵn, đời sống nhân dân còn khó khăn nên ngoài xi măng hỗ trợ của nhà nước, việc huy động nguồn kinh phí để mua cát sỏi, giải phóng mặt bằng để làm đường (nhất là đối với các huyện đồng bằng) còn hạn chế, thủ tục thiết kế đầu tư, thanh quyết toán các nguồn vốn đầu tư còn rườm rà (kể cả nguồn vốn huy động của nhân dân, ngày công…). Thực tiễn cho thấy, địa phương nào ngay từ đầu tổ chức tốt việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho cán bộ và người dân, có cách làm hay, sáng tạo trong huy động nguồn lực, thực sự để người dân đóng vai trò chủ thể thì đều tạo sự đồng thuận cao và dễ huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, điển hình như ở Nghĩa Đồng (Tân Kỳ), Sơn Thành (Yên Thành), Thạch Giám, Tam Đình, Tam Thái (Tương Dương)…
Theo báo Nghệ An