Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Lạng Sơn phát triển mạnh. Nhiều tuyến đường được làm mới và cải tạo; nhiều cây cầu được xây dựng đưa vào sử dụng; hạ tầng giao thông được nâng cấp thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hiệu quả đó.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phong trào làm đường giao thông nông thôn (GTNT) ở Lạng Sơn phát triển mạnh. Nhiều tuyến đường được làm mới và cải tạo; nhiều cây cầu được xây dựng đưa vào sử dụng; hạ tầng giao thông được nâng cấp thuận lợi cho việc đi lại của người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ thực tiễn cho thấy, sự đồng thuận của nhân dân là một trong những yếu tố quan trọng để làm nên hiệu quả đó.
Xã Vĩnh Lại, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) được coi là điểm sáng về phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn. Những năm trước đây, cả xã chỉ có đường đất, cứ vào mùa mưa là có tới gần nửa số thôn bị cô lập bởi nước lũ, người dân muốn qua sông phải lội hoặc dùng bè mảng. Vậy mà đến nay toàn bộ số đường liên thôn đã cơ bản được bê tông hóa; toàn xã xây dựng được 6 cầu và ngầm. Sức mạnh toàn dân được phát huy rõ nhất qua công trình ngầm của thôn Nà Lềnh; cả thôn chỉ có 29 hộ dân nhưng với quyết tâm cao, bà con trong thôn đã kiên trì khai thác cát sỏi, san lấp mặt bằng và thi công xây ngầm mất gần 1 năm mới xong.
Ông Vy Thế Hồng, Chủ tịch UBND huyện Văn Quan cho biết: Để phong trào xây dựng GTNT phát triển rộng khắp, huyện luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia; đơn giản hóa thủ tục để triển khai nhanh chóng, thuận tiện việc hỗ trợ nhân dân; hàng quý, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kỹ thuật để việc thi công các công trình đảm bảo chất lượng. Từ năm 2001 đến nay, toàn huyện đã mở mới gần 260 km đường ô tô và đường dân sinh; bê tông hóa hơn 120 km mặt đường. Đặc biệt, bà con các dân tộc trong huyện đã đóng góp công sức và tiền của làm được 3 cây cầu và 3 ngầm tràn, tạo thuận tiện, an toàn cho nhân dân đi lại, thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế-xã hội của toàn huyện.
Còn đối với huyện biên giới Lộc Bình, địa hình đồi núi, dân cư phân bố không đều, để hoàn thành được hệ thống giao thông liên thôn xã là một điều rất khó khăn, nhưng được sự đồng thuận của nhân dân, đến nay hệ thống giao thông liên thôn, xã đã cơ bản hoàn thành với nhiều tuyến đường được bê tông hóa đảm bảo thuận lợi đi lại của người dân. Ông Triệu Xuân Nguyệt, Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình cho biết: Trước đây, để làm được một đoạn đường rất vất vả, nhưng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cùng với việc phát huy vai trò nòng cốt của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,… trong tuyên truyền, vận động, do vậy đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp vật tư và công sức của nhân dân để xây dựng, phát triển đường GTNT.
Là một tỉnh miền núi với điều kiện địa hình khó khăn nhưng với việc khơi dậy và phát huy được sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng hạ tầng nông thôn, trong 10 năm qua (từ năm 2001 -2011), tỉnh Lạng Sơn đã mở mới hơn 1.650km đường; nâng cấp trên 20.500 km đường GTNT; xây 286 cầu và 127 ngầm tràn các loại… với giá trị của các công trình khoảng 1.760 tỷ đồng; trong đó có tới gần một nửa là do nhân dân tự nguyện góp ngày công và vật liệu.
Theo TTXVN