Người dân ở xã Hoà Thành, TP Cà Mau và xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi có cách làm lộ nông thôn rất độc đáo: dùng xi măng trộn với cát, trấu làm nguyên vật liệu. Cách làm này tiết kiệm chi phí mà độ bền cũng không thua kém lộ làm bằng bê tông hay lộ nhựa.
Người dân ở xã Hoà Thành, TP Cà Mau và xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi có cách làm lộ nông thôn rất độc đáo: dùng xi măng trộn với cát, trấu làm nguyên vật liệu. Cách làm này tiết kiệm chi phí mà độ bền cũng không thua kém lộ làm bằng bê tông hay lộ nhựa.
Ông Nguyễn Thành Phu, Bí thư Chi bộ ấp Xóm Chùa, xã Hoà Thành, TP Cà Mau, lấy ý tưởng từ cái “cà ràng” (bếp lò) để làm nên con lộ chỉ bằng trấu, cát và xi măng. Đầu tiên ông thí nghiệm trên con lộ có bề ngang 6 tấc, dài 420 m dẫn vào xóm nhà ông. Con lộ được hoàn thành trong sự ngỡ ngàng của người dân với chi phí giảm một nửa, nhìn bề ngoài chẳng khác gì lộ xi măng cốt thép là mấy, khả năng chịu lực lại cao.
Giảm 50% chi phí
Con lộ ở ấp Đồng Tâm B, xã Tân Duyệt dài 20 m, ngang 2 m, độ dày 7 cm dành cho xe 2 bánh vừa được xây thí điểm khiến người dân nơi đây mừng khôn xiết. Điều đặc biệt là con lộ này không phải được làm từ xi măng cốt thép mà là từ xi măng, cát và trấu.
Ông Nguyễn Hoàng Ảnh, Bí thư Đảng uỷ xã Tân Duyệt, cho biết, ông đã được đi tham quan con lộ làm từ trấu ở xã Hoà Thành, TP Cà Mau nên rút ra được nhiều kinh nghiệm khi làm lộ ở địa phương mình. Với công thức 6 xô trấu, 6 xô cát và 1 bao xi măng, lộ làm từ chất liệu này giảm được 50% chi phí so với lộ làm bằng xi măng, sắt và đá.
Mấu chốt thành công của con lộ là trộn hồ phải thật đều để xi măng thấm vào trấu, hạn chế hiện tượng trấu bị thấm nước khi đưa vào sử dụng. Ở trên bề mặt lộ, tráng lớp hồ khoảng 5 cm không trộn trấu để bảo vệ mặt lộ, chống thấm nước; lớp dưới cùng trải bạt để tránh hiện tượng nước xi măng thấm ra đất.
Ông Ảnh giải thích: “Mình phải đi kiểm tra thường xuyên, nếu không thợ trộn không đúng kỹ thuật, đường sẽ không bền. Ngoài ra, vì là làm thí điểm nên phải ghi chép lại cẩn thận để mai mốt còn biết mà hướng dẫn người dân nhân rộng”.
Theo tính toán, 1 m2 lộ dạng này chỉ tốn 80.000 đồng, trong khi với lộ bê tông phải mất gần 200.000 đồng.
“Chỉ tính riêng xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi đã có 28 tuyến với chiều dài hơn 78 km cần có lộ giao thông để đi lại. Phân bổ nguồn vốn để làm lộ giao thông nông thôn bằng xi măng cốt thép như hiện tại là không đủ.
Do đó, lộ trấu vẫn được người dân nơi đây chấp nhận và đưa vào thực hiện. “Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất của địa phương là dù có giảm đi nửa giá tiền thì các tuyến lộ vẫn không vận động xã hội hoá được vốn”, ông Ảnh trần tình.
Vẫn đạt chuẩn lộ nông thôn mới
Được dịp tham quan con lộ “không xương” tại ấp Đồng Tâm B, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi con lộ làm từ trấu nhưng thẳng tắp, mặt lộ không chút gồ ghề, lại có màu trắng sáng.
Ông Nguyễn Văn Cương, người dân trong ấp, cho biết: “Bà con thèm có được con lộ bê tông đã lâu lắm rồi. Thấy những ấp khác đường cong queo, nhà thưa thớt mà còn có lộ, ở đây đường đất thẳng tắp, nhà san sát lại có trường học mà không có lộ, mấy đứa nhỏ đến trường khó khăn lắm. Nay có cách làm mới đỡ tốn chi phí, không biết về lâu dài ra sao chứ hiện tại thấy ưng ý lắm”.
Theo ông Ảnh, nếu con lộ trấu này bị hư hỏng thì chỉ cần trám lại, chứ không như lộ bê tông, khi bị bong tróc sẽ hư lớp sắt bên dưới, xe cộ rất khó lưu thông.
Bà Thạch Thị Nga (người hơn 40 năm sống ở ấp này) là người phản đối kịch liệt cách dùng trấu làm lộ. Ngay từ khi con lộ mới vừa làm xong, bà là người đầu tiên đem búa ra… đập thử, rồi cho xe chạy thử nhưng cũng không hề hấn gì.
Bà Nga bộc bạch: “Tôi cứ tưởng không chắc nhưng rồi cũng y như lộ bê tông cốt sắt. Con lộ này “xài” 5 năm cũng xứng đồng tiền”.
Tỉnh Cà Mau có hàng ngàn ki lô mét đường đất đen chưa có lộ giao thông nông thôn đấu nối. Dân cư sống thưa thớt, không đủ điều kiện để kết hợp cùng Nhà nước làm lộ giao thông nông thôn. Lộ bằng trấu giảm 50% chi phí đã thực sự trở thành tin vui đối với bà con nơi đây. Từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh, đoàn người kéo về xem và tham khảo cách làm lộ trấu của ông Nguyễn Thành Phu ngày càng nhiều.
Ông Ảnh bộc bạch: “Lộ giao thông nông thôn là huyết mạch để phát triển kinh tế, nếu đợi chờ vài năm nữa cũng khó. Làm như vậy thì biết là tiền nào của nấy nhưng được cái là nó rẻ. Thậm chí, nếu như lộ bê tông sử dụng được 10 năm thì lộ này ít nhất cũng 5 năm, khi đó dân khá lên, họ sẽ tự đầu tư sửa chữa”.
Ông Ảnh còn giải thích thêm, làm lộ từ trấu rất phù hợp cho những tuyến lộ nội ấp và phù hợp với tiêu chí nông thôn mới. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động nguồn lực trong dân, các nhà hảo tâm và nguồn quỹ của xã để tiếp tục xây dựng những con lộ nông thôn theo cách này, nhằm phục vụ việc đi lại của bà con thuận tiện trong hai mùa mưa, nắng”./.
Theo Báo Cà Mau