Thời gian qua, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh Nam Định được đầu tư nâng cấp cải tạo với số lượng lớn đã góp phần tích cực phục vụ CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để kéo dài thời gian sử dụng, ngay sau khi các công trình GTNT hoàn thành, đưa vào sử dụng, ngành GTVT và các địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo trì đường GTNT.
Thời gian qua, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trong tỉnh Nam Định được đầu tư nâng cấp cải tạo với số lượng lớn đã góp phần tích cực phục vụ CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn. Để kéo dài thời gian sử dụng, ngay sau khi các công trình GTNT hoàn thành, đưa vào sử dụng, ngành GTVT và các địa phương đã thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo trì đường GTNT.
Hằng năm, Sở GTVT Nam Định đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai các giải pháp tăng cường công tác bảo vệ hệ thống công trình GTNT. Sở GTVT Nam Định tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực về công tác quản lý và bảo trì đường GTNT cho cán bộ phụ trách giao thông của cấp huyện, xã, phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các biện pháp bảo đảm công trình thoát nước trên các tuyến đường; vận động nhân dân sống ven đường không xây dựng các công trình làm cản trở hệ thống thoát nước lòng, lề đường và thoát nước ngang đường; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành lang ATGT, xâm hại đến công trình thoát nước, bảo vệ kết cấu công trình GTNT. Từ năm 2004, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo xây dựng Quỹ bảo trì GTNT, chủ yếu từ các nguồn đóng góp của nhân dân, sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn khác. Theo đặc thù của từng địa phương, UBND các huyện, thành phố đều quan tâm bố trí nguồn kinh phí thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống đường GTNT trên địa bàn. Tại huyện Hải Hậu, hằng năm cả 35 xã, thị trấn của huyện đều tổ chức khảo sát, lập dự toán và tiến hành duy tu, sửa chữa. Trong năm 2013, toàn huyện đã láng nhựa lớp 2, bù vênh, xử lý nền đường, vệt bánh xe 100.500m2, bù đá thải hơn 600m3, đào đắp ấp trúc, phụ nền đường 150 nghìn m3, sửa chữa 20 cầu yếu làm mặt cầu mới bằng bê tông, làm mới 20 cống các loại. Tại xã Hải Vân, hằng năm xã đều chủ động thực hiện tốt công tác thu quỹ duy tu, bảo dưỡng với mức đóng góp 5.000 đồng/lao động; giao cán bộ Ban Nông nghiệp xã đảm trách công tác tuần tra, phát hiện và đề xuất, kiến nghị những tuyến đường cần sửa chữa, nhờ đó các công trình GTNT bị xuống cấp, hư hỏng được phát hiện, sửa chữa kịp thời, không để hư hỏng nặng. Xã tổ chức đội quản lý chất lượng công trình đường GTNT tuyên truyền, phổ biến các biện pháp cấm xe tải trọng lớn đi vào các trục đường thôn, xóm; mỗi năm tổ chức cắt cỏ 1 đến 2 lần, nâng cao hiệu quả bảo vệ lề đường. Xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), hằng năm đều rà soát đường thôn, xóm, cắm biển báo quy định tải trọng đối với các loại xe chở hàng hoá đi vào các trục đường giao thông do xã quản lý, đường thôn, xóm và đường ra đồng. Trong năm 2013, cùng với việc tập trung huy động kinh phí để xây mới 6.843m đường GTNT, xã chủ động thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của các tuyến đường. Đối với các tuyến đường mới, xã đã chỉ đạo các xóm kết hợp mở rộng, bê tông hoá đường với xây dựng rãnh thoát nước bảo đảm khả năng thoát nước. Để tạo điều kiện cho người và các phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn, tránh giảm tối đa va chạm, TNGT, tránh hư hỏng hệ thống giao thông, xã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tại 100% tuyến đường dong ngõ xóm chính trong các khu dân cư. Tại huyện Ý Yên, từ nhiều năm nay, lực lượng cán bộ, hội viên Hội CCB huyện đã thành lập 54 tổ tự quản, giữ gìn ATGT và an ninh thôn, xóm tại các xã, thị trấn. Tham gia tổ tự quản, các hội viên Hội CCB vận động các thành viên trong gia đình và nhân dân của các thôn, xóm do mình quản lý đăng ký cùng chung sức bảo vệ các công trình giao thông. Cán bộ, hội viên Hội CCB còn trực tiếp lồng ghép tuyên truyền, vận động hướng dẫn các chủ máy cày, xe tải nhỏ ký cam kết không chở vật liệu xây dựng, đất, cát, hàng hóa quá tải khi đi vào đường GTNT; vận động nhân dân thực hiện văn hóa ứng xử trong khi tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan tuyến đường, bảo đảm thông thoáng, sạch, đẹp. Chủ động tổ chức phát quang cây xanh che khuất cản trở tầm nhìn trên các tuyến đường; góp ngày công sửa chữa đoạn đường bị hư hỏng, sụt lún...
Theo đánh giá của ngành GTVT Nam Định, công tác bảo trì GTNT vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Đến nay, chất lượng đường GTNT của một số địa phương vẫn chưa được bảo đảm, gây khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt của nhân dân. Nguyên nhân do khó khăn kinh phí nên các địa phương không thể bố trí kịp thời, đầy đủ kinh phí cho công tác duy tu, bảo dưỡng đường GTNT. Trong khi đó, đặc thù của công tác duy tu, bảo dưỡng tuy là công việc nhỏ, phân tán trên diện rộng nhưng lại đòi hỏi phải tiến hành sửa chữa ngay khi vừa phát sinh. Giải quyết vấn đề khó khăn về nguồn kinh phí, ngày 11/7/2013, HĐND tỉnh Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 20/2013/NQ-HĐND về việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô trên địa bàn tỉnh Nam Định và phân cấp sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ tỉnh Nam Định. Trong đó, đã quy định rõ trích một phần để lại cho cơ quan thu phí sử dụng để bảo trì, quản lý hệ thống đường huyện, xã. Để giảm chi phí, duy tu, nâng cao thời hạn sử dụng các công trình GTNT, Sở GTVT Nam Định đề nghị các địa phương chú trọng đầu tư hệ thống thoát nước cho đường GTNT ngay trong quá trình xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo các tuyến đường do đặc thù bảo đảm thoát nước lòng và lề đường quyết định tới việc duy trì tuổi thọ của đường bộ, đồng thời tạo những thuận lợi cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cũng tăng cường kêu gọi sự vào cuộc của các tổ chức và người dân chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ công trình GTNT. Các ngành chức năng nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, tăng cường quản lý và kiểm soát tải trọng xe hoạt động trên hệ thống GTNT, quản lý hành lang và kết cấu hạ tầng đường GTNT./.
Theo Báo Nam Định