Thời gian qua, phong trào hiến đất, đóng góp công sức mở rộng đường giao thông nông thôn đã tạo nhiều chuyển biến cho việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Đường giao thông nông thôn Tổ 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng
đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp
Là một địa phương gặp rất nhiều khó khăn vê giao thông thôn tưởng chừng không giải quyết được nhưng giờ đây, tuyến đường tại Tổ 8, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình đã được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp, thoáng đãng, góp phần làm tươi mới một góc phố bên đồng. Có được kết quả đó phải kể đến công sức của chị Nguyễn Thị Kim Hoa, hiện là giáo viên trường THCS Trần Qúy Cáp (xã Bình Qúy, huyện Thăng Bình), sự nhiệt tình, năng động của chị đã góp công lớn trong việc hoàn thành tuyến đường bê tông này.
Tổ 8, thị trấn Hà Lam là một vùng quê nhỏ của huyện Thăng Bình. Trước đây, con đường làng chưa làm bê tông, bà con phải vất vả trong những ngày mưa lũ, trẻ em đến trường còn phải lấm lem bùn đất vì trượt té, những người đi làm buổi sáng trưa chẳng muốn về khi nghĩ đến đoạn đường gian nan phải trải qua nhất là những phụ nữ chân yếu tay mềm, có lúc thật dở khóc dở cười vật lộn với chiếc xe máy và đoạn đường lầy lội. Giao thông thật sự ảnh hưởng lớn đến đời sống những người nông dân, đi lại khó khăn, việc ruộng nương vô cùng vất vả vì không vận chuyển được phân bón thóc lúa, việc mua bán cũng khó thực hiện được. Trong khi đó, do điều kiện kinh tế khó khăn của huyện nhà mỗi năm chỉ có thể giải quyết được một vài đoạn đường để giúp bà con nhân dân đi lại được thuận tiện.
Được thông báo của UBND thị trấn Hà Lam và Ban cán sự Tổ 8 được phân bổ chỉ tiêu làm đường giao thông, người dân trong vùng rất phấn khởi nhưng lại phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do hoàn cảnh thật đặc biệt của cụm dân cư nơi đây.
Đoạn đường làm bê tông có 19 hộ dân thì có đến 4 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo, 2 hộ già yếu và 1 hộ có người ốm đau phải chạy thận nhân tạo thường xuyên. Trong số 19 hộ dân, chỉ có 7 người đàn ông nhưng có 2 người tàn tật và 1 thương binh, số còn lại đủ sức lao động đúng nghĩa chỉ có 4 người. Đại bộ phận cư dân ở đây đều là đàn bà, trẻ em và già cả neo đơn, góa bụa… Trong khi đó số tiền bà con phải đóng góp để đối ứng đến 30 triệu đồng. Hơn nữa, trong 293m mặt bằng tuyến đường thì có hơn 100m với bề ngang chỉ rộng 1,5m. Hai bên là mương nước và ruộng lúa của nông dân. Khó khăn là thế nhưng với quyết tâm của cộng đồng và sự nổ lực của chị Nguyễn Thị Kim Hoa, đoạn đường bê tông dài 293m, rộng 4m đã được hoàn thành.
|
Khi được hỏi về những khó khăn, vất vả khi triển khai xây dựng đoạn đường này, chị Hoa kể lại: Cuối tháng 11 năm 2012, được sự tín nhiệm của bà con trong tổ, tôi được bầu làm Trưởng ban giám sát điều hành việc làm đường bê tông của cụm dân cư Tổ 8, thị trấn Hà Lam. Trong điều kiện khó khăn của một cụm dân cư như thế tôi nghĩ đến lời Bác Hồ dạy “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, mình là dân phải phát huy tinh thần làm chủ tập thể của mọi người bằng mọi cách phải làm cho được con đường, không phải cho hôm nay mà còn cho con cháu mai sau, không phải cho 19 hộ dân cư trú trên đoạn đường này mà cho rất nhiều người khác cần đi lại nữa và cho cả bộ mặt thị trấn Hà Lam chỉ còn sót lại 1 đoạn đường này chưa làm bêtông. Thế là tôi đi vận động mọi người làm đường bê tông theo cách nghĩ của một Đảng viên. Trước hết là thực hiện theo biện pháp nêu gương, cán bộ đi trước, làng nước đi sau, 5 hộ công nhân viên chức đóng góp 10 triệu đồng (mỗi hộ 2 triệu đồng), những ngươi già yếu neo đơn, nghèo thì tuỳ điều kiện đóng góp thu được 5 triệu đồng, 15 triệu còn lại tôi quyết định đi vay cho các hộ có sức lao động nhưng không có tiền nộp để sau này làm công bù lại, vậy là tạm ổn về vốn đối ứng.
“Tuy nhiên, khi đã có tiền đối ứng và bước vào giai đoạn thi công làm đường thì khó khăn lớn nhất đó là giải phóng mặt bằng, đoạn đường cần được bê tông dài 293 m thì có đến hơn 100 m bề ngang chỉ 1,5m, hai bên là mương nước và ruộng đang canh tác. Tôi cùng với Ban cán sự tổ bàn bạc đi quyên góp đối tượng là người thân trong gia đình tổ lân cận, người mua đất mà chưa làm nhà ở. Lặn lội 5 buổi tối có buổi đi tới 9, 10 giờ, tôi cùng Ban cán sự Tổ 8 đến từng nhà, chúng tôi thu được 15 triệu, có hộ cho trực tiếp, có hộ hẹn có lương, có hộ hẹn sau đám cưới con, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng thu được đầy đủ. Có tiền rồi nhưng giải phóng được mặt bằng không đơn giản. Được sự tư vấn của UBND thị trấn, tôi tìm cách liên hệ với chủ đầu tư làm công trình xin được đất chợ cũ đang làm chỉ cần thuê xe đổ đất. Chúng tôi đã đổ được 40 xe đất nền lấp phần mương nước và ban đủ hết đoạn đường cho đủ bề ngang 4m. Đó là nơi không có đất, đoạn đường của chúng tôi có một đoạn làm lở dở từ 1999 khoảng 50m cao hơn mặt bằng gần 7 tấc đất, đắp lên cao không nổi, công lao động không có. Thấy bên thi công UBND thị trấn mới có xe ủi, xe múc tôi tìm cách liên hệ với Giám đốc công trình để xin xe ủi, xe múc làm mặt bằng. Cuối cùng chúng tôi đã giải phóng được mặt bằng phù hợp với quy định của kỹ thuật yêu cầu”, chị Hoa nhớ lại.
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia làm đường giao thông nông thôn, chị Hoa cho biết: Muốn phong trào làm đường bêtông đạt được hiệu quả tốt thì cán bộ quản lý phải làm gương, đi đầu trong mọi việc, dám nghĩ, dám làm, không nên thấy khó khăn mà chùn bước, phải biết hy sinh quyền lợi riêng tư của bản thân thì nhân dân mới tin tưởng và ủng hộ công việc chung. Một việc dù nhỏ cũng phải có kế hoạch, có óc tổ chức, phải năng động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt các điều kiện thực tế để giải quyết khó khăn. Và quan trọng nhất là phải biết thấu hiểu những khó khăn vất vả, hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân để động viên mọi người toàn tâm toàn ý tham gia, có như vậy mới phát huy cao nhất tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân.
Có thể nói, sự nhiệt tình, năng động của chị Hoa đã góp công lớn trong việc hoàn thành tuyến đường bê tông cho các hộ cư dân Tổ 8 thị trấn Hà Lam, những việc làm của chị Hoa rất đáng được hoan nghênh, thực sự là tấm gương điển hình trong phong trào xây dựng giao thông nông thôn cho nhiều người học tập. Với những thành tích đó, chị Hoa đã được UBND huyện Thăng Bình và Sở giao thông vận tải tỉnh biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, chị Hoa vinh dự được chọn là gương điển hình tiên tiến toàn tỉnh để báo công tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Quảng Nam lần thứ VII – năm 2015 diễn ra vào ngày 10/9 tới đây.