Huyện Điện Biên (Điện Biên) hiện có gần 1.000km đường GTNT. Trong đó, đường trục xã, liên xã: 333,23km; đường liên thôn, bản: 617,52km. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa 126/333,23km đường trục liên xã, tăng 158% so với năm 2010.
Các tuyến đường được "cứng" hóa chủ yếu gồm: Noong Luống - Pa Thơm; Nà Tấu - Mường Phăng; Núa Ngam - Mường Lói. Những tuyến đường trên đã phục vụ đắc lực phát triển nông, lâm nghiệp và khai thác tiềm năng du lịch các xã: Núa Ngam, Mường Nhà, Mường Lói, Mường Phăng, Pa Thơm.
Với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, trong đó vốn do người dân và doanh nghiệp đóng góp gần 20 tỷ đồng, từ năm 2011 đến nay, các xã trên địa bàn huyện đã "cứng" hóa được gần 100/617,52km đường trục thôn bản, ngõ xóm (tăng 93% so với năm 2010). Bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng đầu tư, xây dựng, mở rộng mạng lưới GTNT, những năm qua, Huyện ủy, UBND huyện còn chỉ đạo các cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý các công trình GTNT sau đầu tư. Trong đó, tập trung duy tu, bảo dưỡng, huy động người dân tham gia quản lý công trình được xem là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Hàng năm Phòng Kinh tế và Hạ tầng đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện hiệu quả việc quản lý Nhà nước về giao thông - vận tải trên địa bàn.
Mỗi năm, huyện Điện Biên được phân bổ hàng tỷ đồng duy tu, bảo dưỡng các công trình giao thông, trong đó phần lớn để đảm bảo GTNT. Tuy nguồn ngân sách này chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu bảo trì mạng lưới GTNT nhưng do sử dụng hiệu quả nguồn vốn nên các sự cố trên các tuyến đường GTNT luôn được khắc phục nhanh, đảm bảo giao thông thông suốt. Những năm gần đây, 100% xã trên địa bàn xây dựng và tổ chức thực hiện tương đối hiệu quả việc quản lý, xây dựng, khai thác, bảo vệ, sửa chữa và bảo dưỡng hệ thống đường xã, các cầu, ngầm và đường bộ địa phương được giao quản lý. Thực hiện hợp đồng, kiểm tra, nghiệm thu khối lượng, chất lượng; thanh, quyết toán công khai kinh phí hỗ trợ và nguồn lực đóng góp tự nguyện của nhân dân trong xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống đường giao thông xã, các cầu, ngầm giao thông nông thôn nội bộ, liên bản.
Theo ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên, hiện nay, thông qua các biện pháp như cắm cọc hạn chế độ cao, độ rộng ô tô tham gia giao thông trên các tuyến đường liên xã, bản, UBND các xã đã quản lý tốt hệ thống đường liên thôn, bản; đặc biệt là hạn chế, ngăn chặn xe quá khổ, quá tải – vốn là đối tượng chính tàn phá kết cấu hạ tầng GTNT.
Song song với công tác duy tu, bảo dưỡng; quản lý các phương tiện quá khổ, quá tải, Huyện ủy, UBND huyện Điện Biên còn chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền cơ sở huy động người dân tham gia tự quản, bảo vệ các tuyến đường GTNT. Hiệu quả rõ rệt nhất là từ khi huyện tập trung "cứng hóa" GTNT theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, ý thức bảo vệ các công trình GTNT của nhân dân được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn, xuất hiện ngày càng nhiều các thôn, bản, đội sản xuất xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ các tuyến đường GTNT.