Những năm trước đây, giao thông của huyện Phù Ninh còn nhiều khó khăn, song nhờ vận dụng linh hoạt các chủ trương, cơ chế chính sách, huy động tối đa các nguồn lực, đến nay giao thông nói chung và giao thông nông thôn (GTNT) nói riêng của huyện đã có chuyển biến mới, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 2011, sau khi có Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với nhiều yếu tố về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Phù Ninh đã có những giải pháp tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông. Nhìn một cách tổng quan, hiện nay mạng lưới giao thông của huyện được phân bổ khá đồng đều, có sự kết nối giữa các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ, đường xã và đường thủy nội địa. Trên địa bàn hiện có gần 20 km đường quốc lộ 2 chạy dọc theo chiều dài huyện, đặc biệt là có tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua. Đây là những huyết mạch giao thông quan trọng từ thủ đô Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, tạo thuận lợi cho việc trung chuyển hành khách, hàng hóa đi các tỉnh. Cùng với đó, hệ thống gần 1.000km giao thông đường tỉnh, huyện, xã, liên thôn, xóm; hơn chục cây cầu trên các tuyến đường… đã tạo nên mạng lưới giao thông tương đối thuận lợi, tạo đà cho Phù Ninh phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh.
Có được kết quả đó là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, phát huy nội lực cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò phát triển hạ tầng giao thông; huy động sức dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung tay phát triển giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án giao thông, Phù Ninh luôn bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy hoạch vùng, quy hoạch nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế của địa phương, tập trung phát triển các tuyến giao thông quan trọng, góp phần phấn đấu mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2015, Phù Ninh đã triển khai thực hiện, hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả nhiều công trình giao thông quan trọng, có ý nghĩa kết nối các trung tâm kinh tế như: Đường đến trung tâm xã Lệ Mỹ (chiều dài hơn 18 km), Bảo Thanh - Hạ Giáp (5,5 km), HLP4 5,5km, 232C 8,7 km, 323G, 323H, đường bê tông xi măng ở các xã, thị trấn… Đến hết năm 2015, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện đạt 57%. Cụ thể, tỷ lệ cứng hóa đường huyện đạt 60,7%; cứng hóa đường trục xã, liên xã đạt 74,6%; cứng hóa trục thôn, xóm đạt trên 85%; tỷ lệ đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt trên 70% và tỷ lệ đường trục chính nội đồng được cứng hóa đạt trên 20%; tổng giá trị ước thực hiện giai đoạn 2011-2015 cho GTNT đạt trên 366 tỷ đồng. Những con số về tỷ lệ cứng hóa đường huyện của Phù Ninh tuy chưa cao so với một số địa phương khác, song đây là giai đoạn phát triển mới về GTNT ở Phù Ninh, bởi nếu như năm 2010, tỷ lệ cứng hóa đường giao thông trên địa bàn huyện chỉ đạt khoảng 19,8% thì đến nay sau 5 năm tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân xã Phú Nham, huyện Phù Ninh
tích cực đóng góp vật liệu, ngày công làm đường GTNT, góp phần xây dựng nông thôn mới
Ngày nay về Phù Ninh, có thể dễ dàng chứng kiến không khí tham gia làm đường GTNT trên địa bàn, đặc biệt là các xã có phong trào làm đường GTNT tốt như: An Đạo, Phù Ninh, Tử Đà, Phú Nham, Hạ Giáp… Những con đường bê tông đang dần được hình thành từ chính công sức của những người dân nơi đây cùng với sự hỗ trợ về chủ trương, chính sách, nguồn lực của Nhà nước. Đồng chí Trần Khắc Khoan - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nham cho biết: “Chưa bao giờ phong trào làm đường GTNT ở Phú Nham lại phát triển như hiện nay. Xuất phát từ nhu cầu đi lại, sản xuất - kinh doanh của nhân dân, tranh thủ cơ chế, chủ trương Nhà nước hỗ trợ về xi măng, bà con trong xã sẵn sàng hiến đất, góp vật liệu cát, sỏi và ngày công để làm đường bê tông, thoát khỏi những con đường nắng bụi mưa lầy để ổn định đời sống”.
Có được phong trào nhân dân cùng làm đường GTNT như hiện nay một phần cũng do các con đường lớn của huyện, xã đã được đầu tư nhiều, tạo động lực để nhân dân trong xã tiếp tục góp sức nối những con đường của huyện, xã đến từng đường làng ngõ xóm. Ví như các tuyến: Đường tránh lũ rải nhựa qua địa bàn xã với tổng chiều dài 5,5km; đường vành đai của Tổng Công ty Giấy Việt Nam vừa hoàn thiện quý II-2015; tuyến đường ông Phú đi cầu Đắc khu 3; tuyến P4 đi Cổng Bắc - Tổng Công ty Giấy Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thiện… Đã có hàng trăm hộ hiến hàng nghìn m2 đất cho việc xây dựng những con đường, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong ủng hộ các chủ trương của Nhà nước, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của chính người dân.
Bên cạnh những kết quả bước đầu thì hiện nay, việc phát triển GTNT của Phù Ninh cũng còn có những vướng mắc, đặc biệt là khó khăn về vốn, đời sống nhân dân khu vực nông thôn còn gặp nhiều khó khăn. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển GTNT, đa số mới chỉ tập trung cho các tuyến đường trục chính, một số đường chưa được đầu tư nâng cấp, đảm bảo giao thông như: Đường tỉnh 323D, 325, 323G (đoạn từ ngã tư giao đường tỉnh 323E qua UBND xã Liên Hoa đi Minh Phú, huyện Đoan Hùng); đường huyện P3, P5 và một số tuyến đường xã, thôn, xóm, trục nội đồng, đường ra đồng, lên đồi… Những tồn tại đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Trao đổi về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh phát triển GTNT trên địa bàn, đồng chí Hà Xuân Huấn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phù Ninh cho biết: “Huyện Phù Ninh đã có những giải pháp tập trung huy động tối đa các nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn làm mới, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường quan trọng, các tuyến đường chính kết nối mạng lưới giao thông trên địa bàn, các đầu mối giao thông cửa ngõ. Cụ thể là các tuyến nhánh quốc lộ 2, tỉnh lộ, các đường kết nối các khu công nghiệp và một số tuyến liên xã, trục chính xã, thôn xóm, nâng cao tỷ lệ cứng hóa đường ra đồng, lên đồi. Đầu tư dứt điểm theo hướng lâu dài các tuyến đường quan trọng, các tuyến đường chính phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Giải pháp về vốn cũng được xác định là thách thức lớn nhất cho đầu tư kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện, do vậy, thời gian tới huyện tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng từ việc huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo, vốn ODA và các chương trình hỗ trợ của tỉnh, cùng với tranh thủ sự ủng hộ của các doanh nghiệp, phát huy sức dân cùng tham gia nhằm tạo bước đột phá mới trong phát triển GTNT của huyện Phù Ninh, góp phần đưa kinh tế - xã hội của huyện ngày càng khởi sắc.