Sáng 29/9, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết và triển khai các Đề án về phát triển giao thông nông thôn (GTNT), ĐH và quản lý, bảo trì đường bộ giai đoạn 2010-2015 và 2016-2020. Hội nghị dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu.
Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang; Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh Nguyễn Phi Hùng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Toàn cảnh Hội nghị
Sau 6 năm triển khai thực hiện, đến nay, Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015 đã về đích, hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về khối lượng, kinh phí và quy mô công trình. Toàn tỉnh đã bê tông hóa 1.552km đường GTNT (đạt 105% kế hoạch), và xây dựng 2.386 cống các loại, bình quân 258,7km/năm. Tổng chiều dài đường GTNT trên địa bàn tỉnh đã kiên cố hóa nâng từ 2.766km lên 4.318km trong tổng số 6.411km, đạt 67%. Đến nay, các tuyến đường quan trọng ở khu vực nông thôn không còn lầy lội về mùa mưa, điều kiện GTNT cải thiện rõ rệt, phục vụ hiệu quả cho đi lại, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Tổng kinh phí đã đầu tư giai đoạn 2010-2015 hơn 970 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 444 tỷ đồng, ngân sách huyện 191 tỷ đồng, còn lại là nhân dân đóng góp. So với kế hoạch của Đề án, tổng kinh phí đầu tư đã vượt gần 220 tỷ đồng.
Bên cạnh Đề án phát triển GTNT, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Nam còn triển khai thực hiện Đề án quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo Nghị quyết số 165/2010/NQ-HĐND ngày 8/7/2010 của HĐND tỉnh. Sau 5 năm triển khai Đề án, hiệu quả công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ đã được nâng lên một bước. Công tác quản lý đường bộ có những chuyển biến, các địa phương đã chú trọng hơn đến hoạt động bảo trì, tuy nhiên, đây là công việc khó khăn do hệ thống đường bộ ngày càng phát triển, chiều dài đường lớn, hoạt động giao thông vận tải phát triển nhanh gây áp lực cho kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, nguồn vốn cho bảo trì hạn chế, chỉ có thể tập trung cho bảo dưỡng định kỳ, không thực hiện bảo dưỡng thường xuyên, trong khi đây là nhiệm vụ quan trọng. Công tác quản lý hành lang, quản lý tải trọng đã được thực hiện bước đầu nhưng hiệu quả chưa cao…
Hội nghị cũng đã triển khai các Đề án: Kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH giai đoạn 2015 - 2020; Đề án Phát triển GTNT giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung, giao thông cho khu vực nông thôn nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm đầu tư nhằm tạo nên hệ thống giao thông đồng bộ, hiệu quả. Việc thực hiện các Đề án lồng ghép vào Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới làm cho bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh không ngừng đổi mới, chất lượng cuốc sống của nhân dân thay đổi rõ rệt. Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Các tuyến đường GTNT không chỉ đơn thuần phục vụ đi lại mà còn là không gian kiến trúc, môi trường sinh hoạt ở nông thôn. Do vậy, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ phát triển GTNT với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, chỉ đạo UBND cấp xã quản lý tốt hành lang, đăp đất mở rộng nền đường, vận động nhân dân trồng cây, chỉnh trang thôn xóm làm cho bộ mặt nông thôn xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh 2 Đề án Kiên cố hóa mặt đường các tuyến ĐH và Phát triển GTNT, từ nay đến năm 2020, UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án bảo trì đường bộ. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính, Quỹ bảo trì đường bộ và các ngành của tỉnh tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác này, đưa hoạt động bảo trì đường bộ đi vào nề nếp và ổn định, tiến tới kết thúc đề án.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cũng đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác phát triển GTNT thời gian qua, gồm: huyện Đông Giang; xã Quế Long (huyện Quế Sơn); xã Sơn Viên (huyện Nông Sơn); xã Ba (huyện Đông Giang); xã Phước Mỹ (huyện Phước Sơn); xã Duy Hòa (huyện Duy Xuyên); và xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ).