Thành phố Lai Châu: Hiệu quả từ Đề án phát triển giao thông nông thôn

Thứ năm, 12/11/2015 08:06
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Sau 5 năm thực hiện Đề án Phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Lai Châu giai đoạn 2011 – 2015 đã góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo của một thành phố trẻ. Huyết mạch giao thông nông thôn được nối liền, rộng khắp không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà cho địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Đi trên những tuyến đường trải bê tông phong quang, sạch đẹp, anh Lý Văn Long – hộ điển hình trong việc hiến đất làm đường giao thông nông thôn bản Lùng Thàng, xã San Thàng, thành phố Lai Châu chia sẻ: “Chẳng biết con đường này có từ bao giờ, chỉ biết bà con đi lại nhiều rồi thành đường. Ngày ấy, việc đi lại vất vả lắm, nhất là vào mùa mưa vừa lầy lội, vừa trơn trượt. Năm 2013, xã triển khai làm đường giao thông, gia đình tôi đã hiến 200m2 đất trồng chè của gia đình để làm đường, cùng bà con tích cực tham gia các ngày công lao động… Con đường bê tông hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ làm đổi thay diện mạo bản làng mà việc đi lại, vận chuyển các mặt hàng nông sản từ bản ra chợ bán khá thuận lợi, giá trị hàng hóa cũng được nâng lên đáng kể”.
 
Người dân bản Thành Công, xã San Thàng làm đường giao thông nội đồng.
 
Không chỉ anh Long mà nhiều hộ dân trong xã San Thàng mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn song bà con vẫn chung tay góp sức cùng nhà nước làm đường giao thông. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, người góp công, người góp của… đến năm 2014, xã San Thàng đã hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn. Các con đường xương cá trong xã đều được người dân hăng hái tham gia với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Giao thông phát triển tạo điều kiện cho kinh tế xã hội ở địa phương phát triển theo. Cuối năm 2014, xã San Thàng chính thức được UBND tỉnh công nhận xã chuẩn nông thôn mới.
 
“Nói thì dễ thế chứ những ngày đầu mới phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, nhiều hộ dân còn chưa đồng tình, nản chí, cho rằng không làm được. Sau được tuyên truyền, vận động nhiều lần, người dân hiểu được quyền lợi của mình gắn liền với những hoạt động này nên đã nhiệt tình tham gia” – Ông Hoàng Chí Tình – Chủ tịch UBND xã chia sẻ với chúng tôi về quá trình vận động Nhân dân tham gia phong trào làm đường giao thông nông thôn ở xã.
 
Với vị trí là trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội của tỉnh, là một đô thị mới nằm trong vùng quy hoạch kinh tế động lực, thành phố Lai Châu đã được quy hoạch đồng bộ ngay từ khi mới thành lập tỉnh và được tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố Lai Châu giai đoạn 2011-2015 phê duyệt, UBND thành phố đã xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể tổ chức thực hiện Đề án. Thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Chương trình phát triển giao thông nông thôn, ban hành Quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách theo lĩnh vực. Đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng, quy hoạch theo các nội dung của Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố gắn với đẩy nhanh tiến độ xây dựng giao thông nông thôn.
 
UBND các xã, phường cũng chỉ đạo các tổ dân phố, bản tiến hành rà soát, họp dân công khai, lập tờ trình đề nghị làm đường giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. UBND các xã, phường hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng vật liệu; giám sát và hướng dẫn kỹ thuật; phần thi công do Nhân dân tự tổ chức thực hiện. Tranh thủ tối đa các nguồn vốn của Trung ương, các bộ, ngành và lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án kết hợp với huy động từ các doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân để cứng hóa đường giao thông.
 
Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền thành phố, sự vào cuộc của Nhân dân từ năm 2011 đến năm 2015, thành phố đã đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 4 tuyến đường giao thông liên thôn, bản với tổng chiều dài là 1,093km. Tổng kinh phí là 1,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Đề án là 1,452 tỷ đồng, còn lại do Nhân dân đóng góp. Quy mô xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn theo Đề án đều đạt chuẩn theo Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23/02/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc Ban hành hướng dẫn lựa chọn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Các tuyến đường được bê tông hóa trở thành “đòn bẩy” góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; làm thay đổi cả diện mạo nông thôn, cải thiện môi trường sống, khơi dậy tiềm năng của các vùng trước đây còn lạc hậu.
 
Đến thành phố Lai Châu hôm nay sẽ dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ nét với những tuyến đường trải nhựa phẳng lì, điều đáng nói là những con đường liên tổ, thôn, bản cũng được trải bê tông uốn lượn đến tận từng nhà dân. Những con đường mòn, đường đất gắn chặt với cuộc sống của người dân bao đời nay nay đã trở lên phong quang, sạch đẹp được xem là những con đường đem no ấm đến cho bà con.
 
 

toanld

Nguồn: Báo Lai Châu

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)