So với các xã đồng bằng thì vùng miền núi vẫn còn nhiều tuyến đường chưa được bê tông hóa. Xây dựng giao thông vùng này với chi phí đầu tư cao lại có nhiều hộ nghèo nên khả năng đóng góp của người dân hạn chế. Vì vậy, để các xã ở đây sớm hoàn thành tiêu chí số 2 về giao thông, ngoài kinh phí của ngân sách nhà nước, cần có sự chung tay của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Vùng miền núi còn rất nhiều tuyến đường cần được đầu tư.
Trong ảnh: Đường về xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân
Cùng giải quyết khó khăn
Đường về thôn 3, xã Đa Lộc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) đã được bê tông hóa, khang trang sạch sẽ. Nhưng ít ai biết rằng, mới chưa đầy 1 năm trước con đường này lầy lội, bụi bặm và tuy nằm gần UBND xã, vốn nông thôn mới được ưu tiên đầu tư nhưng do không có vốn đối ứng của nhân dân nên mãi cũng không hoàn thành. Ông Trương Thái Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, cho biết: Đoạn đường dài hơn 300m ở thôn 3 chỉ có vài nhà sinh sống. Nằm xa trung tâm nên chi phí để hoàn thiện đường giao thông luôn cao gấp 2 lần đồng bằng. Điển hình như mua một xe đất đá bình thường chỉ 210.000 đồng nhưng để đưa lên tới xã Đa Lộc tốn tới 420.000 đồng. Vì vậy, ngoài kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, mỗi hộ dân phải đóng góp từ 7-12 triệu đồng để làm vốn đối ứng. Trong khi đó, 52% dân số của xã là hộ nghèo, thu nhập bình quân chỉ ở mức gần 17 triệu đồng/người/năm. Không có vốn đối ứng của dân, con đường đó tưởng như không được thi công. Cuối năm 2016, được Cục Thuế tỉnh Phú Yên hỗ trợ 100 triệu đồng, giúp gánh một phần đóng góp cho dân, xã đã có kinh phí bắt tay vào bê tông giao thông. Giờ bà con ở thôn 3 đã có đường kiên cố đi lại thuận tiện. Hiện xã Đa Lộc đã bê tông hóa được 30 tuyến với tổng chiều dài hơn 3,5km gồm cả đường trục xã, trục thôn và đường nội đồng; nhưng vẫn còn 13 tuyến đường chưa hoàn thành với tổng chiều dài hơn 1,6km.
Vùng miền núi còn 13 xã chưa hoàn thành tiêu chí giao thông, trong đó huyện Đồng Xuân 6/10 xã, huyện Sông Hinh 5/10 xã và huyện Sơn Hòa 2/13 xã. Trước mắt, chính quyền địa phương tập trung vốn cho các xã đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí vào cuối năm 2017. Xã Xuân Phước là một trong hai xã của huyện Đồng Xuân đăng ký hoàn thành nhưng chưa đạt tiêu chí giao thông nông thôn. Theo UBND xã Xuân Phước, xã đã bê tông hóa được gần 24km. Xã còn 500m đường thôn Phú Hội chưa được bê tông hóa khiến tỉ lệ đường trục xã, liên xã được bê tông hóa chỉ chiếm 93%, chưa đạt theo quy định. Hiện xã đã được huyện đầu tư vốn để xây dựng đường nối từ thôn Phú Xuân B đi thôn Phú Hội, để cuối năm hoàn thành 100%, đạt tiêu chí số 2 theo kế hoạch.
Xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) cũng đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí trong năm và đến nay còn nợ tiêu chí giao thông. Ông Nông Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, cho hay: Xã đã bê tông hóa được 7/12km, chiếm 58%, chưa đạt 100% theo quy định và đường trục chính nội đồng đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện chiếm 40%, chưa đạt 70% theo quy định. Xã còn trục đường chính 5,2/12km và 6 tuyến nội đồng với chiều dài gần 13km chưa hoàn thành. Theo kế hoạch, xã sẽ được phân bổ 23,7 tỉ đồng để hoàn thành tiêu chí giao thông và các tiêu chí nông thôn mới còn lại trong năm nay.
Tiếp tục được đầu tư
Theo ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnhPhú Yên, từ nay tới cuối năm, xã Đa Lộc sẽ xây dựng tuyến đường ở thôn 4 có chiều dài 300m đoạn từ ĐT644 đi suối Con với tổng kinh phí 400 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ xã toàn bộ cát, sạn để giảm tiền đóng góp cho người dân trong thôn và xã có kinh phí sớm bê tông toàn bộ tuyến đường này.
Theo Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi giai đoạn 2017-2020, các huyện Đồng Xuân được đầu tư hơn 56km, Sơn Hòa hơn 93km, Sông Hinh gần 146km, Tây Hòa hơn 44km, Tuy An gần 50km, Phú Hòa gần 3km, TX Sông Cầu hơn 6,5km. UBND tỉnh đã tạm ứng 30 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh năm 2017 cho các huyện, thị xã để thực hiện Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn cho các xã thuộc khu vực miền núi. Cụ thể, huyện Phú Hòa được phân bổ 800 triệu đồng, Tây Hòa 3,7 tỉ đồng, Tuy An 4,1 tỉ đồng, Đồng Xuân 3,1 tỉ đồng, Sơn Hòa 4,3 tỉ đồng, Sông Hinh 13,4 tỉ đồng và TX Sông Cầu 600 triệu đồng.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, ngoài ngân sách tỉnh, vùng miền núi còn được đầu tư xây dựng hạ tầng từ nguồn vốn chính sách dân tộc như Chương tình 30a, 135, giảm nghèo bền vững… Những nguồn vốn này cũng được lồng ghép cùng nguồn vốn nông thôn mới để hoàn thiện hệ thống giao thông cho vùng nông thôn miền núi, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Theo UBND tỉnh, vùng miền núi còn khoảng 1.000km đường nông thôn cần được bê tông hóa. Từ bây giờ, UBND tỉnh có chủ trương tập trung vốn giao thông nông thôn cho vùng này. Chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn các xã thuộc khu vực miền núi giai đoạn 2017-2020 đã được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, giai đoạn này, vùng miền núi sẽ được đầu tư hơn 387 tỉ đồng để thực hiện khoảng 399km đường có quy mô bề rộng mặt đường từ 2,5-5,5m gồm đường huyện, đường xã, đường trục thôn, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng, trong đó các tuyến đường ngõ xóm có tối thiểu 3 hộ cũng được xây dựng.