Lao Cai: Kiên cố hoá đường Giao thông nông thôn

Thứ tư, 13/05/2009 17:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Cách đây gần 10 năm, huyện Bát Xát (Lao Cai) là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Riêng chương trình kiên cố hoá đường giao thông liên thôn trong giai đoạn này những tưởng chỉ có thể thực hiện ở các huyện vùng thấp, nhưng Bát Xát lại thành công ngay trong buổi đầu thực hiện.

Cách đây gần 10 năm, huyện Bát Xát (Lao Cai) là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào làm đường giao thông nông thôn theo chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Riêng chương trình kiên cố hoá đường giao thông liên thôn trong giai đoạn này những tưởng chỉ có thể thực hiện ở các huyện vùng thấp, nhưng Bát Xát lại thành công ngay trong buổi đầu thực hiện.

Nhà nước hỗ trợ 1,7 tỷ đồng nhưng xã Quang Kim mạnh dạn đăng ký thực hiện bê tông hoá tới 11,3 km đường giao thông liên thôn. Chương trình đã thu được kết quả cao nhờ tinh thần quyết tâm, đồng lòng của người dân.
Trong số 11,3 km đường bê tông có 5,5 km mặt đường bê tông có chiều rộng 3m, số còn lại mặt đường bê tông rộng tới 2,5m. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, để hoàn thành những tuyến đường này cần số vốn tới 4,8 tỷ đồng. Như vậy, người dân xã Quang Kim đã đóng góp trực tiếp vào chương trình bê tông hoá đường giao thông liên thôn tới 3,1 tỷ đồng (gấp gần hai lần mức hỗ trợ của Nhà nước). Tính toán của Ban quản lý dự án xã Quang Kim thì bê tông hoá 1 km đường giao thông nông thôn nói trên được tỉnh hỗ trợ 150 triệu đồng nhưng thực tế chi phí cần tới gần 400 triệu đồng. Loại đường có bề mặt bê tông rộng 2,5 m cũng cần mức kinh phí khoảng 330 triệu đồng trong khi chỉ được hỗ trợ 100 triệu đồng. Thực tế đã chứng minh, xã Quang Kim mở thầu công khai với giá sàn xây dựng 340 triệu đồng/km đường giao thông liên thôn bê tông hoá nhưng các doanh nghiệp xây dựng đều lắc đầu.
Ông Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hoàn thành chương trình bê tông hoá đường giao thông nông thôn, lãnh đạo xã Quang Kim đã phát huy tinh thần đoàn kết nhất trí, tương thân trong nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Chiều dài tuyến đường là 11,3km chỉ 5 thôn được hưởng lợi trực tiếp (trong đó có 2 thôn vùng cao) nhưng xã đã vận động được bà con ở 17/17 thôn cùng đóng góp xây dựng. Có tới 4.000 trong tổng số 5,1 nghìn nhân khẩu (trừ trẻ em, người cao tuổi, những gia đình chính sách và hoàn cảnh khó khăn) trên địa bàn tham gia đóng góp tiền mặt và ngày công. Điển hình như thôn An Thành, thôn Kim Thành, không hưởng lợi trực tiếp từ chương trình nhưng hầu hết các hộ dân ở hai thôn này đã tự nguyện tham gia đóng góp với mức trung bình 287 ngàn đồng/nhân khẩu. Có hộ dân ở thôn Kim Thành khi nhân mức bình quân này với số khẩu đã góp tới 1,7 triệu đồng. Trong số 7,5 km đường bê tông đầu tiên, người dân trên địa bàn đã đóng góp 1,1 tỷ đồng tiền mặt.
Cũng theo ông Trần Văn Ngọc, để khơi nguồn nội lực, điều kiện tiên quyết còn là phát huy tinh thần dân chủ, công khai. Đảng uỷ ra chủ trương, UBND xã họp lấy ý kiến nhân dân ở tất cả các thôn về phương thức đóng góp và quy chế thực hiện. Tính chủ động của người dân được nhân lên, doanh nghiệp từ chối song người dân vẫn đảm nhận thi công. Khởi công từ cuối tháng 12/2008, đến nay xã Quang Kim đã hoàn thành việc bê tông hoá được trên 8 km, dự kiến đến hết quý II năm nay sẽ khánh thành toàn tuyến 11,3km.
Người dân được làm chủ nguồn vốn đóng góp, làm chủ thi công và làm chủ giám sát nên không có dấu hiệu tiêu cực, lãng phí. Tại những tuyến đã hoàn thành, chất lượng công trình được cơ quan chuyên môn huyện Bát Xát đánh giá không thua kém so với những doanh nghiệp xây dựng thi công. Người dân tự tiết kiệm chi phí thi công cũng chính là tự tiết kiệm số tiền trong hầu bao của mình. Điển hình như thôn Làng Sang bà con khai thác nguồn cát sỏi tại chỗ nên trị giá chỉ 130 ngàn đồng/m3, trong khi giá ngoài thị trường là 230 ngàn đồng m3.
Hiện xã Quang Kim còn tuyến giao thông từ thôn Đồng Quang - Làng Toòng - Vĩ Kẽm và tuyến từ trung tâm xã tới xã Phìn Ngan chưa được bê tông hoá nhưng đã được thành phố Lào Cai và công ty Nam Tiến đảm nhận. Không bao lâu nữa Quang Kim sẽ trở thành địa phương đầu tiên trong tỉnh nhựa và bê tông hoá 100% tuyến đường giao thông liên thôn. 
Xã Quang Kim chỉ là một trong những điển hình về phát huy nội lực vào thực hiện kiên cố hoá đường giao thông liên thôn. Năm 2008, huyện Bát Xát xây dựng kế hoạch kiên cố hoá 12 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 24km với nguồn hỗ trợ chỉ hơn 3 tỷ đồng. Khởi động chương trình là xã Cốc San thực hiện kiên cố hoá 3,65 km có tổng trị giá 850 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp trực tiếp trên 300 triệu.
Đời sống nhân dân tại xã vùng cao biên giới Ngải Thầu còn nhiều khó khăn song người dân vẫn đóng góp 34 triệu đồng để kiên cố hoá 1,5 km đường giao thông liên thôn. Bà con xã A Mú Sung tự nguyện đóng góp 17 triệu đồng để kiên cố hoá 0,5km đường giao thông liên thôn. Xã Bản Vược vận động nội lực được 30 triệu đồng để xây dựng 1 km đường giao thông liên thôn... Và điều đáng nói là việc thi công đường giao thông ở hầu hết các địa phương này do người dân đảm trách.
Đồng thời với nguồn vốn kiên cố hoá đường giao thông nông thôn nói trên, từ năm 2008, huyện Bát Xát còn bắt tay vào triển khai kiên cố hoá đường liên thôn bằng nguồn vốn chương trình 135 giai đoạn II. Trong năm vừa qua đã có 12 tuyến đường giao thông liên thôn với chiều dài 18 km đã hoàn thành. Trong đó có 12,2km đường bê tông rộng 3m, bề dày 15cm và 5,8km đường rải cấp phối. Hiện bà con xã Ý Tý đang bắt tay vào thi công kiên cố hoá tuyến đường từ trung tâm tới thôn Phìn Hồ Thầu với chiều dài 6 km.
Cơ chế thực hiện của UBND tỉnh đề ra là khuyến khích sự đóng góp của người dân bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước. Đi cùng với đó, số tiền hỗ trợ cũng tăng theo tính chất kiên cố. Người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực của Chương trình, tinh thần trách nhiệm và tính tự chủ được nâng lên. Một số thôn vùng cao bà con đã bàn bạc góp thêm kinh phí để xây dựng đường bê tông thay cho làm đường cấp phối. Mặc dù chương trình thực hiện ở các xã đặc biệt khó khăn nhưng phần đóng góp của người dân là rất đáng kể. Tổng giá trị của 24 km đường kiên cố hoá hơn 7 tỷ đồng, trong đó nhân dân đã tự nguyện góp công sức và tiền công trị giá tới 3,4 tỷ đồng (tương đương 49,6%).
Hiện Bát Xát đang khẩn trương thực hiện kế hoạch năm 2009 với việc mở mới và nâng cấp 6 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài 16,5km với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng, trong đó nhân dân trực tiếp đóng góp 1,8 tỷ đồng. Cùng với đó là kiên cố hoá 4 tuyến đường giao thông liên thôn khác tại xã Bản Qua và xã Mường Vi có chiều dài 15 km, nhân dân đóng góp 1,65 tỷ đồng (tương đương với 50% kinh phí).
Lòng dân đã thuận, để chương trình thành công không còn là chuyện xa đối với Bát Xát./
KH


Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)