Hiện nay hệ thống giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn huyện Ðiện Biên (tỉnh Điên Biên) gồm có 393,31km đường trục xã, liên xã; 623,29km đường trục thôn, đội; gần 540km đường ngõ xóm và trên 590km đường trục chính nội đồng.
Những năm qua, với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, mỗi năm huyện lồng ghép các nguồn vốn, huy động các nguồn lực khác với kinh phí hàng chục tỷ đồng; chính quyền các xã vận động nhân dân đóng góp công sức, tiền của, hiến đất… để kiên cố hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống GTNT. Qua đó tạo diện mạo mới, thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ðường trục thôn Thanh Ðông, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) được bê tông kiên cố.
Ông Lò Văn Dương, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ðiện Biên, cho biết: Lãnh đạo huyện Ðiện Biên luôn xác định phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hoàn thiện kiên cố hóa hệ thống GTNT trên địa bàn là một mục tiêu lớn, phải làm từng bước trong một thời gian dài. Do đó huyện phải tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của cấp trên, cân đối nguồn vốn ngân sách huyện. Ðồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền vận động sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân.
Ðánh giá chung thì nhiệm vụ kiên cố hóa GTNT trên địa bàn huyện Ðiện Biên đã đạt được những kết quả tích cực. Ðối với loại đường xã và đường từ trung tâm xã nối đến đường huyện đến nay có 19/25 xã đã hoàn thành nhựa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm. Những xã chưa đạt 100% tỷ lệ cứng hóa loại đường này chủ yếu là xã vùng ngoài như: Mường Nhà (đạt 54,50%); Núa Ngam (59,30%); Hẹ Muông (61%); Pá Khoang (74,20%)… Trong đó chưa tính việc nhiều xã được hưởng lợi bởi có đường quốc lộ chạy qua, như: Quốc lộ 279 (qua các xã Nà Tấu, Nà Nhạn); 279C (Núa Ngam, Mường Nhà, Na Tông, Phu Luông, Mường Lói)
Tuy nhiên, ngoài đường xã và đường từ trung tâm xã nối ra đường huyện thì tỷ lệ cứng hóa của các loại đường còn lại như: đường trục thôn bản và đường liên thôn bản; đường ngõ, xóm; đường trục chính nội đồng còn rất hạn chế. Ngoại trừ một số xã vùng lòng chảo có điều kiện thuận lợi, hầu hết các xã còn lại hạ tầng GTNT chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhất là địa bàn vùng cao, vùng xa, biên giới. Theo đánh giá của huyện Ðiện Biên, hiện nay tỷ lệ đường trục thôn bản và đường liên thôn bản đảm bảo ô tô đi lại quanh năm mới đạt 80% đối với các xã thuộc Chương trình 135 (huyện có 15 xã), các xã còn lại đạt 90%. Song đó chỉ là tiêu chí đảm bảo cho xe ô tô đi lại, còn nếu tính tỷ lệ “cứng hóa” thì loại đường này mới đạt khoảng 40% đối với xã 135 và 50% đối với các xã còn lại.
Khó khăn lớn nhất đối với nhiệm vụ kiên cố hóa GTNT trên địa bàn là nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Do đó huyện Ðiện Biên đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn, phát động mạnh mẽ phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm đường GTNT trên địa bàn. Ðặc biệt, huyện đã xác định thực hiện kiên cố hóa GTNT cần gắn với xây dựng NTM. Dù sao thì thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nói chung, tiêu chí giao thông nói riêng là thời cơ, điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực để xây dựng, kiên cố hạ tầng GTNT. Bởi bên cạnh việc đầu tư từ nguồn ngân sách, chính quyền các xã cũng đẩy mạnh việc huy động nguồn lực xã hội hóa, sự đóng góp của người dân để đầu tư cho tiêu chí giao thông.
Năm 2018, đối với hạng mục sửa chữa, nâng cấp, UBND huyện Ðiện Biên đã ban hành Quyết định số 3744/QÐ-UBND, ngày 29/12/2017 phê duyệt danh mục sửa chữa, nâng cấp 14 công trình giao thông với dự kiến tổng mức đầu tư gần 14 tỷ đồng (4 công trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp giao thông; 10 công trình thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế khác). Cơ bản các tuyến đường sửa chữa, nâng cấp sẽ được bê tông hóa hoặc vá nhựa mặt đường (đối với đường nhựa).