Ở huyện Văn Yên (Yên Bái), những con đường bê tông "đặc thù" đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hình thành đã làm cho người dân thỏa lòng mong ước bao đời nay. Những con đường này đang mang lại sức sống mới, một diện mạo mới cho đời sống bà con nhân dân vùng cao nơi đây.
Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra các tuyến đường
đặc thù tại thôn Bản Lùng, xã Phong Dụ Thượng
Khe Lóng 3 là một thôn đặc biệt khó khăn của xã Mỏ Vàng, với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, gần như 100% hộ dân trong thôn đều thuộc diện nghèo và cận nghèo. Con đường từ trung tâm xã đến thôn dài chừng 13km.
Trên con đường này, hàng ngày, người dân trong thôn, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ phải đánh vật với những phiến đá lô nhô, những dốc cao thẳng đứng, những vũng bùn lầy lội. 93 hộ dân trong thôn mỗi lần xuống chợ phiên, đi xát gạo hay đưa con đi trạm xá khám bệnh phải dậy từ rất sớm, vào những ngày trời mưa có khi phải đi từ sáng đến chiều tối mới quay trở về nhà.
Người dân ở đây không chỉ mất thời gian đi lại bởi đường quá khó mà có lúc họ còn đánh cược bằng cả tính mạng của mình bởi sơ sểnh một chút thôi là có thể bị ngã, trượt khỏi đường hoặc rơi xuống vực sâu. Từ lâu, họ khao khát có một con đường không lầy lội vào mùa mưa, ít dốc đứng trơn trượt để đi lại.
Sự mong mỏi của người dân thôn Khe Lóng 3 nay đã thành hiện thực. Con đường bê tông đặc thù đã được làm vào tận thôn. Con đường dốc đứng, lầy lội, trơn trượt nay đã được thay thế bằng một con đường bê tông sạch đẹp, bằng phẳng. Việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn nhiều. Cái cảm giác ngần ngại, lo sợ bị ngã khi đi xuống trung tâm xã vào những ngày trời mưa đã không còn.
Bây giờ, người dân chỉ mất khoảng 30 phút là có thể xuống trung tâm xã thay vì mất cả vài giờ đồng hồ như trước đây. Có đường bê tông, đời sống của người dân nơi đây như mở ra một trang mới, mọi thứ đều phát triển từ kinh tế đến đời sống hàng ngày.
Chị Mùa Thị Sáng ở thôn Khe Lóng 3 cho biết: "Bây giờ, có đường bê tông đi lại dễ hơn rồi. Trẻ con, người già xuống chợ, đưa con đi khám bệnh không mất nhiều thời gian và không bị trượt ngã nữa. Con đường này, người dân chúng tôi đã mơ ước từ rất nhiều năm nay rồi”.
Vào đến 2 thôn Đam 1 và Bùn Dạo của xã Lang Thíp, niềm vui của người dân khi có con đường bê tông đặc thù vào tận bản vẫn đang hiện rõ trên từng khuôn mặt. Có đường bê tông, dù không to rộng nhưng bản làng sôi động hẳn lên. Người ra, người vào và vui nhất vẫn là các hộ dân sinh sống tận cuối thôn, họ đã thật sự thỏa lòng khi chính mắt nhìn, chính bàn chân họ được đặt chân lên con đường bê tông mà bấy lâu nay họ mơ ước.
Chỉ cách đây 2 tháng, người dân ở 2 thôn Đam 1 và Bùn Dạo, người già, con trẻ, giáo viên, học sinh còn đang phải đánh vật khi phải đi lại trên con đường đất nhỏ, dốc đá, lầy lội. Bị ngã, bị lấm, bị trầy xước là việc không thể tránh khỏi.
Không chỉ người dân ở 2 thôn này thấy ngần ngại khi qua lại trên đường mà các thầy cô giáo bám bản nhiều khi cũng thấy nản vì đường vào điểm trường quá khó khăn. Nay có đường bê tông, người dân không còn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập nữa.
Thầy cô không phải hàng ngày đánh cược tính mạng của mình khi vào bản dạy chữ cho học sinh, nhất là vào mùa mưa bão. Trẻ em đi học cũng không phải mất cả ngày đường mới đến được trường.
Em Bàn Thị Lan – học sinh Trường THCS Lang Thíp tâm sự: "Ngày trước, từ nhà em đến trường mất nửa ngày đi bộ, vào ngày mưa em còn bị ngã, bị bẩn quần áo. Nay có đường đẹp, em đến trường nhanh hơn rồi, không sợ bị ngã nữa”.
Thấu hiểu được nỗi vất vả, niềm mong ước bao đời nay của bà con, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là có những con đường an toàn cho việc đi lại.
Chính vì vậy, trong kế hoạch phát triển đường giao thông nông thôn năm 2018, Văn Yên đã quyết định trích 1 phần ngân sách của huyện làm đường bê tông "đặc thù" với chiều rộng 1 m và dày 12 cm để giải quyết vấn đề đi lại của các thôn, bản có đường giao thông đi lại đặc biệt khó khăn.
Đường đặc thù được huyện Văn Yên triển khai ở 5 xã vùng cao là Mỏ Vàng, Lang Thíp, Châu Quế Thượng, Phong Dụ Thượng, Đại Sơn với tổng chiều dài 30 km. Lựa chọn các xã vùng cao, vùng khó khăn nhưng không đầu tư dàn trải, huyện đã trực tiếp đến khảo sát từng xã, từng tuyến đường vào thôn để có sự đầu tư đúng, đủ, kịp thời.
Trên cơ sở khảo sát, huyện đã lựa chọn các tuyến ở 11 thôn, bản với tổng kinh phí đầu tư ban đầu vào khoảng 8 tỷ đồng. Trung bình mỗi xã trên sẽ có từ 2 – 3 thôn bản được hưởng lợi. Đến thời điểm này, các tuyến đường đặc thù trên địa bàn huyện đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Để người dân được nhanh chóng hưởng lợi từ các tuyến đường đặc thù, các công việc triển khai, cắm tuyến, tập kết vật liệu, máy móc thi công, đẩy nhanh tiến độ thi công… đang được huyện Văn Yên triển khai thực hiện đồng bộ.
Ngân sách huyện sẽ bảo đảm đầu tư 100% kinh phí cho việc làm mới các tuyến đường này, người dân đóng góp ngày công để làm mặt đường, khơi thông cống rãnh và đắp lề đường.
Người dân ở những nơi xa xôi nhất của huyện Văn Yên như: thôn Khe Lóng 2, Khe Lóng 3 của xã Mỏ Vàng; thôn Đam 1, Bùn Dạo của xã Lang Thíp, thôn Ao Ếch của xã Châu Quế Thượng; thôn Khe Dẹt, Bản Lùng của xã Phong Dụ Thượng… đã có đường bê tông.
Đây là "luồng gió mới” thay đổi đời sống của họ. Cũng từ đây, người dân vùng cao đặc biệt khó khăn này sẽ chung sức, đồng lòng, góp công, góp sức xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Ngọc Nhưỡng – Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng cho biết: "Có con đường đặc thù như thế này, người dân rất vui, đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.
Trên những dãy núi của 5 xã vùng cao Văn Yên, tuyến đường đặc thù như dải mây uốn lượn, ôm lấy núi rừng ngút ngàn, ôm lấy bản làng của người Mông, người Dao.
Con đường ấy, là con đường của ý Đảng, lòng dân, con đường ước mơ của bao thế hệ đồng bào dân tộc nơi rẻo cao này. Từ đây, đường sẽ tạo đà cho nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, là động lực mạnh mẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Văn Yên.