Địa bàn rộng, hệ thống kênh rạch chằng chịt đã gây nhiều bất lợi trong việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trong huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Địa bàn rộng, hệ thống kênh rạch chằng chịt đã gây nhiều bất lợi trong việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trong huyện Phụng Hiệp.
* Đường thông thoáng
Các con lộ nông thôn thường chạy dọc theo các tuyến kênh, kết cấu con đường bằng nhựa, hoặc bê tông rộng chừng 2 m, chỉ đáp ứng cho nhu cầu đi lại bằng xe hai bánh, kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân... Thế nhưng, giá trị của những tuyến đường này đối với người dân rất lớn. Sống trên tuyến kênh Xẻo Môn Cụt hàng chục năm qua, nên ông Trần Văn Tám không tránh khỏi cảnh khó khăn đi lại trên con đường đá xuống cấp trong ấp Long Trường, xã Hòa Mỹ trước đây. Ông Tám nhớ lại: “Con đường bể, gồ ghề và bụi bặm dữ lắm. Có lúc mưa đọng vũng, sình lầy đến nỗi không chạy xe được”.
Thật khó có thể diễn tả hết được niềm vui sướng của người dân ấp Long Trường khi con đường đá cấp phối, dài 2,5 km ngày trước đã được nâng cắp lên thành lộ nhựa chưa đầy chục tháng. Những ngày mưa bão vừa qua, cư dân sống cặp tuyến kênh Xẻo Môn Cụt hàng ngày có thể đi chợ, làm việc, con em cấp sách đến trường rất dễ dàng và nhanh chóng. Ông Nguyễn Út Em, ở ấp Long Trường, Hòa Mỹ, hân hoan: “Đường sá thông thoáng, bà con đi về huyện, tỉnh đều được. Xe cộ cứ chạy dập dìu, xóm làng thêm sung túc. Khi có nhu cầu ăn uống, các vật dụng thiết yếu phục vụ cho gia đình có thể liên hệ qua điện thoại sẽ có người đem đến”.
* Trăn trở
Theo ông Dương Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ, người dân thu nhập chủ yếu dựa vào cây lúa, mía là chính. Ngặt nỗi mía, lúa trong các vụ trước bấp bênh, thu nhập không đáng kể. Nhưng cùng lúc phải trang trải chi phí gia đình, vốn tái sản xuất, chưa kể là một số ít trường hợp còn trông chờ Nhà nước hỗ trợ. Cho nên, những năm vừa qua, xã Hòa Mỹ thường bị “vướng” trong việc thu hồi vốn xây dựng giao thông trong dân. “Nhằm giảm áp lực chi phí cho bà con, xã chia ra nhiều đợt và thu vào các vụ trong năm. Vụ mía năm nay bà con trúng mùa được giá, ai nấy đều phấn khởi nên công tác thu cũng thuận lợi hơn trước. Tính đến thời điểm này, xã đã thu được trong dân gần 1,9 tỉ đồng, đạt trên 50% tổng nguồn vốn đóng góp xây dựng giao thông của người dân trong vòng 6 năm qua”, ông Dương Minh Sơn nói.
Biết rằng, giao thông nông thôn hoàn chỉnh góp phần quan trọng để phát triển kinh tế, thay đổi bộ mặt xã hội cho các vùng quê. Tuy nhiên, do đời sống của người dân còn thiếu thốn đã ảnh hưởng lớn trong quá trình vận động người dân xây dựng giao thông nông thôn. Phó trưởng phòng Công thương huyện Phụng Hiệp Hồ Văn Sơn băn khoăn, những năm vừa qua, các xã trong huyện đã tập trung xây dựng giao thông đối với tuyến đường chính, bức xúc và có đông hộ dân sinh sống. Thế nhưng, vẫn còn nhiều con đường dọc các tuyến kênh vùng sâu, dân cư thưa thớt, đời sống người dân khó khăn, thiếu thốn. Vì thế, vấn đề xây dựng giao thông tại các vùng nông thôn sâu có phần trở ngại hơn trước. Nhất là một huyện có địa hình rộng, hệ thống kênh rạch chằng chịt như huyện Phụng Hiệp.
* Nhu cầu xây dựng lớn
Ông Dương Minh Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Mỹ đánh giá, tuyến đường giao thông từ Cầu Xáng đến thị trấn Cây Dương chạy qua xã được xây dựng thành lộ nhựa và bê tông hoàn chỉnh, lưu lượng xe gia tăng cao. Tuyến đường huyết mạch này không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong xã mà còn cho nhiều người dân ở một số xã lân cận như: Tân Long, Long Thạnh, Bình Thành... về trung tâm huyện làm ăn, buôn bán. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông nông thôn của xã nói chung còn nhiều yếu kém. Toàn xã chỉ có 23 km đường bê tông và nhựa, chiếm chưa đầy 1/4 tổng chiều dài các tuyến đường chính mà xã đang cần được đầu tư nâng cấp và xây dựng.
Phó phòng Công thương huyện Hồ Văn Sơn cho biết thêm, trong khi nhu cầu xây dựng giao thông ở địa phương rất lớn, nhưng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước có hạn. Do đó, thời gian qua, huyện Phụng Hiệp đã tranh thủ thêm các nguồn vốn hỗ trợ khác từ các chương trình CDF (nguồn vốn chuyển tiếp từ chương trình cải cách hành chính), VNLUC, các nhà máy đường trong và ngoài huyện để từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông. Riêng một số tuyến đường thuộc ấp nghèo, ấp có đông đồng bào dân tộc sinh sống còn được quan tâm đầu tư bằng cách nâng mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
BHG