Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo nên trong năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển có hiệu quả mạng lưới đường GTNT.
Xác định phát triển giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo nên trong năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển có hiệu quả mạng lưới đường GTNT.
Ba Bể là huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở nhiều dốc cao, vực sâu, nên giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là địa bàn các xa vùng sâu, vùng xa. Để cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã, trong năm qua, huyện Ba Bể đã chủ trương tận dụng hiệu quả mọi nguồn vốn, phân bổ đồng đều, từng bước đầu tư vào các xã vùng sâu, có vị trí khu vực khó khăn.
Cho tới thời điểm hiện nay, tỷ lệ các thôn có đường ô tô đi đến đã đạt khoảng 60%. Ngoài các tuyến đường chính như Quốc lộ 279, Tỉnh lộ 258 là “cửa chính” để giao thông hàng hóa với bên ngoài thì hàng trăm tuyến cầu, đường GTNT đã và đang được mở mới như đường vào thôn Coọc Mu (Hoàng Trĩ) dài hơn 3 km; Đường Phúc Lộc - Yến Dương dài 7km; đường Ngạm Khét (Cao Thượng) dài 2km; đường Bản Váng (Địa Linh) dài 5km; đường Củm Pán (Khang Ninh) dài 3km, cầu treo Bản Hon (Bành Trạch), cầu treo Pác Tinh (Địa Linh)… đã phát huy hiệu quả kinh tế cao.
Giờ đây việc đi lại của bà con đã thuận tiện rất nhiều, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số đến trường, việc giao lưu trao đổi hàng hóa được dễ dàng, giá trị hàng hóa cũng theo đó tăng lên theo mặt bằng chung của thị trường, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong khu vực vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong huyện trước đây chưa có đường, cuộc sống sinh hoạt gặp rất nhiều khó khăn, trẻ em đến trường phải trèo đèo vượt suối, bệnh nhân ốm đau đến được trạm xá là cả một sự thách thức; sản phẩm của nông dân bán rẻ còn vật tư nông nghiệp lại phải mua đắt gấp nhiều lần vì giá cước vận chuyển quá cao. Giờ đây nhiều tuyến cầu, đường được mở mới thật sự là niềm vui vô hạn của nông dân, mở ra cho nông dân có nhiều sự lực chọn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Chị La Thị Tuyến, ở thôn Coọc Mu (Hoàng Trĩ) cho biết: Trước đây, người dân thôn tôi đi đâu cũng khó khăn vì toàn phải đi đường dân sinh, hàng hóa nông sản thì bán rẻ, mua vật tư thì phải mua đắt vì cước vận chuyển cao, đến nay được huyện quan tâm đâu mở tuyến cầu, đường nên việc giao thông đi lại rất thuận lợi, kinh tế-xã hội cũng theo đó được mở mang. Đồng chí Liêu Nông Kinh- Chủ tịch UBND xã Địa Linh lại khẳng định: Cầu và đường GTNT là yếu tố mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân ở xã tôi. Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân trong xã dễ dàng mua bán sản phẩm nông lâm nghiệp, giá trị hàng hóa của bà con cũng được tăng đáng kể, cùng với đó là việc đi lại khám chữa bệnh, học tập của nhân dân trong vùng cũng được cải thiện.
Việc không ngừng hoàn thiện mạng lưới giao thông đang mở ra cơ hội rất lớn cho nhân dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong những năm tới, huyện Ba Bể vẫn tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong những năm tới, tranh thủ các nguồn vốn của Nhà nước, huyện sẽ tập trung đầu tư vào vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn như mở đường liên thôn, đường lâm nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng và các mô hình kinh tế trang trại. Tạo được công việc làm ổn định và thu nhập cho một bộ phận nông dân, góp phần phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.
Báo Bắc Kạn